Giải pháp để ứng dụng fintech cho người thu nhập thấp

SONG ANH| 04/12/2018 09:40

Đang có những điều kiện tốt giúp người nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ tài chính trên nền tảng số (fintech).

Giải pháp để ứng dụng fintech cho người thu nhập thấp

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Ngân hàng Nhà nước, để triển khai rộng rãi dịch vụ này vẫn có những khó khăn không nhỏ.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người có thu nhập thấp?

- Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp thúc đẩy sự tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách toàn diện đến mọi đối tượng trong xã hội. Sản phẩm tài chính vi mô được cung cấp trên nền tảng số - một giải pháp cốt lõi hiện thực hóa tài chính vi mô ở Việt Nam theo chiến lược tài chính quốc gia mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng.

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Công ty MicroSave đã phát động Chương trình Đổi mới - Thực hiện - Tác động (gọi tắt là i3) với mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi người thu nhập thấp và trung bình. Chương trình i3 hy vọng sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Việt Nam hiện có tỷ lệ đăng ký sử dụng điện thoại vào loại cao với 145,8%, trong đó 84% người sử dụng điện thoại thông minh, gần 65% dân số ở trong vùng phủ sóng điện thoại. Hiện tại, các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm 89% thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam. Đó là những điều kiện tốt để giúp các nhóm đối tượng này tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

* Theo ông thì rủi ro từ việc cung cấp sản phẩm tài chính vi mô trên nền tảng số là gì?

Link bài viết

- Với đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người nghèo, người có thu nhập thấp, việc cung cấp sản phẩm tài chính vi mô trên nền tảng số sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đầu tiên, người nghèo phải có được điện thoại thông minh. Kế đến, chi phí cho hệ thống bưu chính viễn thông. Cuối cùng, người nghèo và người có thu nhập thấp phải được chỉ cách sử dụng app điện thoại thông minh. Nó đòi hỏi sản phẩm tài chính phải được thiết kế trên phầm mềm sao cho người dân dễ sử dụng.

Một điểm nữa, phải bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch với ngân hàng để tránh rủi ro trong quá trình người nghèo sử dụng phần mềm công nghệ tài chính. Do đó, cần trang bị kiến thức để những đối tượng này phòng chống tài khoản giải ngân bị tấn công, bị lấy trộm tiền. Rủi ro với người nghèo là rất lớn ngay cả khi số tiền ở mức nhỏ.

* Quá trình triển khai tài chính vi mô trên nền tảng số có thể gặp những trở ngại nào, thưa ông?

- Theo tôi, đầu tiên là vướng mắc ở cơ chế, chính sách. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện công nghệ tài chính, rà soát hành lang pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức cung ứng dịch vụ fintech. Họ sẽ cung ứng tốt nhất cho người nghèo vùng sâu vùng xa trong kênh số hóa này. Nhưng phát triển tài chính vi mô trên nền tảng số còn đòi hỏi sự đồng bộ của các bộ, ngành khác.

Ví dụ Bộ Tư pháp về giao dịch dân sự, Bộ Thông tin - Truyền thông về chia sẻ dữ liệu, Bộ Tài chính về thuế... Tất cả những vấn đề này đều phải được giải quyết một cách đồng bộ. Vướng mắc thứ hai là cơ sở dữ liệu quốc gia. Tới giờ, nước ta vẫn đang trong những bước ban đầu về cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có hai cơ sở rất quan trọng: cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu kinh tế của doanh nghiệp. Tất cả thông tin đó cần được chuẩn hóa để tạo thành cơ sở dữ liệu quốc gia theo chuẩn quốc tế.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, châu Âu đã chuẩn về Open API banking. Để kết nối, ngân hàng phải chia sẻ được thông tin qua fintech, tài chính vi mô cũng chia sẻ được qua fintech và chia sẻ cho cơ quan quản lý. Nhưng cách chia sẻ, mức độ chia sẻ đến đâu thì phải tính toán thật kỹ và phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt là bảo mật thông tin cá nhân.

* Vấn đề chia sẻ dữ liệu liên quan đến công nghệ tài chính được đề cập từ lâu, nhưng chưa xử lý được về căn bản. Theo ông, điều này tác động thế nào tới phát triển tài chính vi mô trên nền tảng số?

- Việc chậm xây dựng cơ sở dữ liệu, các quy chuẩn kết nối KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc) và chính sách cho phép chia sẻ sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của fintech, ảnh hưởng tới phát triển tài chính vi mô trên nền tảng số, cũng như mức độ số hóa của ngành ngân hàng. Hơn nữa, thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cũng sẽ gặp không ít khó khăn và thời gian có thể bị chậm lại.

Người ta đã nói nhiều về hai thách thức này nhưng tiến trình xử lý chậm. Tôi nghĩ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm số hóa tài chính của Chính phủ Malaysia. Họ đã mời chuyên gia, các đơn vị có liên quan tới thảo luận và viết ra ý tưởng chính sách, những việc cần làm. Sau đó đích thân thủ tướng giao các chỉ tiêu cụ thể cho các bộ trưởng và hạn định thời hạn phải hoàn thành. Nếu Việt Nam áp dụng phương thức này, tôi tin rằng tốc độ phát triển fintech ở Việt Nam sẽ tăng nhanh.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp để ứng dụng fintech cho người thu nhập thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO