Ngân hàng ngoại tăng vốn mạnh

Anh Khoa| 26/03/2019 04:03

Tăng vốn đã trở thành nhu cầu cấp thiết của hệ thống ngân hàng trong suốt thời gian qua cũng như cho giai đoạn sắp tới. Không chỉ các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tăng vốn, và dự báo sẽ chưa dừng lại. Vậy đâu là động lực cho xu hướng này?

Ngân hàng ngoại tăng vốn mạnh

Như vậy, đối với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nếu vốn điều lệ chưa đủ thì việc tăng vốn để đảm bảo cho mạng lưới chi nhánh là cần thiết, nhất là khi phân khúc cho vay tiêu dùng bán lẻ vẫn đầy tiềm năng và hấp dẫn.

Tăng mạnh vốn
Sau khi thoái vốn khỏi Ngân hàng Thương mại CP Á Châu trong năm 2018, Ngân hàng Stand-ard Chartered hồi tháng 2 vừa qua đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.215 tỷ đồng, tức tăng 1.135 tỷ đồng, tương ứng gần 37%. Được biết phần vốn tăng thêm của Stand-ard Chartered Việt Nam là do Standard Chartered Bank cấp.
Trước đó, trong tháng 9/2018, Ngân hàng Woori Việt Nam cũng đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng, tương ứng 53%. Woori Việt Nam là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thành lập chi nhánh đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1997, đến 1/2017, Hội sở Ngân hàng Woori tại Việt nam được thành lập. Ngân hàng mẹ là Woori Bank có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) và Woori Bank lại là một công ty con của Woori Financial Group.
Hay như mới đây có thêm ba ngân hàng ngoại được tăng vốn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc cho Bank of China Limited - Chi nhánh TP.HCM tăng vốn từ 100 triệu USD lên 180 triệu USD. Trong khi đó, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc - Chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 90 triệu USD lên 120 triệu USD, The Siam Commercial Bank Public Company Limited - Chi nhánh TP.HCM tăng vốn lên gần 100,5 triệu USD.
Vì đâu?
Việc các ngân hàng ngoại tăng vốn được cho là để gia tăng nội lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, theo đó không chỉ các ngân hàng trong nước mà nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng thuộc đối tượng áp dụng thông tư này.
Theo quy định của Thông tư 41, cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ chặt chẽ theo chuẩn quốc tế Basel 2 nhiều hơn, không chỉ tổng tài sản phải tính theo rủi ro tín dụng mà còn đặt ra vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Theo đó, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%.
Do đó, để phát triển tín dụng, mở rộng kinh doanh, buộc các ngân hàng phải tăng vốn tự có đủ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Chính vì vậy, thời gian qua, áp lực tăng vốn tự có nói chung và vốn điều lệ nói riêng không chỉ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, mà nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải tích cực tăng vốn theo yêu cầu đề ra.
Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, cụ thể vốn điều lệ phải đảm bảo tương ứng với số lượng chi nhánh. Theo đó để mở một chi nhánh tại nội thành Hà Nội hoặc nội thành TP.HCM thì phải có 300 tỷ đồng, ở các tỉnh - thành khác và ngoại thành hai thành phố trên là 50 tỷ đồng.
Như vậy, đối với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nếu vốn điều lệ chưa đủ thì việc tăng vốn để đảm bảo cho mạng lưới chi nhánh là cần thiết, nhất là khi phân khúc cho vay tiêu dùng bán lẻ vẫn đầy tiềm năng và hấp dẫn. Như Woori Việt Nam, cùng với việc tăng thêm vốn trong năm 2018 đã mở thêm 6 chi nhánh, phòng giao dịch, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.         
Sẽ chưa dừng lại?
Hiện nay tại Việt Nam có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, gồm ANZ, CIMB, Hong Leong, HSBC, Public Bank, Shinhan, Standard Chartered, UOB, Woori và  49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với những lý do kể trên, việc tăng vốn của nhóm ngân hàng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nếu như việc tăng vốn đối với các ngân hàng trong nước thời gian qua gặp không ít khó khăn, do nguồn lực tài chính của các cổ đông hạn hẹp, những quy định chặt chẽ về sở hữu chéo, chứng minh dòng tiền góp vốn, buộc nhiều ngân hàng phải tìm cách bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bị bó buộc ở các quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài, thì nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn do sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng mẹ.
Hiện tại, trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, có 4 ngân hàng đang có vốn điều lệ đúng với mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng là ANZ, Hong Leong, Public Bank và UOB. Kế tiếp là CIMB với 3.203 tỷ đồng, Standart Chartered ở mức 4.215 tỷ đồng, Shinhan 4.547 tỷ đồng, Woori 4.600 tỷ đồng và cao nhất là HSBC với 7.528 tỷ đồng.
Không chỉ đảm bảo cho các tỷ lệ an toàn và phát triển mạng lưới, việc tăng vốn cũng giúp các ngân hàng nước ngoài có đủ tiềm lực để thực hiện các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, vốn đang diễn ra rất mạnh trong thời gian qua. Như việc Ngân hàng Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của Công ty ANZ vào cuối năm 2017 hay như Công ty Shinhan Card mua Công ty Tài chính Prudential gần đây là minh chứng cụ thể nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng ngoại tăng vốn mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO