VN-Index khó lường: Nhà đầu tư phái sinh ngậm trái đắng

Gia Lê| 12/11/2020 05:47

Những phiên kéo và đập chỉ diễn ra trong phiên ATC ở các mã cổ phiếu trụ dễ khiến người ta liên tưởng đến việc chỉ số VN-Index đang bị thao túng để phục vụ giao dịch trên thị trường phái sinh của những nhà đầu tư "cá mập".

bai1-index-1-9076-1605077815.jpg

Ngày 26/10/2020, sau khi mở cửa giao dịch, chỉ số VN-Index tăng mạnh, có lúc tăng hơn 9 điểm, nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều, giảm đến 17 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính kéo chỉ số VN-Index đi xuống, khi trong 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức giảm điểm đã có đến 6 cổ phiếu ngân hàng, với tổng mức giảm 6,7 điểm, trong đó ba cổ phiếu đứng đầu là BIDV đóng góp -2 điểm, Vietcombank -1,5 điểm và Vietinbank -1,3 điểm. 

Tiếp đến, ngày 28/10/2020, VN-Index giảm 25 điểm, 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức giảm điểm của thị trường đã lên tới 16,2 điểm, gồm VIC -5,1 điểm, Vietcombank và Vinhomes gần -1,9 điểm, BIDV -1,6 điểm, Vinamilk -1,3 điểm, VRE, HPG, Vietinbank, Techcombank đều xấp xỉ -0,9 điểm và VPBank -0,8 điểm. 

Có thể thấy trong hơn một tháng qua, chỉ số VN-Index biến động khó lường chủ yếu do ảnh hưởng bởi diễn biến của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm VN 30. Nếu như đà tăng những tháng trước đó làm dòng tiền có sự lan tỏa đều ở các nhóm cổ phiếu, thì sự tăng trưởng của VN-Index trong tháng 10, trước khi diễn ra đợt điều chỉnh vào tuần cuối tháng, cũng chủ yếu nhờ dòng tiền tập trung kéo các cổ phiếu trụ như VIC, MSN , VHM, HPG và nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Sau đợt tăng cao trào, VN-Index đột ngột điều chỉnh giảm mạnh trong tuần cuối tháng 10

Sau đợt tăng cao trào, VN-Index đột ngột điều chỉnh giảm mạnh trong tuần cuối tháng 10

Hệ quả là khá nhiều nhà đầu tư trước đó dự báo thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh trong tháng 10, đã bán khống hợp đồng tương lai VN 30 trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn "lầm lũi" đi lên trong tháng 10, bất chấp các phiên "xanh vỏ đỏ lòng" ngày càng phổ biến, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng giá. Rõ ràng dòng tiền tập trung đánh các mã cổ phiếu trụ đã khiến chỉ số VN-Index không phản ánh đúng thực chất của thị trường.

Và khi bán khống liên tục thất bại, thị trường tiếp tục tăng mạnh, không ít nhà đầu tư "say men" đã quyết định đảo ngược vị thế, chuyển sang mua ròng hợp đồng tương lai VN 30, nhưng một lần nữa thị trường lại gây bất ngờ khi đột ngột đảo chiều giảm điểm mạnh từ phiên ngày 26/10/2020, sau hai phiên tăng cao trào trước đó gần 30 điểm.

Đứng ở góc nhìn khác, việc dòng tiền lớn tập trung mua các cổ phiếu thuộc VN 30 trong tháng 10 có thể đến từ kỳ vọng Việt Nam được nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên vào tháng 11, khi thị trường Kuwait sẽ được Morgan Stanley Capital International (MSCI)  nâng lên thành thị trường mới nổi. Với tỷ trọng lớn thứ hai tại các nhóm quốc gia cận biên, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ động thái này và những cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ được các quỹ nước ngoài mua ròng. Các doanh nghiệp lớn tiếp tục duy trì lợi nhuận ổn định bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cũng có thể là động lực thu hút dòng tiền rót vào.

31321313-8181-1605078214.jpg

Dù vậy, những phiên kéo và đập chỉ diễn ra trong phiên ATC ở các mã cổ phiếu trụ cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến việc chỉ số VN-Index đang bị thao túng để phục vụ cho giao dịch trên thị trường phái sinh của những nhà đầu tư "cá mập". Điều này cũng từng xảy ra trước đây, đặc biệt là ở những phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN 30.

Và sau đợt điều chỉnh cuối tháng 10, thị trường bước vào giai đoạn hồi phục trong những ngày đầu tháng 11, lần này dòng tiền lan tỏa rộng hơn, dù vẫn có những phiên cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò quyết định kéo thị trường đóng cửa trong sắc xanh. Như trong phiên ngày 2/11/2020, VN-Index tăng hơn 7 điểm, trong đó riêng Vietcombank và Vietinbank đã đóng góp đến 4,5 điểm. Hay trước đó nữa là phiên ngày 30/10/2020, trong mức tăng 6 điểm của VN-Index thì riêng cổ phiếu VIC đã đóng góp gần 5,8 điểm.

Từ những phiên giao dịch trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11 này, có thể thấy chỉ số đang ngày càng biến động khó lường mà đôi khi không dựa trên các yếu tố cơ bản. Tâm lý nhà đầu tư hiện nay cũng không thật sự "thoải mái" do những lo ngại về tình hình chính trường Mỹ, sự hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu, nên những phiên đạp cổ phiếu trụ có thể tiếp tục dẫn đến cảnh bán tháo trên toàn thị trường cũng là điều cần phải dè chừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN-Index khó lường: Nhà đầu tư phái sinh ngậm trái đắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO