Khai thác “lỗ hổng” tín dụng

QUỲNH CHI| 11/01/2012 00:16

So với lãi suất 1%/năm vào cuối tháng 9/2011, đến nay lãi suất huy động vàng đã tăng lên hơn 4%/năm. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia không chỉ lo ngại xu hướng tích trữ, đầu cơ vàng có nguy cơ tăng cao hơn, mà còn cho rằng hình thức “lách” tín dụng này sẽ khiến thị trường ngày càng khó kiểm soát trong năm 2012.

Khai thác “lỗ hổng” tín dụng

So với lãi suất 1%/năm vào cuối tháng 9/2011, đến nay lãi suất huy động vàng đã tăng lên hơn 4%/năm. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia không chỉ lo ngại xu hướng tích trữ, đầu cơ vàng có nguy cơ tăng cao hơn, mà còn cho rằng hình thức “lách” tín dụng này sẽ khiến thị trường ngày càng khó kiểm soát trong năm 2012.

Tích trữ, chờ giá vàng tăng

Gần đây, khi giá vàng liên tục giảm cộng thêm tình hình kinh tế chưa có nhiều điểm sáng, thì xu hướng mua và gửi vàng của người dân liên tục tăng cao hơn so với các kênh khác như tiền đồng hay ngoại tệ.

Số liệu cụ thể tính đến thời điểm 31/10/2011, phát hành chứng chỉ vàng của 14 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần trên địa bàn TP.HCM đạt 96.122 tỷ đồng, chiếm 87,3% trong tổng huy động vốn bằng vàng.

Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là do nhu cầu cất giữ vàng của Việt Nam luôn được xếp vào loại cao trên thế giới. Hơn nữa, giá USD trên thị trường tự do hạ nhiệt sau một loạt các vụ phạt do niêm yết và giao dịch bằng ngoại tệ trái phép đã khiến giá USD lùi về quanh 21.300 đồng, đã làm cho giá vàng không tăng nổi nên người dân vẫn có tâm lý chờ đợi để mua vào.

Cụ thể, giá USD trên thị trường tự do tại TP.HCM giảm mạnh xuống còn 21.255 - 21.290 đồng/USD (mua vào - bán ra). Như vậy, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, giá USD trên thị trường tự do đã giảm tổng cộng 70 đồng/USD.

Dù nhiều thông tin cho rằng cơ hội tăng giá của USD vẫn rất cao, tích trữ vàng thời điểm này sẽ có nhiều rủi ro, nhưng cũng có không ít người vẫn lạc quan hy vọng qua Tết giá vàng sẽ phục hồi, nên họ đua nhau chọn mua vàng miếng của các thương hiệu nổi tiếng để cất giữ, thậm chí để đầu tư.

Theo thông tin từ các tiệm vàng SJC, có thời gian cao điểm, vàng miếng của thương hiệu này không có để bán ra, nhiều người phải chấp nhận viết giấy hẹn chờ hôm sau lấy vàng.

Ngân hàng đua tăng lãi vàng

Văn bản 8492 ngày 31/10/2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành có đề cập năm 2012 các NHTM cần đặc biệt quan tâm và điều chỉnh giảm huy động và cho vay vốn bằng vàng theo đúng lộ trình của NHNN đề ra (giảm dần và chấm dứt phát hành chứng chỉ vàng vào tháng 5/2012).

Nhưng đến nay, để cân bằng thanh khoản, nhiều NHTM bất chấp và tăng lãi suất huy động vàng hoặc phát hành chứng chỉ vàng lên cao.

Cụ thể, SCB nâng lãi suất huy động vàng bằng chứng chỉ lên đến 4,35%/năm thay cho mức 3,7%/năm trước đó. Theo đó, với kỳ hạn 2 tháng cho 8 lượng vàng, lãi suất gốc 3,2%/năm cộng thêm 0,15% ưu đãi, khách có sổ vàng gửi lại và thêm ưu đãi 0,9% số lượng vàng, tổng cộng lãi suất khách hàng nhận được là 4,25%/năm.

Nếu gửi 8 lượng vàng trong 6 tháng, lãi suất cao nhất có thể là 4,55%/năm (lãi niêm yết 3,5%, thêm 0,15% ưu đãi gửi lại vàng và 0,9% ưu đãi số lượng vàng).

Ngoài ra, với khoản gửi từ 10 lượng đến dưới 50 lượng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,25%, cao dần theo hạn mức gửi và độ dài của kỳ hạn. Mức cao nhất có thể tiến tới xấp xỉ 4,5%.

OCB cũng triển khai lãi suất huy động chứng chỉ vàng ngắn hạn cho các kỳ hạn 3, 6, 9 và 11 tháng lên cao nhất 3,2%/năm, triển khai từ 3/10 đến hết 30/11.

Hay Eximbank cũng triển khai chương trình khuyến mãi “kỳ hạn vàng ưu đãi vàng” áp dụng cho chứng chỉ vàng kỳ hạn 1 tháng, từ 10 lượng vàng trở lên lãi suất 2,5%/năm. Nhiều NHTM cổ phần nhỏ và vừa khác cũng đẩy lãi suất huy động vàng phổ biến ở mức 2,5 - 3%/năm...

Theo đại diện của một ngân hàng, thời điểm cận Tết, các NHTM đều chịu áp lực bù đắp lượng tiền thiếu hụt do nhu cầu rút tiền của khách hàng tăng cao.

Do vậy, họ huy động vàng như một giải pháp bù đắp thanh khoản, thậm chí có thể dùng vàng để cầm cố trên thị trường liên ngân hàng. Dù rằng NHTM sẽ gặp rủi ro khi chuyển vàng sang tiền mặt, nhưng đây vẫn là giải pháp tốt nhất trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đứng về mặt quản lý, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, đến cuối năm 2011, NHNN vẫn chưa có một hành lang pháp lý để chặn các cửa “lách” tín dụng.

Do vậy, năm 2012 ngay khi “room” tín dụng bị hạn hẹp thì NHTM vẫn có cửa kiếm lợi nhuận lớn qua “găm” vốn cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Bởi dự báo năm 2012 nguồn vốn của hệ thống NHTM vẫn tiếp tục căng thẳng.

Thậm chí, nếu năm 2012 NHNN chưa có những chế tài để bịt lỗ hổng của việc ủy thác đầu tư cũng như lách “room” tín dụng, thì năm 2012 NHTM vẫn cạnh tranh nhau một cách không công bằng, lãi suất khó có thể giảm theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai thác “lỗ hổng” tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO