TPP có giúp cổ phiếu ngành dược, thủy sản hấp dẫn hơn?

LAM ANH| 02/09/2015 02:34

Với lộ trình đàm phán TPP đang dài ra và chính sách mở room cho NĐT nước ngoài, liệu có giúp cổ phiếu ngành dược và thủy sản hấp dẫn hơn?

TPP có giúp cổ phiếu ngành dược, thủy sản hấp dẫn hơn?

Với lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dài ra và chính sách mở room cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, liệu có giúp cổ phiếu ngành dược và thủy sản hấp dẫn hơn?

Đọc E-paper

Trước hết, khi đề cập đến ngành dược, có lẽ ai cũng nhận thấy rằng chính sách mở room cho NĐT nước ngoài không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích hay thiệt hại của doanh nghiệp (DN) ngành dược.

Bởi lẽ, dược vốn dĩ là ngành kinh doanh có điều kiện, do đó, sẽ khó có thể kỳ vọng vào khả năng được hưởng chính sách mở room theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Trong khi đó, nếu TPP được ký kết, đối với dòng thuốc tây dược cũng không mang lại lợi ích đáng kể cho thuốc ngoại bởi lẽ thuế suất nhập khẩu vào thị trường Việt Nam của các sản phẩm ngoại nhập hiện vẫn ở biểu thuế thấp (từ 0-5%).

Ngược lại, thuế nhập khẩu dòng thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang khá cao (15%) nên việc ký kết TPP sẽ khiến nhiều DN nội bị cạnh tranh trong phân khúc này.

TPCN trong nước chủ yếu có nguồn gốc Đông dược và tập trung vào phân khúc thấp cấp, trong khi TPCN của nước ngoài chủ yếu có nguồn gốc Tây dược và tập trung vào phân khúc cao cấp.

Với đặc điểm tiêu dùng ưa thích hàng ngoại của người dân Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người đang có xu hướng tăng, sẽ có một bộ phận tiêu dùng không nhỏ chuyển sang dùng TPCN ngoại và gián tiếp ảnh hưởng đến thị phần TPCN của DN trong nước.

Do đó, lộ trình đàm phán TPP bị kéo dài hơn sẽ ít nhiều được xem là tin vui đối với DN ngành dược.

Mặc dù vậy, bài toán đối với ngành dược vẫn là đầu tư công nghệ sản xuất để đối phó sự cạnh tranh gay gắt đã diễn ra trong vài năm gần đây. Xu hướng đầu tư nâng cấp chuẩn nhà máy có thể sẽ giúp DN tăng khả năng trúng thầu và khôi phục thị phần ở mảng ETC.

Mặc dù vậy, để có thể rút ngắn được thời gian cũng như tiết kiệm chi phí nâng cấp này, đối tác chiến lược nước ngoài với nhiều kinh nghiệm liên quan sẽ đóng vai trò hỗ trợ khá lớn.

Một số DN đầu ngành mà chuyên viên ngành cho biết đang đi theo hướng này là DMC, IMP và DHG. Với giá trung bình lần lượt khoảng 39.400 đồng/cổ phiếu và 67.000 đồng/cổ phiếu, DMC và DHG đang được giao dịch ở mức PE lần lượt 6x và 8x, thấp hơn mức trung bình 9x của ngành.

Còn đối với ngành thủy sản, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Mỹ và châu Âu với hai dòng sản phẩm có khả năng thay thế cao là cá tra (của Việt Nam) và rô phi (của Trung Quốc).

Về mức độ giảm giá đồng tiền, chuyên viên của RongViet Research cho biết cả Nhân dân tệ và VND đều giảm khoảng 3% so với USD.

Với mức giảm này, DN xuất khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam được xem là vẫn có lợi thế tương đương tại các nước nhập khẩu. Về ngành thủy sản, cá tra của Việt Nam và cá rô phi của Trung Quốc là hai nhóm thực phẩm được ưa chuộng nhất tại Mỹ trong nhiều năm liền.

Tuy vậy, giá cá tra thường rẻ hơn giá cá rô phi từ 25 - 30%, do đó, ở một góc độ nào đó thì cá tra Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn về giá. Chỉ khi mức độ giảm của đồng tiền Trung Quốc đủ lớn để cân bằng lại sự chênh lệch giá hiện tại, áp lực cạnh tranh về giá mới đáng lo ngại.

Áp lực về sản phẩm thay thế (cá rô phi) đối với mặt hàng cá tra hiện không đáng lo. Nhưng nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành thủy sản lại quay về nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, EU. Tính đến tháng 6/2015, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU đều giảm trên hai con số.

Sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra vào hai tháng cuối năm khi bước vào mùa tiêu thụ cao điểm. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc ký kết các FTA với EU sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu tại châu Âu.

Tuy vậy, theo chia sẻ của nhiều DN, cá tra Việt Nam lại không nằm trong danh sách các mặt hàng giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình giữa FTA VN - EU.

Do vậy, các DN cá tra sẽ không được hưởng lợi từ việc ký kết này. Nhiều DN đang kiến nghị về biểu thuế này và đang chờ những phản hồi từ phía châu Âu.

Khi tham gia các hiệp định thương mại, các rào cản kỹ thuật sẽ là yếu tố để các nước bảo hộ sản xuất nội địa. Trong trường hợp này, chất lượng sản phẩm uy tín và được đánh giá cao là lợi thế lớn nhất.

Các DN xuất khẩu cá tra lớn, khi đó giành thêm "miếng bánh" thị phần từ các công ty vừa và nhỏ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Một trong những DN, theo giới phân tích, thỏa mãn yếu tố này chỉ có VHC.

>Nhiều tiềm năng từ nghề nuôi cá rô phi

>Bi kịch cá tra và cơ hội M&A

>Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ

>Cổ phiếu ngành dược: Đói ăn rau, đau uống thuốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP có giúp cổ phiếu ngành dược, thủy sản hấp dẫn hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO