Tỷ giá ổn định đến đâu?

LINH CHI| 20/08/2015 02:24

Mặc dù biên độ tỷ giá vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lên mức 3%, song lĩnh vực xuất khẩu vẫn chưa thể vượt khó.

Tỷ giá ổn định đến đâu?

Mặc dù biên độ tỷ giá vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lên mức 3%, song lĩnh vực xuất khẩu vẫn chưa thể vượt khó.

Đọc E-paper

Trong những ngày qua, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và khu vực đã bị tác động mạnh bởi việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện chính sách điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT), khi chỉ trong 3 ngày 11-13/8, đồng NDT đã mất giá 4,6%.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Thủ tướng, việc NHNN chủ động tăng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD từ +/-1% lên +/-2% trong ngày 11/8 phần nào đối phó được tình hình.

Cụ thể, từ ngày 14/8, thị trường ngoại tệ đã có xu hướng ổn định trở lại, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm thấp hơn so với mức trần, bảo đảm thanh khoản thị trường.

Song thực tế, đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu dùng nguyên liệu trong nước, dù tỷ giá chỉ được NHNN điều chỉnh tăng thêm mức 1% cũng khó cải thiện.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với 2% biên độ tỷ giá vừa được tăng thêm không đủ bù cho sự trượt giá mạnh của NDT khiến DN xuất khẩu lao đao.

Tương tự, một DN chuyên xuất khẩu gạo cho biết, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm phần lớn, nhưng trong mấy ngày qua, khi USD tăng giá thì đồng NDT lại giảm giá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu gạo.

Bởi theo vị này, một khi NDT giảm kéo theo sức tiêu thụ của thị trường này đi xuống, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc chèn ép, hạ giá mua khiến cho DN xuất khẩu gạo Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu.

Mặt khác, một số DN dù xuất khẩu, nhưng sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho rằng, sự hồi phục của USD trong thời gian dài vừa qua và trước áp lực phá giá đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây sức ép đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Vì thế, việc NHNN vừa điều chỉnh tăng thêm biên độ tỷ giá cũng chưa tác động nhiều đến DN xuất khẩu.

"Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các thị trường trên thế giới sụt giảm trước khó khăn của tình hình kinh tế. Vì thế, các nhà nhập khẩu trên thế giới cũng luôn ép giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ một sản phẩm trước đây có giá 5 USD thì hiện chỉ còn khoảng 4,5 - 4,8 USD. Trong khi đó, tỷ giá của Việt Nam vẫn được kiểm soát trong biên độ cho phép và khó tăng cao", một DN chia sẻ.

Thực ra, tính từ cuối tháng 7 đến nay, thị trường tiền tệ luôn có sự biến động khi tỷ giá trên thị trường tự do vượt mốc 22.000 đồng/USD, vượt trần quy định của NHNN trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM cũng giao dịch ở mức 22.105 đồng/USD (theo tỷ giá Vietcombank).

Quy luật thông thường đối với biến động tỷ giá thường rơi vào đầu năm, đầu quý II, khoảng thời gian từ giữa đến cuối quý III và diễn biến năm nay cũng tương tự.

Trong lần biến động này, NHNN tiếp tục khẳng định cam kết giữ biên độ phá giá tiền đồng 2% trong năm 2015 và công bố dự trữ ngoại hối gần 37 tỷ USD (gần 2,6 tháng nhập khẩu bình quân hiện tại) đủ khả năng để đảm bảo cam kết.

Trong diễn biến hiện tại, có thể ít ai biết việc cam kết có được đảm bảo hay không, nhưng thời điểm này rất nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng đang có "chi phí cơ hội" để giữ ổn định tỷ giá.

Cụ thể, trong nửa đầu năm, những mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu là mặt hàng trong ngành khai khoáng, nông nghiệp, thủy sản...

Việc suy giảm xuất khẩu của các mặt hàng này có liên hệ mật thiết với sự sụt giảm giá hàng hóa, tuy nhiên, không thể phủ nhận việc giữ ổn định tỷ giá cũng tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của các ngành trên.

Theo nghiên cứu công bố vào tháng 5 của VEPR, 5 ngành bị tác động tiêu cực từ việc định giá tiền đồng là nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông sản, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Trong khi đó, 2 ngành hưởng lợi là công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn và dịch vụ.

Tình hình sản xuất và xuất khẩu của một số ngành trong hơn nửa đầu năm 2015 đã cho thấy kết quả nghiên cứu trên khá phù hợp. Sản xuất công nghiệp đang là đầu tàu và là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong nửa đầu năm, ngoài ra tiêu dùng cũng khởi sắc so với giai đoạn trước.

Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, thủy sản... sụt giảm về giá trị sản xuất và gặp khó khăn tại một số thị trường. Ngành khai khoáng giữ được mức tăng trưởng về sản lượng sản xuất nhưng ghi nhận mức tăng trưởng âm về giá trị xuất khẩu.

Cộng hưởng lại, tăng trưởng kinh tế vẫn đang đúng kỳ vọng, việc phá giá tiền đồng chưa phải áp lực cấp bách, nhưng chắc chắn vẫn là áp lực.

Áp lực trên sẽ gia tăng từ nay đến cuối năm liên quan đến một chuỗi các yếu tố đan xen gồm khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 9/2015, áp lực nhập siêu trong những tháng cuối năm, biến động đồng tiền của các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam (EU, ASEAN, Nhật Bản...), suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc.

Với quan điểm nhất quán của NHNN cùng với số dự trữ ngoại hối hiện có, một chuyên gia cho rằng việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam có thể hình dung đơn giản là "không sớm thì muộn".

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy, hiện nay đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới đã phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu. Trong đó, có những nước rất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc đã phá giá đồng bạc để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời đồng USD đang mạnh lên.

Xét thấy trong bối cảnh này, tỷ giá hiện tại của đồng Việt Nam làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy chưa phải là thời điểm để phá giá tiền đồng, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng nên quan sát thị trường một cách chặt chẽ để có thể điều chỉnh tỷ giá và NHNN cần thể hiện vai trò này.

>Doanh nghiệp lo âu vì tỷ giá tăng

>Tỷ giá tăng: Chỉ là quy luật cung - cầu

>Tăng biên độ tỷ giá 2%: DN xuất khẩu được lợi ngay lập tức

>NHNN bất ngờ tăng biên độ tỷ giá thêm 1%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ giá ổn định đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO