TTCK: Mong chờ ngày nới room cho khối ngoại

NGỌC KHANG/DNSGCT| 07/09/2015 02:12

Dòng vốn ngoại đang chịu tác động bởi hàng loạt động thái phá giá đồng nội tệ của nhiều ngân hàng trung ương, xu thế thị trường chứng khoán thế giới và diễn biến đi xuống của giá dầu.

TTCK: Mong chờ ngày nới room cho khối ngoại

Trước những thông tin xấu liên tiếp đến thị trường chứng khoán, một vài thông tin tích cực bỗng trở nên… yếu ớt, không thể ngăn được sự lao dốc của các chỉ số.

Đọc E-paper

Việc Bộ Tài chính ngày 19/8 ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn cụ thể Nghị định 60 về “nới room” (tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng, hiện ở mức 49%) là một dẫn chứng cụ thể.

Nếu trong quãng thời gian khác, thông tin tích cực và có tác động trực tiếp đến khối ngoại – một nhân tố rất quan trọng của thị trường – như vậy sẽ khiến hai sàn giao dịch dậy sóng.

Thế nhưng, do rơi vào những ngày thị trường chao đảo, thông tin này không thể đem lại sắc xanh cho hai sàn giao dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng sở dĩ Thông tư số 123 không tác động tích cực tới thị trường là do trước đó “tin tốt” này đã được phản ánh vào giá của các cổ phiếu kín hoặc sắp kín room.

Hơn nữa, theo quy định, chỉ có các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ mới có thể áp dụng mở room từ 1/10/2015 – thời điểm Nghị định 60 bắt đầu có hiệu lực, còn các ngành nghề khác vẫn phải chờ danh mục 267 ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do đó không tác động nhiều đến dòng vốn ngoại.

Đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này, dòng vốn ngoại đang chịu tác động bởi những yếu tố mang tính toàn cầu như thị trường tiền tệ thế giới sau hàng loạt động thái phá giá đồng nội tệ của nhiều ngân hàng trung ương, xu thế thị trường chứng khoán thế giới và diễn biến đi xuống của giá dầu.

Theo Thông tư 123, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng không thuộc diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ do hội đồng quản trị của công ty quyết định (trong trường hợp không hạn chế tỷ lệ sở hữu) hoặc đại hội cổ đông của công ty quyết định và được quy định rõ tại điều lệ công ty (trong trường hợp công ty muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài).

Sau khi hồ sơ được đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được xác nhận, công bố, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện giao dịch ngay theo tỷ lệ mới.

Trong số các đơn vị đủ điều kiện mở room ngay khi Nghị định 60 chính thức có hiệu lực, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để trở thành một trong những đơn vị mở room sớm nhất.

SSI cũng là doanh nghiệp đầu tiên công bố xin ý kiến cổ đông để quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay từ cuối tháng 4/2014, Đại hội đồng cổ đông thường niên của SSI đã có nghị quyết ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định nâng room lên mức tối đa mà không cần xin chấp thuận lại của đại hội đồng cổ đông.

Đến tháng 7/2015, hội đồng quản trị của SSI đã ra nghị quyết mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung chính thức nội dung này vào điều lệ công ty.

Việc SSI mở room đúng dự kiến sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán, bởi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cùng các quỹ ETF tại SSI hiện đã ở mức 49% và cổ phiếu của đơn vị này vẫn được khối ngoại ưa thích.

Sau SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) ngày 18/8 vừa qua cũng công bố nghị quyết hội đồng quản trị trong đó chấp thuận triển khai các thủ tục theo quy định để tăng tối đa (100%) tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Dù sao thì việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục nhằm sớm nới room cho khối ngoại cũng giúp thị trường tăng thanh khoản, điều cần thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

>Những điểm đáng chú ý về thông tin nới room mới

>Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới

>Nới room cho nhà đầu tư ngoại: Kỳ vọng vực dậy ngành đóng tàu

>M&A DNNN: Nên "nới room" trên 51%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK: Mong chờ ngày nới room cho khối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO