![]() |
Cung và cầu ngoại tệ đang lệch pha, trong khi khả năng vay nợ ngắn hạn nước ngoài để bổ sung nguồn ngoại tệ trong nước là không dễ...
Nhiều nghiên cứu, báo cáo tài chính đã vạch ra một viễn cảnh khá lạc quan về sự phục hồi kinh tế thế giới năm 2010. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, nhiều thách thức lớn đang ở rất gần. Thực tế cho thấy, khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm sau có thể không cao như mong đợi.
![]() |
Nhiều dự án cho thấy lãi suất cho vay có thể tăng trở lại và vượt mức 10% - Ảnh Quý Hòa |
Trong một hội thảo do Ngân hàng (NH) VIB tổ chức, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phát biểu, ông không lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới, và phải mất ít nhất ba năm, Việt Nam mới có thể đạt được mức tăng trưởng 7 - 8% như trước. Lý do, hiện nay hàng tồn kho của các DN Việt Nam đang khá nhiều, chiếm khoảng 5% GDP, nên cần nhu cầu rất lớn để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho này.
Vì thế, nhiều DN sẽ không đầu tư phát triển sản xuất vào năm sau. Và cũng vì lẽ đó, áp lực tăng lãi suất tiền đồng đang ngày càng mạnh. Theo ông, cao lắm thì Chính phủ chỉ có thể duy trì mức lãi suất như hiện nay đến hết quý I năm sau; sau đó lãi suất sẽ bị “thả”, và ngay lập tức nó sẽ bật lên mạnh.
“Đường cong lãi suất sau thời kỳ khủng hoảng là xu hướng tăng dần, và Việt Nam thì vẫn đang nằm trong đường đi lên chứ chưa chạm đỉnh. Vì thế, DN nên chuẩn bị tâm lý lãi suất sẽ còn tăng trong tương lai”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ước đoán của ông Nghĩa, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại sau 31/12/2009; và lãi suất huy động vượt mức 10% là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, một thách thức cũng không kém phần quan trọng đối với các DN trong nước là tỷ giá hối đoái. Đây là vướng mắc lớn nhất mà các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đang phải đối mặt. Hiện nay, cung và cầu ngoại tệ đang lệch pha nhau, trong khi khả năng vay nợ ngắn hạn nước ngoài để bổ sung nguồn ngoại tệ trong nước cũng rất khó trong năm sau.
Cách duy nhất giải quyết sự mất cân đối này là điều chỉnh tỷ giá. Tình hình này đặt ra câu hỏi: Liệu sự bất ổn này có tiếp tục kéo dài sang năm 2010, và ứng xử của cơ quan điều hành sẽ như thế nào. Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ có một đề án về tỷ giá trình Chính phủ, và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ sớm họp bàn về đề án này. DN nên chờ thông tin chính thức từ NHNN.
Một chuyên gia cho rằng, để bình ổn thị trường tỷ giá, có một số việc phải tiến hành: Thứ nhất, Bộ Công Thương phải là đầu mối trong việc rà soát danh mục hàng hóa nhập khẩu, theo hướng ưu tiên cho sản xuất, đầu tư và hạn chế thấp nhất nhập khẩu hàng xa xỉ; đồng thời, phối hợp với NHNN thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hướng vào những thị trường tiềm năng.
Thứ hai, đối với quản lý dự trữ quốc gia, phải tập trung quản lý về một mối là NHNN. Yêu cầu các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin kịp thời có liên quan đến cung cầu ngoại tệ. Thứ ba, đối với chính sách quản lý ngoại hối, NHNN sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá và dự trữ ngoại hối điều hành linh hoạt để bình ổn tỷ giá, theo hướng xác định biên độ tỷ giá mục tiêu, đồng thời xác định rõ các biện pháp can thiệp khi tỷ giá vượt quá giới hạn biên độ cho phép…
Còn theo ông Nghĩa, các DN cần có chiến lược dài hơi chứ không chỉ chờ kích cầu. Quý I và II năm sau, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại nên có thể Chính phủ sẽ không sao nhãng chính sách hỗ trợ DN và kích cầu kinh tế. Để giảm bớt rủi ro tỷ giá, ông Nghĩa cũng khuyên các DN xuất nhập khẩu nên tìm đến những ngân hàng có cung cấp các nghiệp vụ phái sinh về ngoại hối, hoặc có các chương trình tài trợ thương mại tốt.
Ý KIẾN CỦA BẠN