![]() |
Đến thời điểm này, người ta đã có thể lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước lại có những bước đi thận trọng như vậy trong việc đưa ra thời điểm có thể hạ lãi suất. Ai cũng biết hạ lãi suất là “giải cơn khát cho doanh nghiệp”, khiến người ta có khuynh hướng đầu tư thay vì tiết kiệm và vì thế nền kinh tế có cơ hội phát triển nhanh hơn. Vậy vì sao đến giờ lãi suất vẫn chưa giảm? Câu trả lời là chờ việc xử lý xong các ngân hàng yếu.
![]() |
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh minh họa |
Đến thời điểm này, người ta đã có thể lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước lại có những bước đi thận trọng như vậy trong việc đưa ra thời điểm có thể hạ lãi suất.
Ai cũng biết hạ lãi suất là “giải cơn khát cho doanh nghiệp”, khiến người ta có khuynh hướng đầu tư thay vì tiết kiệm và vì thế nền kinh tế có cơ hội phát triển nhanh hơn. Vậy vì sao đến giờ lãi suất vẫn chưa giảm? Câu trả lời là chờ việc xử lý xong các ngân hàng yếu.
Trên tinh thần Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 13/2, đúng ba ngày sau, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản xếp loại đến từng ngân hàng thương mại, cho biết họ sẽ được tăng trưởng tín dụng ra sao.
Các ngân hàng thuộc nhóm 1 được tăng trưởng tín dụng tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8%, còn nhóm 4 thì không được phép tăng trưởng.
Các ngân hàng thuộc nhóm cuối cùng này đều có tỷ lệ nợ xấu cao, hệ quả của việc tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, từ hàng chục đến cả trăm phần trăm ở những năm trước, đầu tư tràn lan vào chứng khoán, bất động sản và giờ không thu hồi được vốn.
Sau sáu tháng thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại chỉ tiêu để phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước không công khai danh sách ngân hàng nào thuộc nhóm nào nhằm giữ ổn định trong hệ thống, tránh những hệ lụy có thể tác động xấu với nền kinh tế.
Việc làm này chứng tỏ sự thiện chí đối với các ngân hàng trong nhóm 4, nhưng cũng buộc họ phải sớm tập trung vào tái cấu trúc và giải quyết vấn đề thanh khoản, nếu không muốn nhận hậu quả.
Thông tin này chỉ “mật” được một thời gian mà thôi, vì trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới, ban giám đốc các ngân hàng này không thể không thông báo với các cổ đông, trực tiếp hoặc gián tiếp qua chiến lược kinh doanh.
Nếu thông tin tiêu cực đó không đi kèm với một phương án cải tổ hợp lý và một kế hoạch “sáng nước” từ phía ban giám đốc nhằm đưa ngân hàng nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn, các cổ đông có thể sẽ thoái vốn, cổ phiếu của ngân hàng đó có thể bị bán tháo.
Điều đó nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngân hàng, tác động đến người gửi tiền, lại ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn, càng gây ra tình trạng mất thanh khoản...
Một kịch bản như vậy hoàn toàn có thể xảy ra, nên Ngân hàng Nhà nước phải sẵn sàng để xử lý các tình huống phát sinh nếu có, với nguy cơ cao nhất là căng thẳng thanh khoản đối với nhóm ngân hàng này.
Những ngân hàng nói trên chẳng có tài sản có giá để giao dịch trên thị trường mở, cũng chẳng vay được tiền trên thị trường liên ngân hàng khi các ngân hàng dư dả tiền mặt không tương trợ. Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra lựa chọn cách xử lý.
Nếu can thiệp, cách thứ nhất là đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng mạnh tiếp tục cho các ngân hàng yếu vay mới, nợ cũ tạm khoanh lại. Cách thứ hai, có thể phát hành tín phiếu bắt buộc đối với những ngân hàng mạnh để lấy tiền mặt hỗ trợ các ngân hàng yếu.
Song song những cách giúp trực tiếp ấy là những động thái gián tiếp qua phương tiện truyền thông, trấn an người dân hãy đặt niềm tin vào tính an toàn của toàn hệ thống.
Còn nếu muốn giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ để mọi chuyện diễn ra theo quy luật thị trường, các ngân hàng yếu phải tìm cách sáp nhập với nhau hoặc bị mua lại.
Người dân gửi tiền tiết kiệm phải tự tìm hiểu kết quả hoạt động kinh doanh, uy tín của ngân hàng mà mình chọn mặt gửi vàng. Nếu ngân hàng nào hoạt động yếu kém, người gửi tiền sẽ ngoảnh mặt và sẽ bị đào thải.
Các nước cũng vậy và chúng ta cũng vậy, người dân phải chấp nhận rủi ro nếu đặt niềm tin vào một ngân hàng yếu kém.
Và dù theo cách nào thì Ngân hàng Nhà nước vẫn cần thời gian để giải quyết dứt điểm việc tái cơ cấu ngân hàng, dần đưa hoạt động của hệ thống về với sự lành mạnh, tuân theo quy luật thị trường. Khi ấy, những bước đi nhằm hạ lãi suất mới được đưa ra.
Ý KIẾN CỦA BẠN