Tín hiệu khả quan từ xử lý nợ xấu

LÊ PHAN| 05/01/2017 03:37

Số nợ xấu đã xử lý của VAMC trong 2016 chiếm gần 50% tổng số nợ xấu đã xử lý trong 3 năm qua. Dù tốc độ xử lý còn chậm so với số nợ xấu đã mua nhưng tiến độ thực hiện đang được cải thiện.

Tín hiệu khả quan từ xử lý nợ xấu

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6%, bằng nguồn dự phòng rủi ro 26,6%, bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 21%. 

Đọc E-paper

Ứơc tính đến hết năm 2016, tổng số nợ xấu VAMC đã xử lý được gần 43 nghìn tỷ đồng trong tổng số dư nợ gốc mua hơn 270 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ xử lý trên dư nợ gốc mua ước 15,7%, cho thấy tốc độ xử lý nợ trong 3 năm qua là rất thấp. Với 15.656 khách hàng bán thì bình quân khoản nợ bán của một khách hàng là 17 tỷ đồng; số khoản nợ đã bán là 25.350 tỷ đồng thì dư nợ bán bình quân của một khoản nợ là 10 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2016, ước tính VAMC đã mua hơn 30.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Về xử lý nợ thì chỉ tính năm 2016, Công ty đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ và bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ trị giá hơn 20.697 tỷ đồng. Trong đó, bán được 469 tỷ đồng nợ xấu và 5.496 tỷ đồng thu hồi từ việc bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ, đã ủy quyền cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 14.732 tỷ đồng.

Nhìn vào kết quả có thể thấy số nợ xấu đã xử lý của VAMC trong năm 2016 chiếm gần 50% tổng số nợ xấu đã xử lý trong 3 năm qua. Mặc dù tốc độ xử lý vẫn còn chậm so với số nợ xấu đã mua, tuy nhiên tiến độ thực hiện đang được cải thiện.

>>Bán nợ cho VAMC, khách hàng được lợi gì?

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 08/TT-NHNN về việc sửa đổ, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, có hiệu lực từ 1/8/2016 đã trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn cho VAMC trong xử lý, thu hồi nợ xấu.

Trong đó, quy định đáng chú ý nhất là cho phép VAMC được chủ động bán đấu giá khoản nợ xấu trong trường hợp VAMC và tổ chức tín dụng bán nợ không thống nhất được phương thức hoặc điều kiện bán nợ. Đây là một sự bổ sung cần thiết giúp VAMC xử lý nợ nhanh hơn thay vì phải chờ sự thống nhất ý kiến từ tổ chức tín dụng bán nợ.

Thông tư này cũng quy định các tổ chức tín dụng ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ, cụ thể khi tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC theo giá thị trường, nếu giá bán nợ cao hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ thì phần chênh lệch cao hơn được hạch toán vào thu nhập trong năm tài chính của tổ chức tín dụng bán nợ. Điều này sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm chất lượng tốt và có giá trị cao hơn khoản vay.

Bên cạnh đó, gần đây, một số tổ chức tín dụng đã xin được cơ chế tất toán trước hạn các trái phiếu đặc biệt khi đã hoàn tất thu hồi khoản nợ đó. Điều này giúp các tổ chức tín dụng đó tích cực thu hồi nợ đã bán cho VAMC nhiều hơn nhằm giảm được số dự phòng trích lập cho trái phiếu đặc biệt hằng năm, cũng như có ngay lượng "tiền tươi" để kinh doanh thay vì phải nằm "chết dí" ở tài sản không sinh lời là trái phiếu đặc biệt.

Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2017 sẽ vẫn là thách thức lớn nhất. Nếu như không đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu thì mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Với áp lực lãi suất đi lên trong thời gian gần đây và trong năm 2017 thì việc xử lý nhanh nợ xấu là vô cùng cần thiết để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng "giảm nhiệt" lãi suất.

>>Thách thức quản lý rủi ro trong ngành ngân hàng

Nợ xấu cũng khiến các ngân hàng chịu nhiều áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể cũng như dự phòng trích lập cho trái phiếu đặc biệt hằng năm, từ đó làm giảm lợi nhuận. Trong khi đó, nếu lượng trái phiếu đặc biệt nắm giữ quá lớn cũng xem như là một khoản tiền chết khi không thể sinh lãi mà chỉ có thể cầm cố cho Ngân hàng Nhà nước khi cần.

Theo thông tin mới nhất, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên "sạch nợ" tại VAMC, sớm trước 3 năm so với lộ trình 2020 mà Chính phủ chủ trương.

Dù vậy, một số văn bản liên quan đến xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều bất cập nên gây không ít khó khăn cho việc thu hồi nợ. Cụ thể như Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền khởi kiện tại tòa án, theo đó Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm của Chính phủ ban hành trước đó sẽ không còn hiệu lực.

Như vậy các tổ chức tín dụng chỉ còn được phép thu giữ tài sản bảo đảm với các giao dịch thực hiện trước thời điểm này, và không còn phép được thu giữ tài sản đảm bảo với giao dịch mới phát sinh nữa.

Về hoạt động của VAMC, cơ quan này dự kiến sẽ ban hành quy chế của người đại diện theo pháp luật. Việc xử lý nợ sẽ được "outsource". Cụ thể, VAMC sẽ thuê các tổ chức bên ngoài thẩm định giá khoản nợ, định giá tài sản đảm bảo, tham gia đào tạo hoặc thuê người cho các hoạt động liên quan đến xử lý nợ và tài sản, đấu giá khoản nợ cũng như đấu giá tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu khả quan từ xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO