Khi các “ông lớn” lên sàn

BÌNH AN| 03/07/2009 02:37

Ngày 25/6, 573 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) đã lên sàn HOSE. Mới đây, hơn 112 triệu cổ phiếu của Vietcombank cũng lên sàn. Và đến tháng 7/2009, lại thêm 56 triệu cổ phiếu của Vietinbank sẽ niêm yết...

Khi các “ông lớn” lên sàn

Ngày 25/6, 573 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) đã lên sàn HOSE. Mới đây, hơn 112 triệu cổ phiếu của Vietcombank cũng lên sàn. Và đến tháng 7/2009, lại thêm 56 triệu cổ phiếu của Vietinbank sẽ niêm yết... Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng, trong khi hàng loạt ngân hàng (NH) đang tăng vốn thì sự xuất hiện chính thức của ba “người khổng lồ” trên có thể làm TTCK niêm yết chậm hồi phục…

Cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt lên sàn ngày 25/06 - Ảnh LM

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán SSI thì cổ phiếu BVH đắt hơn so với cổ phiếu cùng ngành. Công ty SSI dựa vào mức giá khởi điểm 38.500đ để tính Bảo Việt có PE (hệ số giữa giá giao dịch của một CP với lợi nhuận mà CP đó đem lại) 2009 là 43,51, PE 2008 là 41,67. Mức PE này cao gần gấp bốn lần so với ACB, hơn hai lần so với Bảo Minh (BMI) và Bảo hiểm Dầu khí (PVI). Ngay phiên đầu tiên BVH đã tăng kịch trần và lượng dư mua khá lớn do nhiều nhà đầu tư vẫn đang hào hứng với cổ phiếu này. Nhưng toàn thị trường thì ngược lại, nhà đầu tư e ngại vì cả sàn Hà Nội lẫn TP.HCM đều giảm điểm. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VIS cho rằng TTCK vẫn có dấu hiệu sáng sủa và những phiên giảm điểm là điều bình thường.

Sự kiện VCB công bố giá chào sàn là 50.000đ/CP và Vietinbank dự kiến sẽ đưa ra giá tương tự đã được nhiều chuyên gia tài chính, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán đánh giá là hợp lý và có tác động tốt đến TTCK. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, so với giá của ACB và SHB hiện tại thì giá khởi điểm trên không đắt vì quy mô, thương hiệu và triển vọng của cả VCB lẫn Vietinbank khá sáng sủa. Ông Ngô Thanh Phát, Trưởng Phòng Phân tích Chứng khoán VIS cho rằng: Hai cổ phiếu vừa lên sàn sẽ giúp tính thanh khoản của thị trường tốt hơn khi dòng tiền tập trung vào thị trường niêm yết.

Tuy nhiên, cũng không ít người thất vọng khi VCB công bố giá khởi điểm thấp như vậy, bởi họ là những nhà đầu tư đã trúng đấu giá VCB đến 100.000đ/CP. Trong khi đó, nhiều cổ đông của Vietinbank lại tỏ ra hớn hở vì năm ngoái đấu giá mua được cổ phiếu này ở mức 20.000đ/CP bỗng “giựt” lên 45.000đ/CP trong những ngày gần đây. Ông Khổng Văn Minh, Giám đốc Đầu tư Quỹ Jaccar (Pháp), dự đoán: Nếu Vietinbank chào sàn giá 50.000đ/CP thì nhiều khả năng có một cuộc xả hàng chốt lời ở cổ phiếu này.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận cho NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội niêm yết bổ sung 150 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.500 tỷ đồng và SHB cho biết, trung tuần tháng 7/2009 sẽ chính thức đưa số cổ phiếu này vào giao dịch. Giới đầu tư cho rằng, với khối lượng niêm yết bổ sung là 150 triệu cổ phiếu, nhưng khối lượng chuyển nhượng bị hạn chế thì nguồn cung của SHB không phải là nhiều, khó tác động đến giá. Còn việc Sacombank sắp bán 18 triệu cổ phiếu quỹ STB trên sàn HOSE bước đầu đã có tác động khi giá cổ phiếu này xuống nhẹ dù lượng giao dịch vẫn khá lớn. Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành cho biết: Đây chỉ một “động thái” cơ cấu lại danh mục bình thường và nếu cổ phiếu này xuống giá nhanh do việc bán cổ phiếu quỹ thì Sacombank sẽ điều chỉnh.

Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà nhiều tổ chức cũng đang chờ các “ông lớn” lên sàn hay ra thêm hàng để quyết định giao dịch trong tháng tới. Do đó, các cổ phiếu này có đủ mạnh để “dẫn dắt” thị trường và VN-Index lên xuống hay không, sẽ phụ thuộc vào mức độ “chào đón” của nhà đầu tư đối với nguồn cung của các “ông lớn” kể trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi các “ông lớn” lên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO