“Kén đồng, chọn đô”

QUỲNH CHI| 22/09/2011 00:16

Với thực trạng của các ngân hàng (NH) hiện nay thì phần lớn doanh nghiệp (DN) vẫn hoài nghi về mức độ khả thi của việc giảm lãi suất cho vay xuống từ 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lần này dường như đã khác khi đồng loạt các NH lớn nhỏ đều khẳng định họ đang sở hữu nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ lãi suất vay nếu DN đáp ứng đủ điều kiện.

“Kén đồng, chọn đô”

Với thực trạng của các ngân hàng (NH) hiện nay thì phần lớn doanh nghiệp (DN) vẫn hoài nghi về mức độ khả thi của việc giảm lãi suất cho vay xuống từ 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lần này dường như đã khác khi đồng loạt các NH lớn nhỏ đều khẳng định họ đang sở hữu nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ lãi suất vay nếu DN đáp ứng đủ điều kiện.

Tiền không thiếu

Từ nay đến cuối năm, ABBank có dư nợ 2.000 tỷ đồng dành cho các hoạt động chính yếu hỗ trợ DN - Ảnh: Quý Hòa

Theo bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc NH An Bình (ABBank), hiện các NH vẫn đang gặp phải một số khó khăn như: mức lạm phát cao, huy động giảm, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng và một số biến động khác trên thị trường như giá vàng, giá USD tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc điều tiết lãi suất...

Nhưng trong hơn nửa đầu năm, hầu hết NH đã có thanh khoản tốt nên nguồn vốn dồi dào. Tương tự, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á (DongA Bank), cũng thừa nhận, các NH đang gặp khó khăn về huy động, hiện huy động của DongA Bank đang giảm hơn 20 tỷ đồng/ngày, nhưng do thanh khoản được cải thiện, cộng với sự dồi dào về nguồn vốn VND nên nay phần lớn các NH không ngại giảm lãi suất để hỗ trợ DN sản xuất.

Điều đó lý giải vì sao mức lãi suất cho vay trên toàn thị trường công bố giảm, trong đó gói vay cho nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 16 - 21%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18 - 22%/năm.

Trên thực tế khảo sát thị trường, lãi suất cho vay VND hiện nay phổ biến ở mức từ 20,5 - 22%/năm. Ví dụ, BIDV chính thức công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm so với mức lãi suất phổ biển trên thị trường.

Cụ thể, BIDV cho vay ngắn hạn không quá 18%/năm, trung dài hạn không quá 19%/năm; cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản tối thiểu 19%/năm đối với ngắn hạn và 19,5%/năm đối với trung dài hạn. Riêng các lĩnh vực thu mua nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, các DN nhỏ và vừa, BIDV dành 10.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi từ 15 - 17,5%năm.

Trong khi đó, Sacombank dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình “Cho vay VND ưu đãi đặc biệt” cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp - phát triển nông thôn vay với lãi suất ưu đãi từ 17 - 19%/năm.

ABBank triển khai chương trình tín dụng đặc biệt “Yên tài chính - Vững kinh doanh”, trong đó khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và DN tư nhân vay tiền sản xuất kinh doanh tại ABBank sẽ được giảm lãi suất 1,5%/năm.

ABBank cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, NH có dư nợ 2.000 tỷ đồng dành cho các hoạt động chính yếu như: cho vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn, tài trợ dự án trung dài hạn đối với DN, cho vay sản xuất kinh doanh trả góp đối với khách hàng cá nhân...

DongA Bank cũng dành 2.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực sản xuất. Theo ông Bình thì DongA có lịch trình giảm lãi suất từng tháng cho khách hàng mới và khách hàng tốt với lãi suất hợp lý nhất.

Tâm lý ngại vay VND

Dẫu rằng lãi suất cho vay đang giảm, nhưng khi được hỏi, dường như các DN vẫn chưa mặn mà việc vay VND. Một DN sản xuất ngành hàng may mặc xuất khẩu lý giải, trong khi cầu nội địa giảm đi, xuất khẩu lại tăng khá tốt với mức tăng +35,9% so với cùng kỳ năm trước, tương quan với mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng 23,5% trong khi tăng trưởng tín dụng tiền đồng chỉ tăng 3,3%.

Vì vậy, DN vẫn muốn vay USD vì nhu cầu vay ngoại tệ không hẳn dành cho việc xuất khẩu mà vì chênh lệch 12 - 14% giữa lãi suất vay USD và VND khi thị trường tiền tệ khá ổn định, các DN vẫn ưa chuộng vay USD hơn vay tiền đồng, tình trạng này tương đối giống với năm 2008.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, các NH đều đưa ra lời khuyên với DN là họ cần phải suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề này. Theo bà Hoa (ABBank), hiện các NH ưu tiên thực hiện cho vay với mức lãi suất 17 - 19% cho một số nhóm khách hàng thuộc khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu hay các DN nhỏ và vừa.

Lý do là các khu vực này là các khu vực gặp nhiều khó khăn nhất và cũng là các khu vực có nhu cầu lớn về vốn. Thông thường, các DN này đều muốn vay USD với lãi suất thấp hơn. Nhưng theo bà Hoa, khi lãi suất tiền đồng đang giảm, DN nên nghĩ đến chuyện vay VND để hạn chế được những rủi ro nhất định về tỷ giá.

Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam đã qua được giai đoạn khó khăn nhất của năm 2011 với những chỉ số tích cực và lãi suất vẫn đang tiếp tục được điều chỉnh giảm dần trong khi sức ép của tỷ giá hối đoái đang tăng lên vào cuối năm.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Bình nói rằng các DN đang “tính già hóa non” khi so sánh lãi suất vay của VND và USD. Bởi vì, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, nếu nay DN vay VND với lãi suất 19%/năm và USD là 9%/năm thì tính ra cả 2 khoản vay đều tương đương nhau, vậy vay tiền đồng sẽ đỡ lo hơn.

Lãi suất trong nước đang thực dương, hơn nữa nhu cầu về ngoại tệ luôn tăng đột biến vào cuối năm tỷ giá biến động là điều không thể tránh khỏi.

Trước nay, DN cho rằng vay lãi suất VND cao gấp nhiều lần so với USD là vì các DN đang nhìn vào con số thực mà không nhìn vào tính chu kỳ của dòng tiền.

Ví dụ, nếu DN vay VND kỳ hạn 6 tháng, thay vì chờ đến 6 tháng mới trả vốn lẫn lãi thì DN phải trả với lãi suất cao. Vậy tại sao DN không trả nợ theo chu kỳ, tức là vay 6 tháng nhưng 1-2 tháng bán được hàng, DN lấy tiền hàng trả một phần, sau đó khoản vay giảm, lãi suất cũng giảm thì chi phí tài chính thương vụ giảm xuống. Như vậy, nỗi lo về lãi suất vay VND của DN không còn mất quá nhiều thời gian để giải tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kén đồng, chọn đô”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO