"Sale off" thua lỗ

HÀ LINH| 22/11/2012 00:21

Đến thời điểm này, chuyện doanh nghiệp (DN) niêm yết khó khăn, thua lỗ không còn là mối bận tâm lớn nhất của các nhà đầu tư. Chính sự bế tắc và thiếu bản sắc của các DN mới là đáng ngại hơn cả.

Đến thời điểm này, chuyện doanh nghiệp (DN) niêm yết khó khăn, thua lỗ không còn là mối bận tâm lớn nhất của các nhà đầu tư. Chính sự bế tắc và thiếu bản sắc của các DN mới là đáng ngại hơn cả.

Đọc E-paper

Oằn mình gánh nợ

Căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất của Sông Đà Thăng Long (STL), đến 30/6, Công ty đã có khoản lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng. Nếu sự thua lỗ của STL cứ "tăng tiến" đều đều thì chẳng mấy chốc sẽ ngốn sạch vốn điều lệ.

Chỉ riêng 2 khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn trong báo cáo tài chính của Công ty STL quý III/2012 đã lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo này, nợ phải trả của STL (hơn 5.000 tỷ đồng) gấp gần... 30 lần so với vốn chủ sở hữu (gần 170 tỷ đồng).

STL như một người nhỏ bé đang oằn mình gánh cục nợ cực kỳ khủng khiếp. Với tình hình của thị trường bất động sản hiện nay thì việc cân đo, đong, đếm giá trị tài sản của STL cũng không hề đơn giản.

Từ đó khó lòng trả lời được tài sản có thể giúp Công ty trụ được bao lâu trong khi đó nợ của STL là có thật. Đòn cân nợ sẽ không nhẹ đi hay bốc hơi bớt, nhưng sức người thì sẽ bị bào bòn, từ đi chậm sẽ dẫn đến đứng yên, từ đó có thể đổ ngã bất cứ lúc nào.

Chín tháng đầu năm, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố lỗ gần 5 tỷ đồng và đến thời điểm 30/9 vẫn còn gần 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Về mặt con số có vẻ QCG chưa ở tình thế bi đát, nhưng sự quan tâm của thị trường lại nằm ở cục nợ khoảng 3.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn điều lệ (gần 1.300 tỷ đồng) của QCG và từ đầu năm đến nay công ty vẫn chưa thể giải quyết được.

Khá khôi hài là cuối tháng 10 vừa qua, khi QCG công bố kết quả kinh doanh của công ty mẹ vẫn... có lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngay lúc đó, nhiều người đã nhận định đây chỉ là một chiêu của QCG làm cho hình ảnh của công ty đỡ xấu hơn và y như rằng khi báo cáo tài chính hợp nhất được công bố (đóng vai trò quan trọng nhất), Công ty bị lỗ trở lại gần 500 triệu đồng.

Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra bán tín bán nghi: "Ôm một đống nợ như vậy mà chỉ lỗ chưa đến 1 tỷ đồng/quý, QCG giỏi như vậy sao?".

Khi DN tìm mọi cách để giữ cho kết quả kinh doanh hay tài sản không quá bi đát thì cũng không thể khỏa lấp được những khoản nợ quá lớn. Sự tương phản đáng buồn này đã khiến các nhà đầu tư chán ngán chứ không phải là những khoản lỗ đơn thuần.

Cấp bách túng thiếu

Đầu năm nay, đại hội cổ đông của Đại Thiên Lộc (DTL) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, nhưng hơn 10 ngày trước đã điều chỉnh chỉ còn 10 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức từ 25% giảm xuống 10%.

Theo dự kiến của DTL, giai đoạn 2013-2015 sẽ đầu tư 3 dây chuyền mạ kẽm, mạ hợp kim nhôm kẽm và 3 dây chuyền mạ màu. Nhưng kể từ tháng 12 tới đây, DTL một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại tôn như tôn kẽm, tôn lạnh... cũng sẽ giải thể 2 chi nhánh do kinh doanh không hiệu quả.

Liên tiếp những sự thay đổi rất đối nghịch theo kiểu bung ra rồi thu vào, mở lại cho thấy DTL đang gặp vấn đề trong chiến lược kinh doanh.

Dự tính đầu tư trong một giai đoạn quá khó khăn với ngành thép nói chung và ngành tôn nói riêng đã khiến DTL không thể duy trì sự nhất quán trong việc theo đuổi chiến lược chiến lược.

Trong ngành tôn, thép mỗi sự thay đổi trong mô hinh hoạt động sẽ kéo theo một loạt những hệ quả về mối quan hệ với các nhà sản xuất, nhà phân phối và các đối thủ. Những gì đã mất cũng không dễ lấy lại một sớm một chiều. DTL sẽ làm gì? Quay lại tập trung cho hoạt động thương mại?

Điều này không dễ vì khi tham gia sản xuất, DTL đã trở thành đối thủ của nhiều nhà sản xuất khác, tập trung đầu tư thì đồng thời phải giải bài toán cực khó về nhu cầu tiêu thụ cũng như thị trường. Và nếu đứng im thì chi phí khấu hao máy móc, lãi vay lại không để cho yên.

Khoảng giữa tháng 8 đến nay, Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bảo Việt đã đăng ký thoái toàn bộ phần vốn (khoảng 13%) tại Gỗ Trường Thành (TTF).

Vào tháng 6, TTF đã khiến cả thị trường "sốc" khi hội đồng quản trị ra nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá... 5.000 đồng/CP, chỉ bằng phân nửa mệnh giá 10.000 đồng/CP và đến tháng 8 đã được thông qua chi tiết hơn.

Theo đó, vào quý IV TTF sẽ phát hành gần 20 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/CP nhưng lại chỉ bán với giá 5.000 đồng/CP để bổ sung vốn lưu động của Công ty.

Thương hiệu của TTF trên thị trường là khá lớn nhưng khoảng 3-4 năm gần đây, tình hình kinh doanh của Công ty lại không như kỳ vọng. Ngành sản xuất đồ gỗ, nội thất của TTF cũng không ở mức quá khó như một số ngành khác. Nhưng thông qua phương án phát hành theo kiểu "sale off" của TTF cũng như mục đích đã công bố, có thể thấy nhu cầu vốn của Công ty đã cấp bách như thế nào.

Sự "túng thiếu" này hoàn toàn tương phản với những gì công ty đã xây dựng trong mắt các cổ đông trước đây. Một khi cổ đông lớn đã "tháo chạy" thì liệu những cổ đông nhỏ có dám mua cổ phiếu TTF phát hành hay không, và đặt trường hợp TTF không phát hành thành công gần 200 triệu cổ phiếu với giá 5.000 đồng/CP, không huy động được gần 100 tỷ đồng tiền mặt thì Công ty sẽ ra sao?

Khi doanh nghiệp không định hướng đúng đắn, không giữ được những nền tảng, sức mạnh của mình, đó chính là lúc rủi ro lớn nhất, lớn hơn cả thua lỗ. Và nếu thiếu bản lĩnh, định hướng thì khi thua lỗ xảy ra cũng không dễ gì gượng dậy được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Sale off" thua lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO