“Khéo co mới ấm”

BÌNH AN| 10/06/2009 03:01

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một loạt biện pháp để giúp các doanh nghiệp (DN) dễ mua ngoại tệ thanh toán thì nhiều NH thương mại đồng loạt hạ mạnh lãi suất USD, đưa ra hình thức kích thích DN vay ngoại tệ thay vì tiền đồng.

“Khéo co mới ấm”

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một loạt biện pháp để giúp các doanh nghiệp (DN) dễ mua ngoại tệ thanh toán thì nhiều NH thương mại đồng loạt hạ mạnh lãi suất USD, đưa ra hình thức kích thích DN vay ngoại tệ thay vì tiền đồng.

Đổi USD tại Techcombank


Ngày đầu tháng 6/2009, nhiều NH như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, An Bình... đã công bố lãi suất cho vay USD tối đa chỉ còn 3%/năm. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc NH An Bình cho biết, hiện nhu cầu vay USD của nhiều DN rất lớn nhưng họ so sánh với vay tiền Việt được bù lãi suất, tỷ giá có khả năng biến động mạnh nên để lãi suất USD cao rất khó cho vay. Sau khi hạ lãi suất, có NH đã cho vay USD tăng 15% so với tuần cuối tháng 5/2009. Giám đốc một DN nhựa cho hay, công ty ông đang làm thủ tục vay 70.000USD vì thấy lãi suất hạ và tỷ giá cũng đã bình ổn.

Dù vậy, không ít DN vẫn nghe ngóng trước khi quyết định vay hoặc bán USD. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất 4% bằng tiền đồng của Chính phủ đang triển khai rộng càng khiến nhiều DN cân nhắc khi vay USD. Hơn nữa với chênh lệch lãi suất 3 - 4% giữa vay tiền đồng và USD và không phải lo biến động tỷ giá khi vay tiền đồng cũng là một “rào cản” khiến DN chưa mặn mà vay USD. Theo lãnh đạo các NH, thời gian tới, việc hạ lãi suất USD sẽ tiếp tục diễn ra bởi các NH phải giải tỏa khối ngoại tệ đang được gửi khá lớn tại NH.

Hạ lãi suất còn để hấp dẫn DN vay USD thay vì họ đi mua như hiện nay. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank nhận định: Cả NH lẫn DN đều muốn lãi suất USD thấp để gỡ khó cho nhau và những biện pháp trên sẽ giảm áp lực tỷ giá USD. Điều đó không chỉ có lợi cho hai bên mà còn tạo điều kiện để nền kinh tế sớm phục hồi.

PGS - TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đề xuất: Nhà nước nên xem ngoại tệ là hàng hóa đặc biệt nên cần phải chế tài hành vi găm giữ USD có biểu hiện đầu cơ. Để giải quyết tình trạng thừa vốn USD, NHNN cần hoán đổi ngoại tệ cho các NH thương mại (các NH cung cấp ngoại tệ cho NHNN để nhận tiền đồng). Đổi lại, NHNN cam kết bán lại ngoại tệ khi các NH thương mại có nhu cầu và NHNN sẽ tăng thêm USD dự trữ để can thiệp thị trường khi cung - cầu ngoại tệ mất cân đối.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính thì từ nay đến cuối năm kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu vật tư, thiết bị sẽ tăng trở lại; trong khi xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tăng nhiều, thì việc cân đối ngoại tệ trong các tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Vì vậy nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên biên độ giao dịch hiện hành (± 5%). Song song đó, NHNN cần áp dụng các biện pháp kinh tế can thiệp thị trường ngoại hối như nghiệp vụ hoán đổi, mua bán kỳ hạn các loại ngoại tệ... để giúp các NH thương mại tránh tình trạng ứ đọng vốn ngoại tệ và DN cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ hơn.

Trong khi dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND đến cuối tháng 5/2009 ước đạt 1.213,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2008, thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2008.

Tiền gửi của dân bằng VND đến cuối tháng 5/2009 đạt khoảng 630,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cuối năm 2008. Huy động vốn bằng ngoại tệ đạt khoảng 330,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2008.

Tuần đầu tháng 6/2009, lãi suất huy động USD đã đồng loạt hạ xuống 0,5%. Mức cao nhất hiện còn 1,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay USD tương ứng cũng giảm khoảng 0,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn và hiện giữ mức cao nhất còn 3%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Khéo co mới ấm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO