Tăng giảm, giảm tăng...

QUỲNH CHI| 06/07/2011 05:21

Những ngày cuối tháng 6, lãi suất huy động (chính thức lẫn thỏa thuận) của ngân hàng thương mại có phần giảm nhiệt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây mới chỉ là hình thức nương theo thị trường vì tất cả vẫn nằm theo dạng “tự phát” khó kiểm soát.

Tăng giảm, giảm tăng...

Những ngày cuối tháng 6, lãi suất huy động (chính thức lẫn thỏa thuận) của ngân hàng thương mại (NHTM) có phần giảm nhiệt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây mới chỉ là hình thức nương theo thị trường vì tất cả vẫn nằm theo dạng “tự phát” khó kiểm soát.

Nói giảm mà không giảm

Các NH tích cực tung ra các chương trình khuyến mãi lớn nhằm thu hút tiền gửi - Ảnh: Quý Hòa

Có lẽ vì sự kiểm soát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nhiều khách hàng khó có thể kiếm được mức lãi suất 18 - 19%/năm như vài tuần trước. Hiện nay, đa phần chỉ có thể thỏa thuận mức chênh lệch khoảng 2 - 2,5%, tức là mức lãi suất thỏa thuận dao động từ 15 - 16,5%/năm tùy từng ngân hàng (NH).

Quả thực, khi khảo sát biểu mức lãi suất tại một vài NH cũng thì thấy mức lãi suất huy động chính thức đã được các NH đồng loạt hạ xuống. Chẳng hạn, tại Eximbank, mức lãi suất huy động niêm yết tại đây chỉ còn 13,9%/năm thay vì nhích trên 14%/năm, còn lãi suất thỏa thuận bên ngoài thì khách hàng được các tín dụng viên đưa ra là 16,5% thay vì 18%/năm.

Tuy nhiên, thực tế hiện ghi nhận cho thấy phần lớn các NHTM vẫn triển khai rất nhiều hoạt động nhằm nâng lãi suất huy động lên mức “vừa ý” để níu kéo khách hàng.

Chị Mỹ Hạnh (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) có khoản tiền chừng 600 triệu đồng và tìm NH có lãi suất cao để gửi tiết kiệm. Dạo quanh một vòng các NH thì chị cho biết, nếu cộng các khoản khuyến mãi chị Hạnh được hưởng từ NH thì lãi suất huy động vẫn đang ở mức khá cao. Chị Hạnh kể, bên cạnh mức lãi suất thỏa thuận là 17%/năm, NH còn cho tham gia chương trình khuyến mãi quay số trúng thưởng.

Theo đó, chị vừa được quay số trúng ngay, tặng quà ngay, đến cuối chương trình, chị lại tiếp tục được quay số với nhiều giải thưởng lên đến hàng tỷ đồng. Chị chia sẻ rằng, nhân viên tín dụng tại NH nói thời điểm này không có nhiều người gửi tiền, số lượng người tham gia ít, trong khi quà khuyến mãi thì nhiều nên xác suất trúng giải rất cao.

Thực vậy, hiện nay khách gửi tiền có rất nhiều ưu đãi khi đi gửi tiền qua một loạt chương trình khuyến mãi, dự thưởng. Chẳng hạn như Đông Á triển khai chương trình “Triệu trái tim - một niềm vui”, nếu khách hàng trúng vàng có thể bán lại vàng để gửi tiết kiệm; hay chương trình “Gửi tiền trúng vàng của OCB”; “Giao dịch ngày vàng - nhận ngàn quà tặng” của SeABank; “Vui hè du lịch cùng ABBank”...

Để tiếp tục huy động lãi suất cao, NH cũng có nhiều cách để khách hàng chọn lựa. Bên cạnh các hình thức như: tặng thưởng lãi suất, làm thêm sổ phụ, tặng ngay tiền mặt, thì NH còn tư vấn thêm cho chị Hạnh một hình tức mới là “phạt trả chậm”.

Cụ thể, NH sẽ “thỏa thuận” với khách hàng là “không thanh toán lãi và gốc” làm sao để dẫn tới việc NH sẽ bị phạt chậm trả, và số tiền phạt đúng bằng số chênh lệch giữa lãi suất 14% và lãi suất “thương lượng” mà NH đang áp dụng cho khách hàng. Kể đến đây, chị Hạnh cười và nói: “Đúng là chỉ có NH mới nghĩ ra được nhiều chiêu như thế!”.

Nói không tăng mà cứ tăng

Niềm vui của những người đi gửi tiền như chị Hạnh vô tình lại là nỗi buồn của người đi vay tiền. Bởi lẽ, thời gian qua, xảy ra trường hợp NH có tiền nhưng không dám cho cá nhân, DN vay vì sợ khó thu hồi vốn, nợ xấu và thanh khoản.

Còn phía cá nhân và DN thì một phần sợ lãi suất cao, một phần lại không có đủ điều kiện để vay tiền khiến chuyện cung - cầu trong thời gian qua bị bóp méo.

Nhiều người nói rằng, so với một tháng trước lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng trung bình vẫn từ 22 - 24%/năm. Điều này cũng giải thích vì sao các DN vay trước đây với mức lãi suất vay 18 - 19% đều nhận được thông tin tăng lãi suất vay từ phía NH.

Từ thực tế đó có thể thấy, lãi suất cho vay nói giảm nhưng ngày một tăng lên. Nói như TS. Lê Thẩm Dương thì lãi suất có giảm nhưng giảm được đến mức nào mới là quan trọng. Ông Dương thừa nhận, nếu lạm phát không thể giữ ở mức 15% thì lãi suất khó lòng có thể giảm được theo ý muốn.

Thực tế cũng đã chứng minh là Chính phủ đang xem xét khả năng điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát đến cuối năm có thể là 17-18%. Lạm phát còn tăng vì tháng 5 - 6, chỉ số CPI giảm, nhưng tháng 7 thì liệu chỉ số này có thể giảm được nữa không? Theo nhiều phân tích, sau 2 tháng giảm thì DN không thể cầm cự được nữa và sẽ “bung giá”.

Chưa kể quý III và IV, tình hình kinh tế thế giới đang rất xấu, giá thế giới cũng đang tăng cao nên tác động rất lớn đến tình hình giá của thị trường trong nước. Một khi lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ là phải giảm lãi suất nhưng thực tế cũng phải có khoảng thời gian cần thiết. Như vậy, lãi suất có thể thể giảm nhưng sẽ khó giảm theo chiều thẳng đứng.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể sẽ được hình thành vào tháng 7. Chưa biết mặt bằng mới này sẽ đi theo hướng nào, nhưng theo nhiều NH thì lãi suất khó giảm nhanh do huy động vốn khó khăn cũng như NH đang tiến hành cơ cấu lại các khoản vay.

Họ cho rằng vốn ít, cho vay nhiều thì lãi suất chỉ tăng chứ không giảm. Điều này vô tình đẩy các DN kẹt vốn phải chạy vay vốn từ bên ngoài. Theo như TS. Dương nói, một số DN ông biết đang phải “cắn răng” vay vốn trên thị trường chợ đen với mức lãi vay 4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng giảm, giảm tăng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO