Lãi suất giảm, ngân hàng sống bằng gì?

09/08/2012 05:09

Doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay giảm, giảm nữa. Thế nhưng ngân hàng kinh doanh tiền - lĩnh vực đầy rủi ro, nên kiểu gì cũng phải có lãi tương xứng với độ rủi ro.

Lãi suất giảm, ngân hàng sống bằng gì?

Doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay giảm, giảm nữa. Thế nhưng ngân hàng kinh doanh tiền - lĩnh vực đầy rủi ro, nên kiểu gì cũng phải có lãi tương xứng với độ rủi ro.

Một doanh nghiệp cho biết, với khoản vay 70 tỷ đồng, họ đang phải trả hơn 70 triệu đồng mỗi tháng cho cái gọi là "phí quản lý tài sản"!

Phí: Góp gió thành bão

Hiện có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, việc định giá tài sản thế chấp lúc này của ngân hàng khắt khe hơn trước. Giá trị tài sản bị định giá ngày càng thấp, khiến số lượng tài sản dùng để thế chấp tăng. Điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho phí quản lý tài sản.

Chưa kể trước đó, doanh nghiệp còn phải trả phí thẩm định tài sản. Và với những trường hợp tài sản thế chấp dễ cháy nổ thì doanh nghiệp còn buộc phải trả phí bảo hiểm (ngân hàng không trực tiếp bán, chỉ giới thiệu cho công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng; hoặc đối tác liên doanh, liên kết với ngân hàng!).

Chỉ riêng khoản tài sản thế chấp đã như vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp nhận được tờ hóa đơn có vài cái gạch đầu dòng khiến cho "lãi suất thực tế mà doanh nghiệp phải trả lên tới gần 20%/năm chứ không phải 15%/năm", một doanh nghiệp cho hay.

Không chỉ tận thu từ hợp đồng tín dụng, nhiều ngân hàng còn nỗ lực hỗ trợ khách hàng với nhiều dịch vụ đi kèm, nhằm thiết lập mối quan hệ thân thiết.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn thừa nhận: mức lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào tổng nguồn thu của ngân hàng từ khách hàng đó.

Tóm lại, đâu cũng vào đấy, muốn được hưởng mức lãi suất thấp mà ngân hàng dành cho khách hàng thân thiết thì doanh nghiệp cũng phải sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để trở thành khách hàng thân thiết.

Techcombank vừa thông báo điều chỉnh biểu phí cho hàng loạt sản phẩm của ngân hàng từ ngày 1/8/2012. Vietinbank thì có loại phí: "Quản lý duy trì số dư tài khoản tiền gửi dưới mức tối thiểu dành cho doanh nghiệp" (3.000 đồng/ngày); phí mượn hồ sơ (300.000 đồng/lần)… Nhìn chung danh mục các dịch vụ thu phí của ngân hàng nào cũng 5-7 trang.

Tuy thế, nhiều doanh nghiệp thừa nhận: các chi phí chính thức, có hóa đơn của ngân hàng tuy tăng, nhưng gần đây phí "bôi trơn" không nhiều (trước đây mức phí này trung bình khoảng 6%/ tổng giá trị món vay); và nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ xử lý nặng nếu cán bộ tín dụng nào đòi phí "bôi trơn" của khách hàng.

Khó mong lãi suất giảm tiếp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%/năm (nhưng khi tiếp xúc với ngân hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn được vay với lãi suất 12%/năm).

Nhiều ngân hàng đã, đang thực hiện chỉ đạo này, thậm chí còn tung ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng tất nhiên có điều kiện kèm theo.

Hiện nay lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.

Lãi suất cho vay ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay thấp nhất ở khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn 9%/năm, khối cổ phần là 11%/năm. Thống đốc cũng tuyên bố mức lãi suất 15%/năm sẽ được duy trì ổn định ít nhất trong 1 năm…

Ông cũng cho rằng, lãi suất huy động sẽ khó hạ nữa, vì như vậy người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Thậm chí, từ tháng 8/2012, một số ngân hàng thương mại đang bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn dài của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay là 11%/năm, cá biệt có ngân hàng huy động 12%/năm. Sang tháng 8, ngân hàng bắt đầu lo đến mùa thanh khoản. Hiện tượng đi đêm lãi suất lác đác xuất hiện trở lại…

Nếu lãi suất huy động không giảm, tất yếu lãi suất cho vay khó giảm. Hơn nữa, dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, nhưng tình hình tăng trưởng tín dụng cũng không khả quan hơn. Có vẻ như liều thuốc giảm lãi suất không cải thiện được tình hình như mong muốn của các ngân hàng thương mại.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, việc chỉ số giá tiêu dùng giảm trong cả tháng 6 và tháng 7 chỉ mang tính tạm thời do giá các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, lương thực, thực phẩm... giảm. Nhưng từ tháng 8, giá xăng, điện, nước tăng, kèm theo nguy cơ tăng giá của giá hàng hóa thế giới…

Nếu tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, lạm phát có nguy cơ bùng nổ vào những năm sau. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất cân nhắc trong việc giảm tiếp các mức lãi suất điều hành. Chưa kể, mối bận tâm nhất của cả hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn là xử lý nợ xấu.

"Cháy nhà ra mặt chuột", không biết sẽ còn bao nhiêu nhân viên ngân hàng phải ra đi (như vụ Vietinbank Bến Tre vừa rồi), thậm chí vào "khám" như hàng loạt vụ cán bộ ngân hàng lợi dụng chức năng, quyền hạn để tiêu tiền thiên hạ… Vì thế, hoạt động ngân hàng từ nay đến cuối năm chỉ có thể ở thế cầm chừng, khó mong lãi suất tiếp tục giảm.

Tổng vốn huy động trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 7 ước đạt 963,8 ngàn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước đó. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 ước đạt 770,6 ngàn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng 6. Cục Thống kê Hà Nội cũng đã thông báo tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố tháng 7 là 2,65% so với tháng 6, với tổng dư nợ cho vay khoảng 628.014 tỷ đồng. Tính chung toàn ngành, đến 25/7, tín dụng mới chỉ tăng 0,57%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất giảm, ngân hàng sống bằng gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO