Thị trường chứng khoán tăng mạnh khiến nguồn cung cổ phiếu sắp "bội thực"

KHÁNH PHƯƠNG| 18/04/2018 03:35

Lợi dụng thị trường chứng khoán tăng mạnh từ năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh khiến nguồn cung cổ phiếu sắp

Ảnh: QH

Liệu cách làm ấy có gây áp lực lên thị trường?

"Bội thực" nguồn cung

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông vừa công bố, Công ty CP Sam Holdings có kế hoạch phát hành 7,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và đặc biệt là 100,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 2.417 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là giá phát hành cổ phiếu Sam Holdings tối thiểu 10.000đ/CP, cao hơn 2.000 đồng so với thị giá hiện nay. Nếu đợt phát hành này thành công, số cổ phần lưu hành sẽ tăng thêm 44,7%, trong khi với giả định Sam Holdings  hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018, lợi nhuận của Công ty chỉ tăng 26%, cho thấy tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng vốn.

Ở lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh thị trường phục hồi và có dấu hiệu tăng nóng trở lại, bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập thì những doanh nghiệp cũ cũng liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn hoạt động. Như CEO Group đã phát hành thành công hơn 51 triệu cổ phiếu trong năm qua để tăng vốn điều lệ từ 1.029 tỷ đồng lên 1.544 tỷ đồng.

Link bài viết

Gần đây, Novaland có kế hoạch phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu thưởng và phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Công ty CP Đầu tư Nam Long mới công bố phát hành hơn 31 triệu cổ phiếu ra công chúng để huy động thêm 566 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Thành Nam cũng công bố phát hành ra công chúng hơn 31 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000/CP, kỳ vọng huy động được hơn 300 tỷ đồng.

Không chỉ ở các doanh nghiệp bất động sản, nhóm ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn. VPBank thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 12.093 tỷ đồng, tương đương 77%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có kế hoạch tăng thêm 2.305 tỷ đồng, Ngân hàng Quân Đội (MBB) tăng 3.450 tỷ đồng, tương đương 19%, VIB tăng thêm 2.456 tỷ đồng, tương đương 43,5% và Lienvietpostbank cũng muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 10.368 tỷ đồng từ mức 7.500 tỷ đồng hiện nay.

Cùng với kế hoạch cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, thì lượng cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn, trả cổ tức của các doanh nghiệp đang niêm yết có thể khiến thị trường "bội thực" nguồn cung, khi đó áp lực để hấp thụ hết lượng cổ phiếu này là không hề nhỏ.

Rủi ro nào cho nhà đầu tư?

Khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhiều cổ đông trong "cơn say men chiến thắng" cũng hào hứng mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc trái phiếu chuyển đổi và chấp nhận lãi suất thấp cùng giá chuyển đổi cao, do thị giá của doanh nghiệp trên thị trường lúc đó đang cao hơn.

Tuy nhiên việc tăng vốn quá nhanh sẽ khiến cổ phiếu pha loãng, hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu sụt giảm, vì vậy các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư mạo hiểm với kỳ vọng suất sinh lời cao hơn nhằm hạn chế tỷ suất sinh lời như ROE, ROA sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, với việc huy động vốn dễ dàng đã kích thích các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án mới nhưng lại chưa chuẩn bị tốt các phương án kinh doanh, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản thiếu khả năng tài chính mà phụ thuộc vào đồng vốn huy động để thực hiện dự án thì có thể gặp rủi ro lớn. Một khi thị trường bất động sản đi xuống thì thua lỗ là điều có thể thấy trước.

Trong khi đó, để phát hành thành công cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp sử dụng những chiêu trò làm đẹp báo cáo tài chính, nâng giá cổ phiếu để thu hút người mua. Đến khi bán thành công thì không ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí bị lỗ, và do đó giá cổ phiếu giảm sâu trở lại. Đây là điều rất rủi ro cho nhà đầu tư.

Quá khứ cũng từng cho thấy trong thời điểm chứng khoán tăng mạnh như giai đoạn 2007, nhiều doanh nghiệp tăng vốn qua việc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi nhưng sau đó kinh doanh không hiệu quả, gây thiệt hại cho cổ đông mua thêm. Đối với trái phiếu chuyển đổi thì nếu mua với giá cao do lúc đó giá cổ phiếu đang cao, đến khi chuyển đổi thì giá đã giảm mạnh, khiến nhiều cổ đông chấp nhận thiệt hại.

Như đã nói, với nguồn cung cổ phiếu quá lớn sẽ khiến thị trường "bội thực", cầu không đủ để đáp ứng nên giá cổ phiếu sau đó giảm trở lại là tất yếu. Và một khi giá giảm trở lại, hệ số sinh lời giảm, kết quả kinh doanh không thuận lợi thì càng thúc đẩy nhà đầu tư bán ra và càng tạo áp lực giảm giá lên các cổ phiếu này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán tăng mạnh khiến nguồn cung cổ phiếu sắp "bội thực"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO