TTCK ngày 17/6: Sẽ tiếp tục giằng co

P.V| 16/06/2014 02:39

Chúng tôi cho rằng tình trạng giằng co sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới cho tới khi thông tin cụ thể về kết quả quý 2 của các doanh nghiệp đa phần được công bố vào khoảng cuối tháng 6

TTCK ngày 17/6: Sẽ tiếp tục giằng co

Nhận định về thị trường chứng khoán ngày 17/6, các chuyên gia của MBS cho rằng: "Chúng tôi cho rằng tình trạng giằng co sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới cho tới khi thông tin cụ thể về kết quả quý 2 của các doanh nghiệp đa phần được công bố vào khoảng cuối tháng 6. Lúc đó, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ và thị trường sẽ có xu hướng rõ ràng hơn".

BVSC: Chốt lời cho danh mục ngắn hạn

Về xu hướng thị trường, diễn biến điều chỉnh đi kèm sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên của tuần này. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế hoạt động mua vào đồng thời tiếp tục chốt lời cho danh mục ngắn hạn khi các chỉ số gặp vùng cản kỹ thuật.

MBS: Sẽ tiếp tục giằng co trong thời gian tới

Thị trường cho thấy dấu hiệu phân hóa khi nhóm các cổ phiếu có cơ bản tốt hoặc thông tin tích cực về kết quả quý 2 tiếp tục tăng nhẹ trong khi nhóm đầu cơ ngắn hạn giảm giá trước sức ép của lực bán chốt lời. Điều này thể hiện rõ khi chỉ số VN30 gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn được duy trì trên mức tham chiếu trong suốt phiên và tăng nhẹ trong bối cảnh cả 2 chỉ số chính giảm điểm. Tuy nhiên, lực bán không thực sự quyết liệt còn lực mua khá thận trọng và vẫn chờ đợi các vùng giá tốt hơn khiến thanh khoản nói chung của thị trường tiếp tục ở mức thấp.

Chúng tôi cho rằng tình trạng giằng co sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới cho tới khi thông tin cụ thể về kết quả quý 2 của các doanh nghiệp đa phần được công bố vào khoảng cuối tháng 6. Lúc đó, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ và thị trường sẽ có xu hướng rõ ràng hơn. Còn trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục dao động đi ngang trong các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mạnh. VN-Index và HNX-Index nhiều khả năng sẽ không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự mạnh hiện tại và điều chỉnh giảm xuống.

Chúng tôi khuyến nghị không nên mua vào tại thời điểm hiện tại khi thị trường đang có xu thể tạo đỉnh ngắn hạn. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và chờ đợi các cơ hội rõ ràng hơn trong thời gian tới.

VCSC: Nên mua ngay trở lại

Theo hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn, tín hiệu phân kỳ giảm giá xuất hiện ở nhiều chỉ báo xung lượng với đồ thị giá của chỉ số VN-Index cho nên chúng tôi cho rằng lực cầu đang có dấu hiệu suy yếu tại vùng kháng cự 575 – 580 của chỉ số này và mức rủi ro có dấu hiệu tăng dần.

Đồng thời, chúng tôi cho rằng áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên kế tiếp, vùng hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh này là 560 – 565 của chỉ số VN-Index và 75.47 của chỉ số HNX-Index (tức là đường SMA20). Hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hai chỉ số lên mức 558 của chỉ số VN-Index và 73.88 của chỉ số HNX-Index cho nên chúng tôi đánh giá đây chỉ là các phiên điều chỉnh của xu hướng tăng ngắn hạn vừa qua.

Do đó, các nhà đầu tư đã xem xét bán ra một phần danh mục trong tuần giao dịch trước thì chưa nên mở vị thế mua ngay trở lại khi áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mở thêm vị thế mua mới trong những phiên tới khi dấu hiệu rủi ro đang tăng dần và vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại.

IVS: Nên quan tâm đến giao dịch của từng cổ phiếu

Phiên 16/6 không có quá nhiều điều đáng nói ngoại trừ đây là phiên giảm điểm, chấm dứt 6 phiên tăng giá liên tiếp của chỉ số VN-Index. Thị trường vẫn vậy, giao dịch giằng co từng điểm số và phân hóa trong một giai đoạn thiếu sự hỗ trợ mạnh về mặt thông tin. Còn với từng cổ phiếu, chúng vẫn vận động theo xu thế là tăng 1-2 nhịp rồi điều chỉnh giảm nhưng điểm tích cực cầu mua giá thấp khá tốt và những cổ phiếu này hầu như vẫn giữ được mức cao hơn sau cú bứt phá. Đó có thể coi là nhịp chốt lời ngắn hạn của một số nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Thị trường điều chỉnh nhẹ và rất có thể sẽ tiếp tục với một phiên giảm nhẹ tiếp theo nhưng thực tế thị trường tăng hay giảm sẽ chịu sự chi phối của nhóm cổ phiếu lớn. Nếu thị trường điều chỉnh có thể sẽ khiến cho thanh khoản co hẹp lại. Giai đoạn này nhà đầu tư lướt sóng không nên quan tâm đến chỉ số mà nên quan tâm nhiều hơn vào giao dịch của từng cổ phiếu bởi sự vận động của từng cổ phiếu là khác nhau.

FPTS: Phân hóa giá tiếp tục diễn ra

Như đã nhận định, phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục cho thấy sự khó khăn của các chỉ số trong việc duy trì đà tăng ngắn hạn. Phiên hôm nay, chỉ số VN-Index đã có phiên điều chỉnh nhẹ sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu trụ cột lại trở thành yếu tố đóng góp đáng kể trong mức giảm của sàn HOSE.

Cùng chung diễn biến, HNX-Index cũng đảo chiều giảm nhẹ tuy nhiên sàn HNX vẫn đang phản ánh chính xác hơn diễn biến tâm lý của nhà đầu tư tham gia thị trường. Về diễn biến, chúng tôi đánh giá cao việc dòng tiền đầu cơ vẫn đang luân chuyển chậm tại một số mã nhất định và tâm lý của nhà đầu tư cũng không quá bi quan tại những thời điểm thị trường giảm sâu.

Bên cạnh đó, thanh khoản trên cả hai sàn vẫn được giữ ở mức khá nhờ khối ngoại đẩy mạnh giao dịch trên HOSE và sự hiện diện của lực cầu bắt đáy. Như vậy, kịch bản khả quan lúc này vẫn là sự phân hóa giá tiếp tục diễn ra đẩy thị trường đi ngang với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Tuy nhiên, do sự phân hóa giá cổ phiếu có khả năng chịu tác động bởi hoạt động của các quỹ ETFs, đặc biệt là trong tuần này do đây là thời hạn chính thức để các quỹ hoàn thành việc cơ cấu danh mục nên chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên bám sát diễn biến thị trường và giao dịch của khối ngoại để có thể ra những quyết định đầu tư hợp lý, kịp thời.

Về kỹ thuật, đường giá VN-Index vẫn đang bị kẹp bởi đường hỗ trợ SMA 5 ngày và ngưỡng kháng cự tạo bởi Bollinger Upper Band và khu vực đỉnh cũ cuối tháng 4 , do đó sự bứt lên hoặc xuống của đường giá qua mốc hỗ trợ hay kháng cự lúc này khả năng sẽ là chỉ báo đáng tin cậy cho xu hướng tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK ngày 17/6: Sẽ tiếp tục giằng co
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO