![]() |
Trong một cuộc tọa đàm mới đây, TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Giá (Bộ Tài chính) thừa nhận là khó nói lạm phát sẽ tăng đến mức nào trong năm 2010.
Thậm chí, TS. Vũ Đình Ánh còn nói rằng, ông cảm thấy “bị choáng” khi được tin Nhà nước tăng giá xăng và sau đó ít lâu tăng giá điện. Việc tăng giá hai mặt hàng chiến lược này sẽ khiến các mặt hàng khác tăng theo. Đến một người nghiên cứu như ông vẫn không thể ước tính mức lạm phát trong năm 2010 là bao nhiêu vì những diễn biến khá phức tạp hiện nay trên mặt bằng giá cả.
![]() |
Đã có khá nhiều tranh luận gay gắt về việc nên ưu tiên mục tiêu chống lạm phát hay tăng trưởng. Cũng có rất nhiều cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp giúp doanh nghiệp đối phó với lạm phát, song dường như mọi người quên đi những tác động trực tiếp của lạm phát đến túi tiền của các tầng lớp xã hội.
Nhìn chung, lạm phát thực sự là cú sốc mạnh đối với những nhóm dễ tổn thương như phải sống nhờ trợ cấp, không có sức lao động. Thống kê cho thấy, nhóm người nghèo chỉ nhận được khoảng 75% mức bình quân lợi ích tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nhóm giàu nhận được đến 115% mức bình quân.
Khi lạm phát cao và dai dẳng, người ta sẽ cố gắng tháo chạy khỏi nó bằng cách chuyển sang nắm giữ những tài sản tích cực hơn tiền. Ngay cả các khoản tiết kiệm, nếu lãi suất huy động không được điều chỉnh hợp lý, chỉ những người thụ động nhất mới giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm (vì vẫn hơn là cầm tiền mặt). Còn không thì người ta sẽ cố gắng đầu tư vào các tài sản khác.
Mới nghe như thế có vẻ là tích cực, nhưng có mấy điểm bất lợi về tổng thể xã hội. Đó là người dân tự đi đầu tư chưa chắc tốt bằng ngân hàng, doanh nghiệp. Ngoài ra, việc người dân ồ ạt tự đi đầu tư, do khả năng hạn chế, chủ yếu chỉ có thể đầu tư vào các thị trường có quan hệ gián tiếp với quá trình sản xuất như vàng, USD, chứng khoán, nhà đất...
Kết quả là thị trường náo loạn và bong bóng cũng xuất hiện. Như vậy, không có gì sai nếu nói lạm phát cao sẽ làm tê liệt các hoạt động kinh tế.
Có nhiều giải pháp vĩ mô để kiềm chế lạm phát, nhưng theo các chuyên gia đánh giá, việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội là một hướng đi đúng đắn trong giảm thiểu tác hại của khủng hoảng kinh tế, lạm phát, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Tại một hội nghị mới đây bàn về các giải pháp giải quyết vấn đề hậu khủng hoảng, bà Yumiko Tamura, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nói rằng, cần thiết lập mạng lưới an sinh xã hội tốt để đối phó với những vấn đề khủng hoảng, lạm phát trong tương lai, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực. Trong đó, cần thiết lập các cơ chế ứng phó trước tác động tiêu cực đối với người nghèo và cận nghèo.
Bởi vì, nếu gặp khủng hoảng, lạm phát, thì những đối tượng cận nghèo sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo. "Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội" - Bà Yumiko Tamura khuyến cáo.