![]() |
Một số ngân hàng (NH) bắt đầu rục rịch mở cửa cho vay bất động sản (BĐS), nhất là cho khách hàng cá nhân mua nhà để ở. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận đây chỉ là bề nổi và nhiều NH thừa nhận rằng mở cửa cho BĐS chưa thực sự khả quan.
Van đã mở
![]() |
Nhiều NH vẫn thận trọng cho vay BĐS. Ảnh: Quý Hòa |
Nhiều ý kiến cho rằng, nới tín dụng phi sản xuất thời điểm này còn quá sớm và nó sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực chống lạm phát. Song, cũng không ít ý kiến khẳng định mở tín dụng BĐS và tiêu dùng trong năm 2012 là một biện pháp tốt.
Bởi vì, biện pháp này sẽ giúp người có nhu cầu mua nhà thực được tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) BĐS có dự án, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực cũng được vay vốn để phát triển nhanh, nhất là khi thị trường nhà ở thực sự sôi động trở lại. Còn NH thương mại có thể xử lý được các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng chủ yếu ở lĩnh vực này.
Hiện nay, áp lực nợ dưới chuẩn đang tăng mạnh và nguồn vốn huy động trên thị trường có xu hướng sụt giảm, khiến các NH thương mại khó cân đối vốn để cho vay. Do vậy, dù có mở van tín dụng BĐS thì các khoản cho vay sẽ được NH cân nhắc kỹ càng.
Khi đó, chỉ có những DN nào tốt, có dự án khả thi và an toàn thì mới nhận được vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những DN BĐS nào có uy tín thì sẽ vượt qua khó khăn. Sự đổ vỡ sẽ chỉ rơi vào những DN làm ăn chụp giật, đầu tư chủ yếu vào phân khúc khách hàng cao cấp...
Đồng ý với quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chia sẻ, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, làn sóng di cư từ nông thôn lên đô thị rất nhanh, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nới điều kiện để người dân có thể vay vốn mua nhà, không nên khắt khe ở nguồn thu nhập trả nợ của người vay. Nếu muốn hạn chế đầu cơ BĐS thì sử dụng chính sách thuế cũng đã hạn chế phần nào.
Khó vẫn khó
Dù xuất phát điểm đã rõ ràng, nhưng trên thực tế, mở tín dụng cho vay tiêu dùng của các NH hiện nay mới chỉ dừng ở hình thức, vì lãi suất cho vay vẫn mang tính chất đánh đố và khó chấp nhận đuợc.
Cụ thể, ABBank bắt đầu triển khai chương trình “Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước”, hỗ trợ cho khách hàng cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà/đất để ở.
Khách hàng có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. ANZ cũng triển khai sản phẩm cho vay đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà và xây nhà để ở, tài sản thế chấp là chính tài sản định mua hoặc dùng tài sản khác thế chấp. Điều kiện vay khá linh hoạt như: thời hạn vay tới 20 năm, mức vay có thể tới 70% giá trị tài sản, lãi suất cho vay là 20%/năm.
OceanBank đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn như không hạn chế mức vay cũng như thời hạn vay phụ thuộc vào mức lương, khách hàng cũng có thể dùng chính tài sản sẽ mua để làm tài sản đảm bảo khoản vay..., nhưng với mức lãi suất 19%/năm thì khách hàng cũng chào thua.
Một lãnh đạo của ACB cho biết, hiện ACB vẫn cho vay với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực sự. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nói rằng, suất cho vay vẫn còn ở mức cao từ 20 - 22%/năm nên khách hàng cá nhân vẫn còn ngại vay.
Ngoài vấn đề lãi suất, chuyện xét duyệt nguồn trả nợ bằng tiền lương theo quy định của NHNN, thì phần lớn khách hàng cũng khó có thể đáp ứng đủ điều kiện mà NH đưa ra.
Theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB, tính theo thu nhập tiền lương của người dân cùng với giá cả hiện nay, việc tích lũy trả nợ vay bằng lương không phải là dễ. Quy định này áp dụng đối với những người có thu nhập trung bình khá trở lên đã chật vật, chứ đừng nói những người có thu nhập thấp.
Chính vì những khập khiễng trên mà mới đây, để tạo điều kiện cho giá thuê, mua nhà cũng như lãi suất có thể giảm xuống, Hiệp hội Tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất NHNN nên giao nhiệm vụ cấp tín dụng ưu đãi cho mọi hoạt động xây dựng nhà thu nhập thấp cho NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Lý do VAFI đưa ra kiến nghị này vì với nhiệm vụ được giao, MHB sẽ cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp (dưới 10%/năm) cho các DN BĐS hội đủ điều kiện thực hiện các dự án xây nhà thu nhập thấp và cho người mua nhà.
Hơn nữa, để có nguồn tín dụng rẻ này, theo VAFI, Nhà nước có thể cho phép MHB được phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Chính phủ. Về phía người thu nhập thấp, VAFI đưa ra đề nghị chỉ cho vay với lãi suất thấp dưới 10%/năm, điều kiện là đã thanh toán khoảng 50 - 60% giá trị căn nhà...
Bằng cơ chế ưu đãi về thuế và tín dụng như trên, giá bán căn hộ nhỏ sẽ giảm từ 30 - 40% sẽ tạo điều kiện cho giá thuê nhà giảm đáng kể so với giá thị trường và có thể phát triển được quỹ nhà cho thuê với giá thấp.