Thị trường vàng: Thời điểm rủi ro cao nhất

BÌNH AN| 30/09/2009 08:22

Hàng loạt ngân hàng (NH) như HDBank, SCB, OCB, VietABank vừa điều chỉnh biểu lãi suất vàng tăng từ 0,1% - 0,6%...

Thị trường vàng: Thời điểm rủi ro cao nhất

Hàng loạt ngân hàng (NH) như HDBank, SCB, OCB, VietABank vừa điều chỉnh biểu lãi suất vàng tăng từ 0,1% - 0,6%. Tuy nhiên, trong thời điểm giá vàng tăng “nóng” như hiện nay, người có vàng vẫn còn cân nhắc giữa mức lãi suất mới và mức chênh lệch giá trong mua bán, còn người vay thì như “đang ngồi trên lửa”...

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc NH Đông Á, thời gian qua, các NH rất khó cho vay vàng vì nhu cầu không lớn. Ngay cả

Mua vàng tại NH ACB - Ảnh Quý Hòa

dân đầu tư và “lướt sóng” cũng ngại vay vàng bởi giá biến động liên tục, càng vay càng lỗ, trong khi vay tiền rồi mua vàng thời điểm này lợi hơn. Nguồn cầu lớn nhất là mua bất động sản nay cũng chuyển sang tiền, vì vay thời gian dài với lãi suất 6% - 7% như hiện nay mà vàng nhảy vọt từng ngày thì ít ai chịu nổi. Nhiều NH cũng thừa nhận, huy động tiền đồng và ngoại tệ đỡ rủi ro hơn vàng vì vàng khó cho vay, huy động vàng rồi cất trong kho thì NH chỉ có từ lỗ đến lỗ. Vậy thì tại sao một số NH vẫn tăng lãi suất để huy động vàng vào thời điểm này?

Giám đốc một NH cho biết, phải “huy động vàng để bù đắp cho số vàng khách rút ra để bán do giá tăng cao”. Giá vàng nhiều ngày liền ở trên mức 22 triệu đồng/lượng nên nhiều khách đã rút vàng ra để bán. Vàng càng tăng giá, khách rút càng nhiều, buộc nhiều NH phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, một số NH như Đông Á, VCB, VPBank...vẫn không lao vào cuộc đua lãi suất vàng bởi không mặn mà với mảng này. Nhìn chung, tín dụng vàng chưa được nhiều NH chú trọng do giá lên xuống thất thường, rủi ro cao, khách hàng ít...

Những NH áp dụng lãi suất vàng ở mức 4,5% - 4,8%/năm đang thu hút nhiều khách hàng gửi vàng, trong đó có nhiều khách rút vàng từ các NH khác chuyển sang. Bởi vì, nếu giá vàng ở mức 22 triệu đồng/lượng như hiện nay, thì những người gửi từ 100 lượng trở lên cho kỳ hạn 3 - 6 tháng sẽ kiếm thêm khoản lợi không nhỏ so với các NH chỉ huy động 3%/năm. Như Sacombank đang trả lãi 4,79%/năm cho khách hàng gửi vàng miếng SBJ từ 10 lượng trở lên với kỳ hạn 3 tháng; khách gửi 100 lượng (khoảng 2,2 tỷ đồng) sẽ được gần 4,79 lượng/năm (khoảng 105 triệu đồng), nhiều hơn 1,79 lượng so với lãi 3%/năm (gần 40 triệu đồng).

Tuy nhiên, so với gửi VND với lãi suất khoảng 9%/năm, số tiền 2,2 tỷ sẽ đem lại khoản tiền lãi gần 200 triệu đồng, cao hơn gần 100 triệu so với gửi vàng. Gửi vàng chỉ lãi hơn nếu vàng tiếp tục tăng cao, còn bằng hoặc hơn không nhiều so với giá hiện nay thì gửi VND vẫn lợi hơn, chưa kể nếu vàng xuống giá thì càng thiệt. Nhưng tâm lý thích giữ vàng và thực tế giá vàng luôn tăng như thời gian qua đang khiến nhiều người mua hoặc gửi vàng hơn là giữ hoặc gửi VND. Hiện các NH vẫn chọn cách điều chỉnh lãi suất vàng linh hoạt khi giá vàng biến động liên tục, nên muốn tìm lợi nhuận ổn định bằng cách gửi vàng vào NH thì người có vàng cần nắm thông tin chính xác và nhanh nhạy.

Trong khi dân có vàng đang hồ hởi vì giá, lãi suất huy động lên từng ngày, thì những người đang hoặc sẽ vay vàng NH “méo mặt” bởi tiền lãi càng nặng. Nhiều khách hàng vay vàng NH để bán lấy tiền đồng đang lo sốt vó do vàng đã tăng 3 - 4 triệu/lượng so với đầu năm, chưa kể lãi suất. Bà Nguyễn Ngọc Nga (P.17, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) định vay 100 lượng để trả tiền một căn nhà phố do chủ không chịu nhận tiền đồng, đã rút lại hồ sơ tại NH A vì giá vàng và lãi suất tăng. Riêng nhà đầu tư vay vàng NH để “lướt sóng” hay bán chờ giá xuống mua vào thì gần tuần qua đã “co vòi” do giá liên tục lên, càng vay càng thua lỗ. Nhiều chuyên gia ngành tài chính cảnh báo, đây là thời điểm rủi ro mạnh nhất cho các nhà đầu tư vàng. Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Vàng Thế Giới (VTG) khuyến cáo “Thua lỗ do đầu tư vàng thời gian qua hầu hết do không biết dừng đúng lúc, đầu tư trở nên rất khó khi giá vàng biến động mạnh như hiện nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường vàng: Thời điểm rủi ro cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO