Tại anh, tại ả?

QUỲNH CHI| 04/02/2010 00:13

Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 xuống còn 25% khiến lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao.

Tại anh, tại ả?

Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 xuống còn 25% khiến lãi suất ngân hàng (NH) ngày càng tăng cao. Bỏ mặc trần lãi suất tối đa 12%/năm, lãi suất cho vay thỏa thuận trên thị trường NH chạm ngưỡng 20%/năm đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, cho thấy những tín hiệu thắt chặt tiền tệ bắt đầu gây ra tác động đến hoạt động của các ngân hàng và người đi vay.

Doanh nghiệp “kêu” khó

Thắt chặt tiền tệ bắt đầu gây ảnh hưởng đến NH và người vay - Ảnh Quý Hòa

Ngày 26/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên mức 8% trong tháng 2/2010. Theo đó, quy định hiện hành, lãi suất cho vay và huy động không vượt quá 150% lãi suất cơ bản mà NHNN công bố. Với lãi suất cơ bản 8% hiện nay, các NH chỉ được phép cho vay với lãi suất không quá 12% một năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết phải vay với lãi suất cao hơn thế 3 - 4%, thậm chí tới 6 - 7%.

Qua khảo sát một vài NH lớn có hội sở tại TP.HCM, mức lãi suất mà các NH này đưa ra cho người vay thỏa thuận lên tới 19,6%/năm với khoản vay tiêu dùng. Trong hợp đồng vay vốn, khách hàng mới được miễn phí quản lý tài sản trong tháng đầu tiên, nhưng vẫn chưa biết có phải chịu thêm phí quản lý tài sản trong các tháng tiếp theo không. Một nghịch lý đang tồn tại là các khoản vay trung và dài hạn đã vượt 19% và chạm mức 20%, nhưng theo tổng hợp từ NHNN trong các tuần qua, lãi suất cho vay cao nhất vẫn chỉ ở mức 15 - 17%/năm.

Hiện có đủ lý do để NH hợp thức hóa khoản chênh lệch này, nào là phí quản lý, đảm bảo tài sản, nào là phí kiểm tra tài sản, rồi phí quản lý hạn mức, những loại phí liên quan đến tín dụng... Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Bởi vì không vay thì không có vốn sản xuất kinh doanh, vay thì doanh nghiệp phải chịu chi phí đội lên mà không thể hạch toán để tính thuế.

Có thể nói, việc thu thêm phí quản lý tài sản từ 3 - 5% và cá biệt có trường hợp là 7% đã từng xảy ra vào năm 2007 - 2008. Tuy nhiên, sau khi NHNN ban hành văn bản yêu cầu chấm dứt thu các loại phí liên quan đến vay vốn, các NH tạm dừng việc thu phí này. Mặc dù vậy, đến nay, khi tình hình thanh khoản tín dụng của NH gặp khó khăn, việc tái thu khoản phí này lại có cơ hội quay trở lại.

Trả lời báo trí, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói rằng, đây không phải lần đầu tiên trong NH xuất hiện chuyện hai giá, lãi suất hay tỷ giá niêm yết công khai trên bảng chỉ “để làm cảnh”, thực vay, thực mua sẽ phải chịu mức cao hơn. Nhưng hiện tượng này tái bùng phát ở mức độ nghiêm trọng hơn khi mà gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% chấm dứt, hỗ trợ vay trung dài hạn chỉ còn một nửa, lãi suất cơ bản lại tăng, tạo nên “cú sốc kép” đối với doanh nghiệp. Nếu tính tất cả các loại chi phí ngoài lãi suất, giá vốn năm nay đắt gần gấp ba lần năm ngoái. Điều mà ông Cao Sỹ Kiêm trăn trở là NH có thu nhập cao trong khi cả nền kinh tế khó khăn, đã vậy lại còn tận thu doanh nghiệp. Đến nay, lãi suất cơ bản vẫn chưa đến hồi kết.

Ngân hàng cũng “than trời”

Năm 2009 có thể coi là một năm thành công của các NH, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Hầu hết các NH đều công bố đạt mức lợi nhuận vượt kế hoạch, ít thì vài trăm tỷ đồng, nhiều cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, trước sự “giảm sút” lượng tiền gửi dịp Tết Nguyên đán từ phía cá nhân và doanh nghiệp, việc các NH có tiếp tục duy trì được hiệu quả kinh doanh trong năm 2010 đang là mối quan tâm và trăn trở của không ít người trong cuộc.

Để khuyến khích người dân gửi tiền, NH nào cũng áp dụng các hình thức thưởng, khuyến mãi và đẩy lãi suất huy động lên tới 12%, thậm chí 13% một năm. Nếu cho vay cũng bằng mức này, NH cầm chắc lỗ, vì vậy điều tất yếu là phải tìm cách thu phí để đẩy lãi suất cho vay cao hơn. Khi được hỏi, hầu hết các NH đều cho rằng, cơ chế trần lãi suất cho vay và huy động đã khiến các NH khó khăn và nếu cứ tiếp diễn thì về lâu dài sẽ không tốt cho kinh tế vĩ mô.

Trong buổi tổng kết công tác ngành NH tại TP.HCM ngày 26/1, ông Lê Kim Hòa, Giám đốc NH BIDV Chi nhánh TP.HCM nói rằng, có nhiều “méo mó” trong cơ chế lãi suất của các NH khi hầu hết người gửi tiền cả đáo hạn và gửi mới đều chọn gửi kỳ hạn ngắn. Áp dụng các hình thức khuyến mãi để huy động vốn là vấn đề bình thường nhưng hiện nay giá trị khuyến mãi tính ra chiếm đến 30 - 40% lãi suất đang niêm yết là vấn đề không bình thường nữa. “Hiện nay, lãi suất cho vay từ ngắn hạn đến dài hạn đều ở cùng một mức là 12%/năm. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và cơ cấu kỳ hạn của các NH”, ông Hòa nói.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, đưa ra ví dụ: Nếu NH huy động được 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng, nhưng nhu cầu cho vay kỳ hạn một tháng chỉ có 2.000 tỷ đồng, thì phần còn lại sẽ làm gì. Thêm vào đó, việc huy động vốn trung dài hạn rất khó khăn khi lãi suất huy động các kỳ hạn đều ở cùng một mức, khiến nguồn vốn trung dài hạn của các NH giảm dần, trong khi tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng bị giảm từ 40% xuống còn 30%. Như vậy, việc giải ngân vốn cho các dự án lớn sẽ gặp khó khăn. Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc NH Phương Đông, cho rằng, việc duy trì trần lãi suất 12%/năm khiến việc đánh đồng lãi suất cho vay sẽ khuyến khích những khách hàng có độ rủi ro cao đi vay nhiều hơn.

Theo các NH, nếu cho vay theo cơ chế trần lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản, tức cao nhất 12%/năm thì vì khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay quá nhỏ nên các NH buộc phải cho vay ở mức cao nhất cho tất cả các khách hàng. Bằng chứng, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho vay tiêu dùng trên địa bàn từ tháng 2 đến cuối năm 2009 đã tăng 69,6%, đạt hơn 37.260 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, hiện nay thanh khoản của tất cả các NH đều ổn định và việc điều hành gần đây của NHNN đã phần nào hỗ trợ về thanh khoản cho các NH, như tăng kỳ hạn cho vay thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ một tuần lên hai tuần, bốn tuần. Việc giảm dự trữ bắt buộc ngoại tệ từ 7% xuống 4% cũng giúp đưa 520 triệu USD tương đương 10.000 tỷ đồng vào hệ thống NH mà không gây tác động mạnh đến thị trường. Theo đó, ông cho biết, NHNN kiên quyết xây dựng cơ chế lãi suất thỏa thuận càng sớm càng tốt, tuy nhiên việc này do Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Cung nguồn vốn sẽ ổn định trong vài tháng tới

Chúng tôi nhận định thị trường sẽ giao dịch thận trọng do các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi cho đến khi thông tin lãi suất cơ bản áp dụng cho tháng Hai được công bố. Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra sớm trước dự đoán đã giúp thị trường phục hồi sớm với phiên tăng điểm mạnh. Chúng tôi nhận thấy, yếu tố tâm lý nhiều nhà đầu tư đã được cởi mở sau nhiều nghi ngại về việc tăng lãi suất cơ bản mặc dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điểu chỉnh lãi suất cơ bản là không có cơ sở trong tình hình hiện tại.

Cùng với việc giữ nguyên lãi suất cơ bản, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng điều chỉnh giảm là một tín hiệu tốt và là cơ sở để lãi suất cho vay trên thị trường tự do có sự điều chỉnh tương ứng sau khi được đẩy lên khá cao từ đầu tháng 1. Nhu cầu vốn có thể giảm dần do thời điểm sản xuất hàng Tết cũng đã hoàn tất và các doanh nghiệp hạn chế nhu cầu vay, tăng thu hồi vốn ngắn hạn, trả nợ. Căng thẳng vốn trên thị trường ngân hàng đang dần được giải quyết. Theo đó, khả năng lãi suất thị trường và cung nguồn vốn sẽ ổn định hơn trong tháng tới.

Yếu tố vĩ mô quan trọng tiếp theo được chờ đợi là tăng trưởng tín dụng và huy động. Mặc dù lãi suất thị trường bị đẩy lên khá cao sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất, yếu tố này có tác động tích cực ở việc giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn trong tháng đầu năm, giảm áp lực về quản lý cung tiền (tăng không vượt quá 25% cả năm 2010).
Giả sử mức tăng cả nước khoảng 2%, đây có thể xem là mức hợp lý về thời điểm và không cần thiết điều chỉnh giảm. Chúng tôi nhận thấy, các điều chỉnh về chính sách có thể bắt đầu từ tháng Ba khi các chỉ tiêu vĩ mô đã thể hiện tính xu hướng. Chúng tôi nhận thấy yếu tố vĩ mô có thể ổn định trong tầm nhìn ngắn hạn 1 - 2 tháng và khuyến khích hoạt động đầu tư trong thời gian này.

(Phân tích của Sacombank Securities Company, LTD.,)

 Xem bài này trên Epaper

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tại anh, tại ả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO