Khổng lồ, chân đất, giá bèo

LAM BÌNH| 02/10/2012 09:52

Không chỉ các nhà đầu tư (NĐT) nắm cổ phiếu nhỏ lo lắng, mà cả những NĐT nắm cổ phiếu bluechip cũng sợ lên bờ xuống ruộng. Bởi vì, nhiều cổ phiếu của “đại gia” một thời đang tiến dần về mốc 0 đồng.

Khổng lồ, chân đất, giá bèo

Không chỉ các nhà đầu tư (NĐT) nắm cổ phiếu nhỏ lo lắng, mà cả những NĐT nắm cổ phiếu bluechip cũng sợ lên bờ xuống ruộng. Bởi vì, nhiều cổ phiếu của “đại gia” một thời đang tiến dần về mốc 0 đồng.

Đọc E-paper


Đa ngành: Hại mình, hại người



Thái Hòa (THV) là DN xuất khẩu cà phê Arabica nằm trong top 5 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Năm 2010, khi THV niêm yết, có nằm mơ NĐT bi quan nhất cũng không thể ngờ được là công ty này lại cận kề nguy cơ phá sản. Từ quý III/2011 tới nay, THV toàn thua lỗ, lỗ lũy kế lên tới 430 tỷ đồng, chiếm tới 75% vốn điều lệ. Chưa hết, báo cáo tài chính quý II/2012 mới đây còn cho thấy THV nguy ngập về tài chính khi đối diện với áp lực nợ ngắn hạn phải trả lên tới 1.015 tỷ đồng lớn gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Văn An,

Chủ tịch HĐQT, phải thế chấp cả ngôi nhà của mình, vay vốn ngân hàng nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt của công ty. Đồng thời, THV lên kế hoạch bán nhiều tài sản với hy vọng tái cơ cấu lại tình hình tài chính.

Mỗi đồng tiền làm ra phải đắp vào chi phí lãi vay nhưng đây không phải lý do duy nhất khiến THV “chết”. DN này chết thật chưa hay mới chỉ có nguy cơ phá sản? Mấy năm gần đây THV đã sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn đầu tư nhiều dự án dài hạn. Rồi Thái Hòa không tập trung vào cà phê mà đầu tư vào khách sạn, xây dựng, trồng cây cao su... Khủng hoảng kéo dài, kinh doanh thua lỗ, NĐT ghẻ lạnh, cổ phiếu THV đang nhắm cột mốc 1.000 đồng.

Cũng vì đầu tư đa ngành mà Sacom (SAM) - thương hiệu đầu ngành trong mảng cáp vật liệu viễn thông đang khiến NĐT chết dở. Lúc đỉnh điểm, SAM như một nàng công chúa không phải ai muốn có cũng được, kể cả NĐT nước ngoài. Sau đợt phát hành tăng vốn với mức giá cao ngất ngưởng năm 2006 và 2007, SAM ngồi trên đống tiền 700 - 800 tỷ đồng tiền mặt, Sacom lấn sân sang lĩnh vực BĐS, đầu tư tài chính, góp vốn vào quỹ đầu tư, nhăm nhe thành lập công ty chứng khóa.

Tham vọng lớn khiến Sacom gặp hạn. Con số báo cáo trong các quỹ bắt đầu xuất hiện cả từ lãi - lỗ vì phụ thuộc vào mức trích lập dự phòng, thị trường. Giới quan sát còn nghi ngờ rằng mới đây Sacom quyết tâm giải thể công ty liên kết với Cáp Sài Gòn chỉ vì muốn rút vốn nhưng bất thành do thị trường quá xấu. SAM khiến NĐT bị ảnh hưởng rất lớn vì cổ phiếu liên tục lùi sâu dưới mệnh giá.

Vina, lại thêm một Vina!

Với hơn 36 công ty con, Tổng công ty CP Xuất khẩu Việt Nam Vinaconex (VCG) luôn cho NĐT thấy được sự “hoành tráng” trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Trước nay, ai cũng hiểu xây lắp là mảng kinh doanh chính tạo dựng tên tuổi và thương hiệu Vinaconex nên việc lấn sân sang các ngành nghề liên quan như vật liệu xây dựng, BĐS khá bình thường. Nhưng nay, VCG lại “hám của lạ” như bán vé máy bay, trồng rừng, chăn nuôi, thậm chí đào tạo giáo dục từ bậc mầm non khiến NĐT choáng!

Choáng cũng phải vì năm 2009, lợi nhuận Vinaconex giảm 98% so với kế hoạch ban đầu, chỉ còn chưa tới 6 tỷ đồng. Lý do chính là trước khi kiểm toán Vinaconex “quên” chưa trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá cho khoản vay nợ gốc ngoại tệ khi xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả ở một công ty con. Năm 2011, Vinaconex công bố lãi 40 tỷ đồng, EPS đạt 134 đồng - kết quả phải gọi là “bèo” với một đại gia có vốn chủ sở hữu trên 3.500 tỷ đồng, hàng năm doanh thu trên dưới 14.000 tỷ.

Chưa tính đến các khoản kinh doanh “lạ”, chỉ riêng Xi măng Cẩm Phả năm ngoái thua lỗ nặng nề khiến Vinaconex trích lập dự phòng tổn thất trong đầu tư lên tới gần 600 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II mới đây còn cho thấy tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của đại gia này trên 20.000 tỷ đồng. Một nửa trong số này là nợ ngắn hạn. Không quá sớm để lo ngại Vinaconex đi theo xe đổ của Vinashin và Vinaline.

NĐT sẽ còn phải lo lắng rất nhiều nữa vì còn rất nhiều “đại gia” đang đi sai đường để họ cũng lạc lối. Bằng chứng là mới đây trong một hội thảo về đầu tư, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy Fulbright, nói rằng, chỉ khảo sát riêng 647 công ty phi tài chính niêm yết, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các DN này là 1,53. Ở khối doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, tình hình còn căng thẳng hơn. Tập đoàn Sông Đà có nợ phải trả gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam cũng có tỷ lệ nợ trên vốn chủ cao ngất ngưởng 6,36%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khổng lồ, chân đất, giá bèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO