Rành rành mà vẫn làm ngơ

HÀ LINH| 28/09/2012 09:20

Danh sách các công ty chứng khoán (CTCK) bị đình chỉ lưu ký ngày một dài ra, nhưng dường như chưa có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo từ xa, dù rằng sai phạm có thể thấy rành rành...

Rành rành mà vẫn làm ngơ

Danh sách các công ty chứng khoán (CTCK) bị đình chỉ lưu ký ngày một dài ra, nhưng dường như chưa có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo từ xa, dù rằng sai phạm có thể thấy rành rành...

Đọc E-paper

Từ dễ dãi...

Theo quy trình thanh toán hiện nay, khi nhà đầu tư (NĐT) đặt lệnh mua chứng khoán và khớp lệnh, lập tức hệ thống của CTCK sẽ phong tỏa số tiền tương đương giá trị khớp lệnh (kèm thuế, phí giao dịch...) trên tài khoản (TK), đây là ngày T+0. Tuy nhiên, phải đến chiều ngày T+2, CTCK mới đưa số tiền này ở trạng thái sẵn sàng để sáng ngày T+3 (trước 9 giờ, thời điểm bắt đầu phiên giao dịch) tiến hành thanh toán bù trừ với Trung tâm Lưu ký (VSD).

CTCK sẽ có 2 ngày T+0 và T+1 để sử dụng số tiền đã “khóa” trên TK của NĐT trước khi thanh toán chính thức, cũng có nghĩa là đang ở trạng thái “dư” tiền. Trong khi đó, khi CTCK vi phạm nghĩa vụ thanh toán với VSD, ngoại trừ những lỗi nghiệp vụ hay hệ thống, thì chỉ có một lý do duy nhất là CTCK gặp vấn đề về tiền, hay nói thẳng là “thiếu” tiền.

Điểm lại những CTCK bị VSD đình chỉ hoạt động lưu ký như Tràng An (TAS) mới đây, Hà Thành hay trường hợp đầu tiên là SME đều có chung nguyên nhân là “thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán”.

Như vậy, từ “dư tiền” đến “thiếu tiền” là cả một quá trình “xuống cấp” của các CTCK chứ không đơn thuần là hiện tượng nhất thời. Cần nhớ rằng, có khá nhiều những hiện tượng đơn lẻ có thể là chỉ báo cho việc CTCK gặp vấn đề về thanh khoản, chẳng hạn như NĐT rút tiền nhưng CTCK không thể thực hiện ngay mà kéo dài lên đến vài ngày. Nhưng từ những hiện tượng này để dự báo về những rủi ro lại là một dấu hỏi lớn dành cho tất cả những ai tham gia thị trường chứng khoán cũng như các cơ quan quản lý.

NĐT sau vài ngày bị CTCK khất lần, thậm chí phải làm căng mới rút được tiền, thường có suy nghĩ cho qua vì dù sao mọi chuyện cũng đã xong. Vả lại, nếu có ý định lên tiếng cũng không có cơ sở và các CTCK cũng sẽ tìm cách lấp liếm. Cho đến trước khi SME bị VSD đình chỉ lưu ký, đã có một số bài báo phản ánh tình trạng này nhưng lãnh đạo của công ty đã giải thích rằng chỉ do “lỗi hệ thống”.

... đến nghiêm ngặt

Tại sao lại để các CTCK vi phạm nhiều lần rồi mới xử lý? “Tuýt còi” lúc mọi sự đã rồi cũng đồng nghĩa với khả năng NĐT mất tiền là rất cao? Các cơ quan quản lý có khả năng nghe ngóng những vấn đề trên thị trường, chẳng hạn như dấu hiệu mất thanh khoản hay gặp vấn đề về dòng tiền hay không? Cần nhấn mạnh là những thông tin, tin đồn này không hề xa lạ với NĐT.

Những NĐT vẫn chưa thể đòi tiền tại SME có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc giám sát và xử lý công ty này. Phải chăng SME quá tinh vi đến mức có thể qua mặt trong một thời gian dài hay do hệ thống và các tiêu chuẩn giám sát có vấn đề? Cần nhắc lại hồi tháng 4, trong danh sách 6 CTCK đầu tiên nằm trong diện kiểm soát đặc biệt thì không có tên của SME. Trong khi đó, 6 công ty này đã bị thị trường xem như “cô hồn” khi các hoạt động gần như tê liệt. Kiểm soát khi sự đã rồi liệu có ích gì?

SME và TAS “thường xuyên” vi phạm nghĩa vụ thanh toán và không chỉ có 2 CTCK vừa nêu mắc lỗi này, nhưng cho đến thời điểm này lại không được công bố cụ thể. Thanh khoản là yếu tố cực kỳ quan trọng của các tổ chức tài chính, vì vậy, sai sót nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nên tiến đến việc công bố cụ thể từng vi phạm về thanh toán cho dù là nhỏ nhất.

Lo lắng về việc công bố quá nhiều có thể gây tâm lý lo ngại cho NĐT, nhưng nếu không công bố, để thông tin xuất hiện theo dạng tin đồn, hiệu ứng sẽ còn khó kiểm soát hơn. Các cơ quan quản lý để CTCK vi phạm liên tục, nhiều lần một lỗi nghiêm trọng rồi mới ra quyết định xử phạt cũng một phần nào đó đã gián tiếp gia tăng rủi ro về tính an toàn của cả hệ thống.

Nếu bị cơ quan quản lý công bố cụ thể là mắc sai sót, CTCK sẽ phải chịu áp lực “làm sạch” mình và đương nhiên, các NĐT sẽ có những tín hiệu cảnh báo ngay từ đầu cho chính mình. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần có một cơ chế thu thập và tiếp nhận các thông tin trên thị trường để kịp thời yêu cầu các công ty giải trình. Điều này sẽ tạo ra một cơ chế giám sát khép kín đối với các CTCK, không chỉ nằm ở các cơ quan quản lý mà còn có sự tham gia của NĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rành rành mà vẫn làm ngơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO