Ngân hàng ngoại cũng vấp nợ khó đòi

16/09/2013 05:09

Với môi trường kinh doanh hiện tại, dù có kiểm soát chặt chẽ đến đâu thì các ngân hàng nước ngoài cũng đều đang gặp khó khăn ở những khoản nợ cũ giống như các ngân hàng nội địa.

Ngân hàng ngoại cũng vấp nợ khó đòi

Với môi trường kinh doanh hiện tại, dù có kiểm soát chặt chẽ đến đâu thì các ngân hàng nước ngoài cũng đều đang gặp khó khăn ở những khoản nợ cũ giống như các ngân hàng nội địa.

Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của HSBC Việt Nam, được soát xét bởi KPMG, nợ khó đòi của ngân hàng này là hơn 1.104 tỷ đồng, trong khi năm 2012 khoảng hơn 822 tỷ đồng.

Như vậy, nợ khó đòi của HSBC trong 6 tháng đầu năm đã tăng 34% so với con số cuối năm 2012. Con số nợ quá hạn vào cuối tháng 6/2013 của nhà băng này là gần 2.969 tỷ đồng, tăng thêm 25% so với cuối năm 2012.

Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của HSBC vào cuối tháng 6 vừa qua là 9,2% và tỷ lệ nợ khó đòi trên tổng dư nợ là 3,4%.

Cũng tính đến thời điểm tháng 6/2013, tổng tài sản của HSBC chỉ còn hơn 63 ngàn tỷ đồng (giảm 4,2% so với cuối năm 2012). Tỷ lệ an toàn vốn của HSBC Việt Nam là 13%.

Nếu như trước đây, các chuyên gia thường cho rằng, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng gia tăng một phần do họ nới lỏng, thậm chí dễ dãi với các tiêu chuẩn quy định để cho các DN vay tiền.

Hay vì DN chủ động tìm mọi cách khai thác các “lỗ hổng” quản lý của ngân hàng để chiếm đoạt vốn, tìm mọi cách không chịu trả tiền vay… Từ đó dẫn đến khả năng mất vốn rất cao ở một số ngân hàng...

Nhưng với ngân hàng ngoại, một chuyên gia cho rằng, những lý do trên sẽ không phù hợp với quy mô hoạt động của họ. Nói như vậy là vì xét về bản chất, từ trước đến nay, khối ngân hàng ngoại vốn rất chặt chẽ trong việc phát triển tín dụng. Việc giảm chất lượng nợ của khối này hẳn xuất phát những trục trặc hay rủi ro đến từ nền kinh tế nhiều hơn.

“Việc nợ xấu tại khối ngân hàng ngoại tăng chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh chậm chạp trong vài năm trở lại đây, sức khỏe của DN chưa thực sự được cải thiện”, chuyên gia trên nói.

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam chia sẻ, kinh tế khó khăn, nhiều DN không có khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tại ngân hàng tăng cao, thậm chí một vài khách hàng lảng tránh, tìm mọi cách gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng.

Tương tự, một lãnh đạo ngân hàng 100% vốn nước ngoài đóng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngân hàng này đang vướng vài trường hợp nợ quá hạn với một số khách hàng DN.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 52.300 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng dư nợ tín dụng và tăng 11% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ nhóm 5 tức nợ có khả năng mất vốn là 35.075 tỷ đồng, chiếm 67,1% so với tổng nợ xấu. Khối ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ hiện tại thấp nhất, chỉ khoảng 2,88%.

“Sau khi có thông tin khách hàng đang gặp khó khăn, nhằm gỡ khó cho DN cũng như tạo điều kiện thu hồi vốn, ngân hàng đã thực hiện gia hạn nợ quá hạn cho DN này đồng thời điều chỉnh lãi suất và xem xét tái hỗ trợ vốn khi công ty có phương án kinh doanh khả thi.

Tuy nhiên, đến nay, dù được cơ cấu nợ nhiều lần, gia hạn lãi vay nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm nhanh chóng, vòng quay vốn chậm lại nhưng việc phải tiếp tục duy trì trả nợ, trả lãi cho các ngân hàng, rồi với một loại chi phí sản xuất, kinh doanh khác… dẫn đến DN nhanh chóng rơi vào tình trạng tê liệt. Chuyện thu hồi nợ từ đó gặp nhiều khó khăn”, vị đại diện trên nói.

Dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng một lãnh đạo ANZ tại TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, nền kinh tế đang không thuận lợi cho DN hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng nợ của các ngân hàng.

Vị này cũng trích dẫn báo cáo của ngân hàng đối với thị trường Việt Nam, theo đó, ANZ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 từ 5,6% xuống 5,1% và hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống 5,25%, thấp hơn dự báo 6,3% đưa ra trước đó. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Nói về chất lượng nợ giảm nhanh, đại diện một NHTMCP có trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh nhận xét rằng, với môi trường kinh doanh hiện tại, dù có kiểm soát chặt chẽ đến đâu thì các ngân hàng nước ngoài cũng đều đang gặp khó khăn ở những khoản nợ cũ giống như các ngân hàng nội địa.

Giả sử, một số DN Việt Nam sau một thời gian phát triển ban đầu tốt đã đặt mục tiêu tăng trưởng một cách nhanh chóng bằng việc mạo hiểm sử dụng nguồn vốn kinh doanh từ vay các ngân hàng rất lớn, chiếm đến 70 - 80%. Các ngân hàng ngoại cũng sẽ vấp phải một số DN như thế.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng các ngân hàng ngoại có lợi thế được hỗ trợ từ ngân hàng mẹ nên dù có tăng tỷ lệ nợ khó đòi cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nợ xấu tăng cao giống nhau nhưng vì có nhiều lợi thế từ nguồn vốn, khối ngoại vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, lợi nhuận tăng cao. Từ đây, khối ngoại thực sự trở thành đối thủ cạnh tranh đối với các NHTMCP nội địa ở mảng tín dụng DN”, vị lãnh đạo này nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng ngoại cũng vấp nợ khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO