Mở rộng mạng lưới: Nhiều ngân hàng“chùn bước”

QUỲNH VŨ| 16/07/2009 00:00

Một số ngân hàng cho biết, mặc dù việc thuê mặt bằng để mở rộng mạng lưới đang có nhiều lựa chọn hơn, nhưng nhìn chung, rất khó tìm được mặt bằng tốt.

Mở rộng mạng lưới: Nhiều ngân hàng“chùn bước”

Một số ngân hàng (NH) cho biết, mặc dù việc thuê mặt bằng để mở rộng mạng lưới đang có nhiều lựa chọn hơn, nhưng nhìn chung, rất khó tìm được mặt bằng tốt. Vì vậy, trong thời gian qua, không ít NH đã phải xem xét lại kế hoạch mở rộng mạng lưới của mình.

Đỏ mắt tìm mặt bằng

Theo các NH, thị trường VN đặc biệt có tiềm năng để phát triển loại hình bán lẻ tài chính, và nguyên tắc hoạt động của các cửa hàng tiện lợi là đi theo khách hàng. Do vậy, hầu hết các NH đều cố gắng mở rộng mạng lưới.

Giao dịch tại LienVietBank TP HCM

Cụ thể, tính đến năm 2008, NH TMCP Á Châu (ACB) có gần 201 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc và sẽ còn mở thêm 48 chi nhánh mới trong năm 2009. Không thua kém, hiện tại, mạng lưới hoạt động của NH TMCP Đông Á (DongABank) đã phủ rộng tại 55 tỉnh, thành với 168 chi nhánh và phòng giao dịch.

Riêng kế hoạch năm nay, DongABank phấn đấu đạt 200 chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng tại tất cả tỉnh, thành trong cả nước. NH TMCP Liên Việt (LienVietBank) dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng số điểm giao dịch sẽ là 28. Từ đầu năm đến nay, LienVietBank đã đưa vào hoạt động thêm hai chi nhánh (LienVietBank Dung Quất, LienVietBank Chợ Lớn) và ba phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch hiện có của LienVietBank lên con số 18. Theo kế hoạch năm 2009, NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ mở rộng mạng lưới lên 106 điểm giao dịch...

Thế nhưng, việc “mở rộng” của các NH dường như không hề đơn giản. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABankÁ, nói rằng, hiện nay, nhằm đẩy mạnh phát triển khách hàng, sự cạnh tranh giữa các NH trong việc mở rộng mạng lưới là rất lớn. Do đó, việc chọn địa điểm đẹp để khách hàng dễ nhận biết và có diện tích lớn để xây dựng trụ sở cũng không nằm ngoài quy luật cạnh tranh đó. Muốn có được vị trí như ý để có thể thuê hoặc mua làm địa điểm đặt trụ sở, NH cần nhiều thời gian vì phải trải qua quá trình khảo sát, chọn lọc, thương thảo... 

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB nhận định, đây là thời điểm các NH chiếm lĩnh thị phần để bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các NH ngoại vào năm 2015, năm được ông Hải đánh giá là cuộc cạnh tranh giữa các NH nội và NH ngoại sẽ diễn ra khốc liệt nhất.
Thậm chí, chỉ vì vấn đề thuê mặt bằng mà NH TMCP Sài Gòn (SCB) đã phải giảm kế hoạch mở rộng mạng lưới xuống còn 138 điểm giao dịch thay vì 154 điểm như dự định trước đây.

Đã có quá nhiều điểm giao dịch

Tổng giám đốc một NH thừa nhận, trong năm qua, nhiều NH đã mở rộng quá nhanh mạng lưới hoạt động.

“Vẫn biết việc mở chi nhánh, phòng giao dịch mới là cơ hội tốt để nâng cao thương hiệu, tiếp cận gần hơn người tiêu dùng, nhưng trong năm 2008 và trong thời điểm này, nếu quy mô tăng quá nhanh sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của NH giảm đáng kể”, vị này nói. Không chỉ vậy, lợi nhuận của các điểm giao dịch mới mở (kể cả từ đầu năm) cũng không đóng góp được vào tổng lợi nhuận của NH. Ngược lại, NH còn phải bù lỗ chi phí thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên.

“Tất nhiên, mặt bằng đẹp thì hiện tại vẫn phù hợp với một số khách hàng ở xa trung tâm. Nhưng lượng NH ngày càng nhiều khiến thị trường trở nên chật chội”, nguyên giám đốc một NH TMCP khác chia sẻ. “Tôi cho rằng, tập trung phát triển tốt dịch vụ và dịch vụ tận nhà mới là tương lai nên nghĩ đến. Khi đó thì đâu cần đầu tư mặt bằng rộng rãi, hoành tráng khiến chi phí và giá thành buộc phải tăng theo”.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank cũng cho biết: “Khi nào bảo đảm được ba tiêu chí chính thì LienVietBank mới mở chi nhánh. Thứ nhất là cần tranh thủ tích tụ bất động sản để có cơ sở vật chất lâu dài, tránh bị động khi đi thuê; những địa điểm nào tốt, kinh doanh có hiệu quả, giá hợp lý thì mua luôn làm chi nhánh. Thứ hai, việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ phải được chuẩn bị chu đáo (đạt khoảng 60% - 70%) trước khi thành lập chi nhánh. Thứ ba là chi nhánh phải bảo đảm sau một năm hoạt động là có lãi”.

Kinh tế trong nước năm 2009 còn khó khăn, còn bị thách thức bởi “độ ngấm” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, dịch vụ du lịch và đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng.

Do vậy, một số NH phải hoãn kế hoạch triển khai thêm một số điểm giao dịch mới theo như dự định từ đầu năm, nhất là NH mới gia nhập thị trường và quy mô nhỏ, do thị trường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; tăng trưởng tín dụng giảm mạnh so với năm trước. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng vọt khiến NH không bù đắp được chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng mạng lưới: Nhiều ngân hàng“chùn bước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO