Vì sao giá cổ phiếu SHB một mình "chói sáng"?

Gia Lê| 13/04/2020 07:30

So với đầu năm, giá cổ phiếu SHB đã tăng hơn 2,8 lần, trở thành một trong những cổ phiếu tăng tốc mạnh nhất trong năm 2020 tính đến thời điểm này.

Vì sao giá cổ phiếu SHB một mình

Gần đây hơn, những thông tin về khả năng M&A của SHB cũng dần được hé lộ, trở thành chất xúc tác mới cho đà tăng giá của cổ phiếu.

Sự khởi sắc của cổ phiếu SHB so với thị trường chung cũng như các cổ phiếu ngân hàng khác không chỉ mang lại niềm vui cho các cổ đông trung thành của ngân hàng, mà còn khiến cổ phiếu này trở nên hấp dẫn hơn và thu hút không ít dòng tiền tham gia lướt sóng.

Cụ thể, nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu của các ngân hàng khác, ngay cả những ông lớn có vốn sở hữu nhà nước như Vietcombank, dù đã phục hồi mạnh mẽ trong những phiên gần đây, vẫn đang giảm 22% nếu so với mức đỉnh trước khi dịch bệnh khởi phát; còn Vietinbank rớt hơn 30%, BIDV lao dốc 33%. Các ngân hàng TMCP khác cũng không khá hơn, Techcombank, VPBank, HDBank, MBBank và Sacombank giảm trên dưới 30%, ACB và VIB dù rớt ít hơn nhưng cũng đến 26%; ngay cả một cổ phiếu luôn khá ổn định là EIB cũng giảm 15%. 

Vậy, vì sao SHB lại ngược dòng mạnh mẽ đến thế? Ngân hàng này có chất xúc tác gì để khiến nhà đầu tư rót tiền không chùn tay để kéo giá băng băng "một mình một ngựa", liên tiếp phá vỡ các ngưỡng kháng cự và thiết lập các mức giá kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay? 

Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ thương vụ đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu SHB vào đầu năm nay của ông Đỗ Vinh Quang – con trai của chủ tịch HĐQT SHB là ông Đỗ Quang Hiển.

Thời điểm đó, ông Quang đăng ký mua vào 35,9 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,98% tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng, thời gian thực hiện giao dịch là từ ngày 13/1/2020 đến 11/2/2020. Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500đ/CP, tương đương tổng giá trị từ 215-235 tỷ đồng. Như vậy, với mức giá gần 18.000đ/CP hiện nay, tức tăng xấp xỉ gấp 3 lần mức giá thời điểm ông Quang mua vào, con trai của bầu Hiển đã lãi hơn 430 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng.

Việc con trai của vị Chủ tịch mua vào với số lượng lớn được giới đầu tư đánh giá là thông tin tích cực, khi khả năng SHB sẽ có những đột phá trong hoạt động kinh doanh cho giai đoạn tới, vì có như thế thì cổ đông lớn mới mạnh tay gom hàng đón đầu đà tăng giá khi các thông tin tốt được chính thức công bố.

Thực tế, từ cuối năm 2015, việc SHB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho chia cổ tức của năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu đã khiến thị trường đánh giá tốt hơn về ngân hàng có quy mô kinh doanh thuộc tốp đầu này, khi đó là dấu hiệu cho thấy lộ trình tái cấu trúc của SHB tiến triển tốt, các vấn đề hạn chế đã khắc phục xong và khả năng phục hồi trong tương lai là rất cao, nên mới được phép chia cổ tức trở lại như vậy.

Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500đ/CP.

Trong khoảng thời gian ông Đỗ Vinh Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500đ/CP. Sau đà tăng mạnh, chốt phiên ngày 13/4, cổ phiếu SHB đã neo ở mức 17.800 đ/CP

Ngoài ra, việc SHB đưa ra kế hoạch tăng vốn mạnh từ mức quanh 12.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019 lên 17.000 tỷ đồng trong năm 2020, bên cạnh việc phát hành 251,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2.514 tỷ đồng để trả cổ tức, thì ngân hàng cũng sẽ phát hành gần 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo mệnh giá 10.000đ/CP, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Để tăng vốn thành công, các nhà đầu tư cũng tin rằng giá cổ phiếu SHB phải được kéo vượt mệnh giá thì mới thu hút các cổ đông hiện hữu đăng ký mua, và thực tế là giá cổ phiếu SHB đã được kéo vượt xa mức mong đợi.

Gần đây hơn, những thông tin về khả năng M&A của SHB cũng dần được hé lộ, trở thành chất xúc tác mới cho đà tăng giá của cổ phiếu. Ngày 8/4, Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) đã ra Nghị quyết trình Hội đồng quản trị SHB đề xuất thông qua Đại hội đồng cổ đông về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

Được biết, một số đối tác nước ngoài trước đó đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. SHB đánh giá, khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này sẽ hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác. Ngoài lợi ích về kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, SHB cũng dự kiến thu được lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Bên cạnh đó, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết chính thức vào đầu tháng 2 năm nay, trong đó có điều khoản cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuộc khu vực này "được nắm giữ tổng số cổ phần trong hai ngân hàng TMCP của Việt Nam lên tới 49% vốn điều lệ của các ngân hàng đó", Một số dự báo cho rằng SHB có thể được chọn là 1 trong số 2 ngân hàng tiềm năng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao giá cổ phiếu SHB một mình "chói sáng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO