Thêm cơ hội cho nhà đầu tư trên sàn UPCoM

LÊ PHAN| 08/09/2017 03:07

Quy mô giao dịch và thanh khoản tăng cùng với thêm nhiều doanh nghiệp có chất lượng niêm yết kể từ cuối năm 2016 đến nay đã giúp nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội để chọn đầu tư trên sàn UPCoM.

Thêm cơ hội cho nhà đầu tư trên sàn UPCoM

Quy mô giao dịch và thanh khoản tăng cùng với thêm nhiều doanh nghiệp (DN) có chất lượng niêm yết kể từ cuối năm 2016 đến nay đã giúp nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội để chọn đầu tư trên sàn UPCoM. 

Đọc E-paper

Cơ hội kiếm lãi kèm với rủi ro

Ngày 9/1/2017, Ngân hàng Quốc tế (VIB) niêm yết trên sàn UPCoM hơn 564 triệu cổ phiếu với mức giá 18.500đ/CP. Nếu tính theo mức giá đóng cửa ngày 1/9 vừa qua là 21.800đ/CP thì những nhà đầu tư đã có suất sinh lời 18,4%, chưa tính phần cổ tức tiền mặt được chia ở tỷ lệ 5% vào đầu tháng 6 vừa rồi. Trong 8 tháng qua, mức thấp nhất của cổ phiếu VIB là 13.500đ/CP trong khi mức cao nhất là 25.300đ/CP, như vậy nhà đầu tư chọn được điểm ra vào hợp lý có thể đạt mức sinh lời tối đa đến 87%.

Ngày 21/11/2016, cổ phiếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) niêm yết trên UPCoM với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại 35.000đ/CP, mức giá hiện nay là quanh 59.000đ/CP, như vậy nhà đầu tư cổ phiếu này đạt tỷ lệ lợi nhuận đến 69%.

Ngược lại, Tổng công ty Hàng không Việt Nam bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào ngày 3/1/2017 với giá 39.200đ/CP, tuy nhiên giá vào thời điểm hiện nay chỉ còn 24.700đ/CP, tức đã giảm 37%. Như vậy, đầu tư trên sàn UPCoM không chỉ giúp đem lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro đi kèm cũng không hề nhỏ.

Ngày càng hấp dẫn hơn

Quy mô và khối lượng giao dịch của sàn UPCoM gần đây đã tăng lên đáng kể, do đó sắp tới sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào sàn niêm yết này. Thứ nhất là nhờ vào quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) buộc các DN phải đăng ký giao dịch cổ phần sau cổ phần hóa trên UPCoM.

Trong khi đó, Thông tư 115/2016/TT-BTC yêu cầu các DNNN đăng ký đấu giá phải đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì chỉ 2 tháng sau khi thông tư này có hiệu lực, tổng giá trị vốn hóa sàn UPCoM đã tăng lên 303.000 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2015 với tổng số 417 DN đăng ký giao dịch.

Diễn biến sàn UPCoM từ đầu tháng 6/2017 đến nay

Riêng trong 8 tháng đầu năm nay đã có 208 DN đăng ký, nâng tổng số DN lên 620 với tổng giá trị vốn hóa đến 23/8 đạt 454.000 tỷ đồng, tăng 49,8% so với năm 2016. Cùng với quy mô niêm yết thì thanh khoản trên sàn UPCoM cũng tăng mạnh, cho thấy giới đầu tư ngày càng tham gia nhiều hơn vào sàn giao dịch này. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân tăng từ 55,7 tỷ đồng/ngày trong năm 2015 lên 124,9 tỷ đồng/ngày trong năm 2016 và tiếp tục tăng lên 187,2 tỷ đồng/ngày trong 7 tháng đầu năm nay.

Đáng lưu ý là nếu như 2016 tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 3,13% thì 8 tháng đầu năm nay đã tăng lên hơn 8%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tiếp mua ròng trên sàn giao dịch của khối ngoại cũng ngày càng tăng, với giá trị đạt tới 1.250 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay, tập trung vào các mã như QNS, ACV, GEX, HVN, SGN.

>>Doanh nghiệp niêm yết: Nặng vốn, nhẹ tăng trưởng

Trong bối cảnh các chỉ số như VN-Index và HNX-Index đã tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay với nhiều mã cổ phiếu đã đạt đỉnh thì chỉ số UPCoM tính đến ngày 1/9 đang giao dịch tại 54,46 điểm, tức chỉ mới tăng 1,2% trong 8 tháng qua, do đó cơ hội tăng trưởng là còn rất lớn. Cũng theo thống kê của SSI thì P/E giao dịch của khối ngoại cũng ngày càng tăng, UPCoM Index đã giảm mạnh từ 54,8 điểm vào cuối 2016 xuống 18,6 điểm, chỉ cao hơn chút ít so với P/E của VN-Index là 15 điểm và HNX-Index là 11,9 điểm.

Một đặc điểm nổi bật nữa là có khá nhiều DN trên sàn UPCoM kinh doanh khá hiệu quả, hiệu quả sinh lời và có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt đáng mơ ước. Các DN này cũng ít có các đợt tăng vốn với số lượng khủng như các DN niêm yết trên sàn HoSE và HNX, do đó cổ phiếu ít khi bị pha loãng.

Dù vậy, thị trường này vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của nhiều DN trên sàn còn rất thấp do Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối nên nguồn cung cổ phiếu bị hạn chế, tuy nhiên đây lại là mảnh đất màu mỡ cho các đội lái dễ dàng làm giá. Với những nhà đầu tư trên sàn UPCoM có lẽ chưa quên được những cổ phiếu được kéo giá và đánh thốc mạnh mẽ lên như Công ty CP Tài nguyên Masan (MSR) trong năm 2016, khi tăng một mạch từ quanh 10.000đ/CPlên gấp 3 lần tại mức giá hơn 30.000đ/CP chỉ trong thời gian ngắn.

Biên độ dao động hiện nay trên sàn UPCoM lên tới +/-15%, cao hơn so với biên độ giao dịch hằng ngày trên HoSE chỉ là 7%, HNX là 10%. Còn đối với cổ phiếu mới đăng ký giao dịch trong ngày giao dịch đầu tiên và cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên giao dịch liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là +/- 40% so với giá tham chiếu, cao hơn rất nhiều so với HoSE là 20%, HNX là 30%. Như vậy có thể thấy suất sinh lời mà các cổ phiếu trên sàn UPCoM có thể đem lại trong một thời gian là rất lớn, trong khi nhiều DN cũng thích niêm yết trên sàn UPCoM lần đầu để có thể đẩy giá cao hơn trong phiên giao dịch đầu tiên.

Nhưng nếu như chọn sai cổ phiếu thì thua lỗ mà các nhà đầu tư phải đối mặt là cũng không hề nhỏ. Với việc công bố thông tin của các DN trên sàn này còn nhiều hạn chế, độ minh bạch ít hơn trên sàn HoSE và HNX nên nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng hơn. Tuy vậy, với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm và có khả năng đánh giá, phân tích hoạt động của DN thì sàn UPCoM có thể trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều so với sàn HoSE và HNX, nhất là khi thời gian tới sẽ có thêm hàng loạt DN lớn rất hấp dẫn chọn UPCoM làm nơi niêm yết đầu tiên.

>>Nhà đầu tư chưa “mặn” sàn UPCoM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm cơ hội cho nhà đầu tư trên sàn UPCoM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO