PMI:Kỳ vọng tăng dần

HOÀNG LONG| 09/09/2014 04:00

HSBC vừa mới công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI).

PMI:Kỳ vọng tăng dần

HSBC vừa mới công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI).

Đọc E-paper

Mặc dù tình hình sản xuất vẫn ở mức tích cực (trên 50 điểm) nhưng đà tăng hiện đã chững lại khi chỉ số PMI trong 4 tháng gần đây có sự sụt giảm. Chỉ số này đã quay về mốc 50,3 điểm, tương tự như hồi tháng 11/2013.

Theo quan sát của giới phân tích, mặc dù sản lượng chỉ giảm nhẹ trong tháng nhưng chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều giảm về dưới 50 điểm. Điều này cho thấy sự thu hẹp của cả nhu cầu nội địa và nước ngoài.

> HSBC: Kinh tế Việt Nam đang dần tăng tốc

> HSBC: Lạm phát khó tăng mạnh vào cuối năm

> HSBC: Xuất khẩu sẽ được lợi nhờ sản xuất tăng cao

> HSBC: Lãi suất sẽ ổn định

Cũng trong báo cáo, giá đầu vào vẫn tiếp tục tăng theo khảo sát của HSBC trong khi lạm phát tháng 8 chỉ tăng nhẹ. Xu hướng tăng giá đầu vào chủ yếu do (1) giá nguyên liệu tăng mạnh, (2) áp lực từ sự gia tăng chi phí vận chuyển cùng với việc siết chặt trọng tải vận chuyển cũng như việc tăng giá cước hồi tháng 6.

Hàng tồn kho vì vậy cũng được báo cáo tăng trong lần cập nhật mới nhất. Đặc biệt, HSBC cho biết đà tăng giá đầu vào hiện đã chững lại, kỳ vọng áp lực tăng giá đầu vào trong các tháng cuối năm sẽ không quá lớn khi mà giá xăng hiện đã có 3 lần điều chỉnh trong tháng 8 vừa qua với mức giảm lên đến 6,2%.

Trong khi đó, cước phí vận tải đã dần phản ánh vào giá, doanh nghiệp đang dần chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng nên giá đầu ra tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp từ tháng 6 đến nay.

Tương tự, theo Ngân hàng ANZ và Công ty Nghiên cứu thị trường Roy Morgan, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 8/2014 đã nhích nhẹ 0,4 điểm so với tháng 7 và xu hướng hồi phục được duy trì 4 tháng liên tiếp từ tháng 5/2014 đến nay.

ANZ Roy Morgan cho rằng niềm tin tiêu dùng có khả năng đi ngang và sẽ tăng dần đều trong các tháng còn lại của năm. Nhận định này cũng khá sát với số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố trước đó.

Cụ thể là mức tăng doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cải thiện trong tháng 8/2014, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số thể hiện sức mua của người tiêu dùng tăng 11,4% so với cùng kỳ, sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%. Sức cầu nền kinh tế nhìn chung đang cải thiện nhưng với tốc độ chậm.

Như vậy, các báo cáo vẫn chứa đựng những điểm tiêu cực của thị trường, thậm chí chỉ số PMI còn đi xuống 4 tháng liên tiếp. Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận khá tích cực đối với xu hướng của các tháng cuối năm.

Liên hệ với chỉ số sản xuất công nghiệp, có thể thấy khả năng tình hình sản xuất sẽ giảm nhẹ trong tháng 9 nhưng sau đó sẽ bật tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm nhờ (1) xuất khẩu tăng tốc, (2) tăng trưởng tín dụng cao hơn, (3) nhu cầu chi tiêu thường tốt hơn trong quý IV.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Môi giới khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn, hành động quyết liệt của Chính phủ trong cải cách nền kinh tế chính là điểm cộng lớn nhất cho xu thế tăng điểm của thị trường.

Những hành động này bao gồm giải quyết nợ xấu thông qua công cụ VAMC, đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015.

Thêm vào đó, P/E thị trường hiện tại đang ở mức 16,38 lần, thấp hơn mức đỉnh tháng 10/2009 (20,1 lần) và thấp hơn một số thị trường trong khu vực như Philippines 20 lần, Indonesia 20,2 lần... P/E chủ yếu phản ánh nhóm cổ phiếu lớn trong VN30 nên nhiều cổ phiếu có P/E chỉ từ 3-5 lần sẽ là điểm đến của dòng tiền.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của một nước dân số 90 triệu dân luôn là điều mà các nhà đầu tư lớn về ngành hàng tiêu dùng đang tìm kiếm. Do đó, những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh như Vinamilk (VNM), Masan Consumer, Dầu ăn Cái Lân (Calofic) và lĩnh vực hàng tiêu dùng lâu bền như Casumina (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Thế giới Di động (MWG), Petrosetco (PET)... sẽ là những lựa chọn tốt để đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
PMI:Kỳ vọng tăng dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO