Nâng hạng thị trường và giá trị cổ phiếu

KHÁNH PHƯƠNG| 23/03/2018 03:37

Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, trong đó dòng vốn tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản và đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa lớn.

Nâng hạng thị trường và giá trị cổ phiếu

Ảnh: Quý Hòa

Một số ý kiến cho rằng dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành có vốn hóa lớn để sớm đưa Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Các thị trường tài chính hiện được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market). Hiện tại Việt Nam nằm trong nhóm thị trường cận biên và đã bỏ lỡ cơ hội được thêm vào danh sách thị trường mới nổi trong đợt đánh giá hồi tháng 6/2017.

Link bài viết

Hiện nay có 3 tổ chức xếp hạng thị trường, gồm MSCI, FTSE Russell, S&P Dow Jones với định kỳ đánh giá hằng năm. Các tiêu chí phổ biến để xem xét bao gồm mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn.

Với đợt tăng giá mạnh trong năm 2017 và những tháng đầu năm nay, cộng thêm tiến trình nới room, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thì Việt Nam hiện nay có thể nói đã đáp ứng được quy mô và thanh khoản thị trường, theo đó số lượng công ty có quy mô từ 1,27 tỷ USD trở lên, giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng từ 635 triệu USD và thanh khoản của cổ phiếu bình quân hằng năm đạt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR 15%) đã vượt xa con số 3 theo như điều kiện của MSCI.

Với những gì đang diễn ra, đặc biệt là đà tăng trưởng mạnh của các chỉ số nói chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng kể từ đầu năm đến nay, dường như các nhà tạo lập thị trường không giấu giếm kỳ vọng Việt Nam có thể được xem xét sớm hơn trong kỳ đánh giá nâng hạng thị trường diễn ra vào tháng 6/2018.

So với Pakistan - quốc gia được nâng hạng lên thị trường mới nổi hồi tháng 6 năm ngoái, thì hiện Việt Nam đã vượt về quy mô cũng như số lượng công ty niêm yết. Việt Nam cũng trở thành thị trường tăng trưởng hàng đầu trong nhóm các thị trường cận biên trong năm vừa qua, với mức tăng lên đến gần 50%. Hầu hết ý kiến cho rằng MSCI sẽ xem xét đánh giá nâng hạng thị trường Việt Nam sớm nhất vào tháng 6/2019 và Việt Nam có thể được nâng hạng vào tháng 6/2020.

Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, đặc biệt là đà tăng trưởng mạnh của các chỉ số nói chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng kể từ đầu năm đến nay, dường như các nhà tạo lập thị trường không giấu giếm kỳ vọng Việt Nam có thể được xem xét sớm hơn trong kỳ đánh giá nâng hạng thị trường diễn ra vào tháng 6/2018.

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index nói chung đã tăng 15,2% và VN 30 nói riêng đã tăng 14,1%, trong đó ngành ngân hàng tăng 28,2%, bất động sản tăng 21,7%, dịch vụ tài chính tăng 19,3%;  một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng rất mạnh như BID, VCB, CTG, VIC, VRE, DXG, SSI, BVH, VJC...

Chưa rõ khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được lọt vào danh sách tiềm năng cho thị trường mới nổi vào kỳ đánh giá gần nhất sắp tới hay không, tuy nhiên với việc giá cổ phiếu của nhóm công ty vốn hóa lớn, đặc biệt tập trung ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản được kéo lên mạnh mẽ cũng ít nhiều sẽ giúp tăng tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI sau khi được thêm vào.

Điều này là rất quan trọng để trực tiếp tác động đến dòng vốn đầu tư của các tổ chức nước ngoài, vì nếu dù được nâng hạng lên thị trường mới nổi nhưng có quá ít công ty được đưa vào chỉ số do không thỏa mãn điều kiện hoặc được đưa vào chỉ số nhưng tỷ trọng thấp so với tiềm năng vốn có, thì tác dụng của việc nâng hạng sẽ giảm đi nhiều.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng về quy mô công ty niêm yết bằng cả cơ hữu lẫn hợp nhất, mua bán, sáp nhập đi kèm với thoái vốn, nâng tỷ lệ tự do chuyển nhượng là bước đi cần thiết và cần có lộ trình sớm để tối đa hóa dòng vốn khi Việt Nam được nâng hạng. Theo dự báo thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 30 - 40% sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi - điều đã xảy ra đối với các thị trường như Arab Emirates, Qatar và Pakistan.

Dù đã đáp ứng các điều kiện có yếu tố định lượng nhưng hiện tại hạn chế lớn nhất của thị trường Việt Nam khi xem xét nâng hạng nằm ở khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các yếu tố như mức độ mở đối với sở hữu nước ngoài, khả năng luân chuyển dòng vốn vào ra thị trường và hiệu quả của hệ thống vận hành là những thách thức trong bối cảnh hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng hạng thị trường và giá trị cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO