Thêm một "nút thắt" về vốn

QUỲNH CHI| 31/03/2011 09:02

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong Thông tư số 07/2011/TT-NHNN vừa ban hành, ngày 6/5 tới đây, NHNN sẽ áp dụng cơ chế cho vay ngoại tệ mới. Theo đó, khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ phải đảm bảo có nguồn vốn ngoại tệ đối ứng để trả nợ khi đáo hạn.

 Thêm một

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong Thông tư số 07/2011/TT-NHNN vừa ban hành, ngày 6/5 tới đây, NHNN sẽ áp dụng cơ chế cho vay ngoại tệ mới. Theo đó, khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ phải đảm bảo có nguồn vốn ngoại tệ đối ứng để trả nợ khi đáo hạn.

Không bất ngờ nhưng...

Thông tư này ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thông tư xác định hai nhóm nhu cầu chính cùng với các điều kiện đi kèm mà tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng vay.

Theo quy định mới, vay vốn ngoại tệ phải đảm bảo nguồn vốn ngoại tệ đối ứng - Ảnh: Quý Hòa

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác được cam kết bằng văn bản.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu; trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này để sử dụng trong nước, thì khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).

Thứ ba, việc cho vay các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ khác ngoài các quy định trên phải được chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc NHNN.

Như vậy có thể thấy, ở cơ chế mới, NHNN đã đưa ra yêu cầu các nhu cầu vay vốn phải đảm bảo và chứng minh được nguồn ngoại tệ đối ứng để trả nợ, cũng như tiếp tục áp điều kiện để hướng đến các quan hệ tín dụng tái tạo được ngoại tệ.

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ý lo lắng bởi trước giờ họ vốn đã khó tiếp cận nguồn vốn này, nay lại quy định chặt hơn. Một DN kinh doanh ngành thép bày tỏ, khoảng 70% chi phí đầu vào ngành phải thanh toán bằng ngoại tệ.

Tuy nhiên, việc vay USD từ NH hiện rất khó khăn. Nhiều NH dù niêm yết tỷ giá công khai nhưng lại có những điều kiện ràng buộc, buộc DN phải vay USD theo tỷ giá thỏa thuận.

Để vay được, DN cũng phải chứng minh khả năng sử dụng vốn, tài sản đảm bảo với nhiều tiêu chí ngặt nghèo. Cũng vì thế mà nhiều chuyên gia cho rằng, sự mạnh tay của NHNN sẽ tác động tích cực và lâu dài đến thị trường.

Tuy nhiên, với những DN hằng ngày phải đối mặt với bài toán vốn vay, lợi nhuận thì quy định mới này, dù ít hay nhiều, đều có ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của họ.

... Chấp nhận cuộc chơi vẫn khó chơi

Trong cuộc gặp triển khai nhiệm vụ hoạt động NH trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Minh Tuấn, Phó thống đốc NHNN, cho biết, số dư tiền gửi nền kinh tế trong tháng 1 giảm 3%.

Trong đó, số dư tiền gửi bằng tiền đồng giảm 4,12%, số dư tiền gửi ngoại tệ lại tăng 4,43%. Đầu tư cho nền kinh tế tăng 0,43%, trong đó đầu tư bằng VND giảm 0,09% và đầu tư bằng ngoại tệ tăng 2,37%.

Cũng theo báo cáo nhanh của các NHTM, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên NH trong kỳ đến ngày 16/3 đạt xấp xỉ 91.004 tỷ đồng và 3.397 triệu USD, bình quân đạt khoảng 18.201 tỷ đồng và 679 triệu USD/ngày. Vậy rõ ràng là việc huy động và cho vay bằng ngoại tệ vẫn được các DN “chuộng” hơn VND.

Điều này giải thích vì sao từ giữa năm 2010, lãi suất USD không ngừng được điều chỉnh lên, dù không chính thức, nhưng có những NH đã chấp nhận cho khách hàng thỏa thuận lãi suất USD trên 6%/năm tùy vào số lượng tiền gửi.

Nguyên nhân khiến các NHTM liên tục tăng lãi suất như vậy là do đầu ra ở thị phần này quá lớn. Ông Alan Phan, chuyên gia kinh tế nói rằng, lãi suất huy động thực tế cao nên lãi suất cho vay tiền đồng ở mức 21 - 23%/năm, có NH đã nâng mức lãi suất cho vay lên đến 24%/năm là điều không bình thường. Các DN vay thì chỉ có nước chết.

Do vậy, sẽ không có gì lạ khi DN bất chấp rủi ro tỷ giá, vẫn mạo hiểm vay USD. Song, ở thời điểm này dù DN có muốn bất chấp, có muốn mạo hiểm với “trò chơi” vay USD vẫn không có nhiều cơ hội.

Một chuyên gia tài chính khác thì nhận định, cung - cầu vốn USD giữa DN với NH trước nay vốn đã không được cải thiện, một khi quy định mới thực thi thì việc tiếp cận nguồn vốn sẽ càng khó khăn.

Sẽ có những DN cần vay vốn nhưng không thể đáp ứng được yêu cầu khiến kinh doanh bị trì trệ. Bên cạnh đó sẽ nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ của một số DN.

Bởi lẽ, nếu vay USD khó, các DN này khi có nguồn thu về họ sẽ tăng xu hướng găm giữ thay vì bán lại cho NH. Điều này sẽ khiến cho nguồn cung trên thị trường suy giảm, đẩy giá tăng, hình thành vòng luẩn quẩn, gây khó cho cả DN lẫn NH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm một "nút thắt" về vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO