Săn cổ tức "khủng" trước mùa đại hội cổ đông

MAI LINH| 22/02/2017 03:31

Với những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm, chỉ mong muốn dòng tiền sinh lời đều đặn, cao hơn gửi ngân hàng thì mua cổ phiếu để hưởng cổ tức đều đặn trong dài hạn có thể mang lại hiệu quả.

Săn cổ tức

Với những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm, chỉ mong muốn dòng tiền sinh lời đều đặn, cao hơn gửi ngân hàng thì mua cổ phiếu để hưởng cổ tức đều đặn trong dài hạn có thể mang lại hiệu quả.  

Đọc E-paper

Từ năm 2013 đến nay, chỉ số tăng trưởng của VN-Index luôn cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, không những thế, có hơn 200 doanh nghiệp (DN) trên sàn trả cổ tức đều đặn hơn 10%/ năm. Như vậy có thể thấy, việc tìm kiếm DN để đầu tư, phân bổ tài sản, hạn chế rủi ro và mang lại lợi nhuận ổn định dựa vào dòng cổ tức là khả thi.

Thời điểm các DN chuẩn bị đại hội cổ đông thường niên và lên kế hoạch trả cổ tức cho năm tài chính vừa kết thúc cũng là lúc thị trường chứng khoán trở nên sôi động, đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư đón đầu xu hướng tìm kiếm lợi nhuận.

Phương pháp đầu tư hưởng cổ tức được xem là khá hiệu quả khi nhà đầu tư tìm hiểu kỹ về DN, đầu tư vào những DN sản xuất, kinh doanh tăng trưởng bền vững, quản trị tốt, minh bạch, lịch sử trả cổ tức cao và đều đặn.

Việc tìm kiếm thông tin về DN cũng như kế hoạch trả cổ tức trước mùa đại hội cổ đông thường niên hiện nay không hề khó tiếp cận, thông thường là qua website của công ty hoặc các trang báo, tạp chí về chứng khoán.

Nhiều DN đã sẵn sàng cho mùa mùa đại hội cổ đông thường niên 2017, như Công ty CP FPT (FPT), Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS)...

Đây là thời điểm các thông tin về doanh nghiệp được cập nhật, công bố công khai, để nhà đầu tư đánh giá về sản xuất, kinh doanh của năm trước, nắm bắt thông tin về kế hoạch của năm tới, và quan trọng không kém là thông tin về việc chia cổ tức.

Những câu hỏi mà các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường quan tâm là “Năm nay DN có chia cổ tức hay không? Chia bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu? Tỷ lệ chia cổ tức ra sao?”. Câu trả lời cũng là gợi ý cho cổ đông, nhà đầu tư đưa ra quyết định có nên đầu tư vào DN nhằm hưởng mức cổ tức hấp dẫn hay bán cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội đầu tư khác.

Đối với những DN có kết quả kinh doanh tốt, lãi cao, chia cổ tức “khủng” thì ngay khi có thông tin, hoặc các “tin đồn” về tỷ lệ chia cổ tức thì cổ phiếu bắt đầu lên giá, đây chính là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch kiếm lời.

Một trong những cái tên nổi bật về tỷ lệ chia cổ tức “khủng” có thể kể đến là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS). Tỷ lệ trả cổ tức của MAS những năm trước rất cao: năm 2015 là 120%, năm 2016 là 80% tiền mặt.

MAS vượt qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với 296 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với 2015, lũy kế cả năm 2016, lãi sau thuế gần 45 tỷ đồng, tăng 19% so với 2015, khiến EPS năm 2016 lên đến gần 14.500đ/CP. Hiện tại MAS đang giao dịch với P/E 9,8 lần, thấp hơn trung bình ngành và trung bình thị trường, khá “rẻ” đối với DN làm ăn hiệu quả, trả cổ tức cao.

Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) đứng đầu trong những DN chi trả cổ tức ở mức cao với tỷ lệ thường xuyên trên 50%. Năm 2016, CTD đạt doanh thu 20.783 tỷ đồng, tăng 62%, lợi nhuận sau thuế 1.422 tỷ đồng, tăng 94% so với 2015 khiến EPS cả năm 2016 đạt 25.803 đồng. Hiện P/E của CTD là 9,43 lần, thấp hơn trung bình ngành và toàn thị trường. Với dự báo doanh thu cán mốc 1 tỷ USD năm 2017, cùng nhiều hợp đồng có giá trị lớn được ký kết, cổ đông của CTD nhiều khả năng sẽ được tiếp tục trả cổ tức cao.

Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) luôn mang đến bất ngờ cho cổ đông. Năm 2016, VNM đã chi trên 7.200 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 60%, trong đó 20% trả cho đợt 2/2015 và 40% cho đợt 1/2016. Trong năm 2016, VNM đạt 46.794 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 17% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 9.364 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015, đây là một năm thắng lợi cho cổ đông của VNM.

Ngoài những DN lớn kể trên, còn có những DN trả cổ tức gấp nhiều lần thị giá, như Công ty CP MEINFA (MEF) trả cổ tức bằng tiền trên mỗi cổ phiếu lên đến 4.000 đồng trong khi thị giá mỗi cổ phiếu là 900 đồng, hay Công ty CP Muối Khánh Hòa (KSC) có thị giá 400đ/CP nhưng trả cổ tức gấp 3 lần thị giá. Những cổ phiếu này thường rất khó mua và luôn trong tình trạng không có thanh khoản.

>Bí quyết đầu tư giá trị: Trông P/E, tìm cổ phiếu rẻ

>Thị trường nhà ở: Áp lực sau mùa đại hội cổ đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Săn cổ tức "khủng" trước mùa đại hội cổ đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO