Học thêm chữ “nhẫn”

P.V| 21/09/2012 06:20

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, sau nhiều lần thị trường suy giảm mạnh, giá cổ phiếu hiện nay được xem là “rất rẻ” để mua vào.

Học thêm chữ “nhẫn”

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, sau nhiều lần thị trường suy giảm mạnh, giá cổ phiếu hiện nay được xem là “rất rẻ” để mua vào. Cụ thể, chỉ số P/E ở các nước châu Á thường phổ biến từ mức 10 - 15 lần trong khi các mã blue chip của VN- Index có P/E từ 6 -10 lần, đồng thời rất nhiều mã cổ phiếu công ty nhỏ có P/E dưới 8, thậm chí dưới 5.

Cổ phiếu được đánh giá là có mức giá hợp lý nếu tỷ lệ giữa hệ số P/E và tăng trưởng thu nhập ở mức từ 1,0 trở xuống. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với các cổ phiếu Việt Nam được nhà quản lý quỹ phát hiện là 2/14 = 0,14, một con số cho thấy mức giá quá rẻ.

Một lợi thế khác của cổ phiếu Việt Nam là mức lãi cổ tức - tỷ lệ giữa cổ tức và thị giá cổ phiếu - rất cao. Mức lãi cổ tức 12% như đã nói ở trên là rất cao, nếu so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dưới 1% ở Mỹ hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại cho rằng nhiều cổ phiếu tưởng rẻ nhưng lại... đắt. Chẳng hạn, theo quan điểm cá nhân, Ths. kinh tế - ngân hàng Nguyễn Minh Phương cho rằng, trên 2 sàn, có khoảng 40 - 50 mã có P/E khoảng gần 12 và mức cổ tức so với giá cũng không hấp dẫn.

Hơn nữa, bản thân các cổ phiếu được gọi là blue chip dù vẫn giữ được giá hoặc có giảm đôi chút trong thời gian qua nhưng mức giá hiện tại cũng không hẳn là quá rẻ. Các mã nhỏ khác đang có P/E khá thấp nhưng chủ yếu là của doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, khả năng cạnh tranh kém, nên đầu tư những cổ phiếu dạng này rất rủi ro.

Ngoài ra, theo báo cáo của HSBC Việt Nam, tăng trưởng của Việt Nam đã giảm đáng kể dưới mức mong đợi khi nền kinh tế cố gắng thoát khỏi các khoản nợ xấu và những hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả. Khi các mức lãi suất cơ bản đã được cắt giảm, Ngân hàng Nhà nước vẫn khá e dè trong việc mạnh tay bơm nguồn vốn rẻ vào thị trường do sự ổn định giá cả vẫn được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, đang có một số dấu hiệu từ phía Chính phủ cho thấy sẽ có thêm nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh “những thất bại và sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước”.

Đó là chưa kể Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) mà HSBC đưa ra trong tháng 8 vẫn duy trì dưới mức trung bình 50 điểm. Kết quả hoạt động xuất khẩu vẫn chậm hơn những năm trước... những điều này thể hiện kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận mà doanh nghiệp đặt ra trong năm nay sẽ khó thực hiện, rõ ràng trong ngắn hạn thị trường đang chịu rủi ro giảm giá. Vì vậy, nếu chỉ xét chỉ tiêu P/E là chưa đủ và giá cổ phiếu Việt Nam không thực sự rẻ khi những yếu tố trên chưa được cải thiện trong thời gian tới.

Chưa kể, rõ ràng, thị trường chứng khoán đang bê bết nhất, khả năng huy động vốn liên tục giảm. Trên thị trường thứ cấp, các nhà đầu lớn bé, nội và ngoại đa phần là đang lỗ, thì cổ phiếu dù rẻ cũng không còn tiền để mua vào.

Trong trường hợp này, lời khuyên đưa ra cho nhà đầu tư vẫn là cần tuân thủ quy trình cắt lỗ và chỉ cân nhắc gia nhập khi thị trường có tín hiệu ổn định trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học thêm chữ “nhẫn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO