Sửa đổi Thông tư 36: Không chỉ ngân hàng được lợi

ANH KHOA| 31/08/2017 08:27

Việc điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giúp nguồn vốn cho vay trung dài hạn được mở rộng nhiều hơn.

Sửa đổi Thông tư 36: Không chỉ ngân hàng được lợi

Việc điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giúp nguồn vốn cho vay trung dài hạn được mở rộng nhiều hơn. Điều này vừa giúp các ngân hàng có thể tăng cho vay trung dài hạn với biên độ lãi suất cao hơn, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cần biết rằng Thông tư 36 trước đây đã được một lần sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016.

Điều chỉnh kịp thời

Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, điểm đáng chú ý nhất là NHNN đã điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 17 thì tỷ lệ này của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ ngày 1/1/2018 sẽ được điều chỉnh ở mức 45% thay vì mức 40% như quy định trước đây và kể từ ngày 1/1/2019 mới chính thức áp dụng mốc 40%. Như vậy, NHNN đã gia hạn thêm một năm áp dụng tỷ lệ 40% cho các ngân hàng.

Không phải ngẫu nhiên mà NHNN có sự điều chỉnh như trên. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp sức ép tăng trưởng, áp lực lãi suất ngày càng tăng thì việc hoãn lại như trên được đánh giá là phù hợp và kịp thời. Kể từ đầu năm, NHNN cũng đã vài lần đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, vào tháng 5/2017 Thống đốc NHNN đã có chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trước đó Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu ngành ngân hàng phải phấn đấu tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch, ổn định lãi suất đồng thời xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn của các TCTD.

Theo cập nhật mới nhất của NHNN đến tháng 5/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn ngành là 33,35%, thấp đáng kể so với quy định hiện tại là 50% và vẫn có thể đáp ứng nếu tỷ lệ trên giảm về 40% như quy định ban đầu. Tuy nhiên thực tế là tại một số ngân hàng có tình hình tài chính không tốt thì khả năng không thể đáp ứng được tỷ lệ 40% nếu bắt đầu áp dụng ngay từ năm sau. 

Không chỉ ngành ngân hàng được lợi

Trong ngày Dự thảo Thông tư được ban hành, thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh. Rõ ràng việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như trên sẽ giảm áp lực lên hoạt động của các ngân hàng, đồng thời có thể giúp các ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tích cực hơn trong năm nay.

Đầu tiên, áp lực huy động vốn để đáp ứng tỷ lệ trên sẽ giảm xuống, từ đó giảm áp lực tăng lãi suất huy động đầu vào, nhất là thời gian qua đang có những lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại khiến NHNN vừa qua phải điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt để định hướng và ổn định thị trường. Nếu mặt bằng lãi suất huy động đầu vào có thể ổn định hoặc thậm chí giảm thêm, chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng sẽ được ổn định ở mức thấp.

Tiếp đó, lãi suất cho vay đầu ra cũng được ổn định theo chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng. Như vậy, mục tiêu tiếp tục ổn định lãi suất của Chính phủ và NHNN có thể đạt được trong thời gian còn lại của năm nay. Cần lưu ý rằng với lãi suất được ổn định thì nhu cầu vay của doanh nghiệp mới được duy trì, vốn giải ngân tín dụng sẽ dễ dàng hơn, từ đó có thể giúp ngành ngân hàng đạt hoặc vượt kế hoạch tín dụng đề ra cho năm nay theo như yêu cầu của Chính phủ.

Việc điều chỉnh lộ trình như trên cũng giúp nguồn vốn cho vay trung dài hạn được mở rộng nhiều hơn, vừa giúp các ngân hàng tăng cho vay trung dài hạn với biên độ lãi suất cao hơn, đồng thời cũng giúp đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh với chi phí vay ổn định.

Vốn cũng có thể được tiếp tục rót cho các dự án bất động sản đang bị chững lại, cũng như các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Chính phủ trong từng thời kỳ. Như vậy, chính sách trên nếu được ban hành không chỉ ngành ngân hàng được lợi mà các ngành kinh doanh khác cũng có thể hưởng lợi theo.

Rõ ràng để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong dài hạn thì đầu tư, sản xuất trong nền kinh tế phải luôn được duy trì và tăng trưởng, đồng nghĩa với việc nhu cầu vay vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư với chi phí hợp lý phải được đáp ứng. Do đó, hạn mức nguồn vốn trung dài hạn được mở rộng là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay khó đạt được theo kế hoạch khi diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy chưa đạt được như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa đổi Thông tư 36: Không chỉ ngân hàng được lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO