Giải nhiệt tận gốc?

LÊ ĐĂNG LINH, CEO - LQI Investment| 29/04/2011 08:10

Với các biện pháp kiểm soát lạm phát đồng bộ như hiện nay, tín hiệu tốt chỉ có thể bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối quý II trở đi, khi tình hình dần đi vào ổn định và nền kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng từ các chính sách.

Giải nhiệt tận gốc?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quy định mới về quản lý ngoại tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ từ 4% lên 6% và áp trần lãi suất huy động ngoại tệ các kỳ hạn (kể cả các mức thưởng) là 3%.

Hiện tượng hiếm thấy đã xảy ra: NH niêm yết giá USD bán ra thấp hơn mức trần cho phép - Ảnh Quý Hòa

Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/4 và ngay lập tức khá đông người đã ra ngân hàng (NH) đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm. Tại sao NHNN lại ban hành quy định này, và nó tác động như thế nào đến nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?

Trước hết, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm 2% sẽ làm tăng chi phí vốn đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), do đó họ phải nâng lãi suất cho vay lên để có thể bù đắp chi phí vốn này.

Thế nhưng, NHNN lại quy định thêm về trần lãi suất huy động, nên các NHTM không thể tăng lãi suất cho vay lên quá cao. Hai chi tiết này mới nghe thì thấy có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra đều nhắm tới mục tiêu chung là hạn chế sự nắm giữ đồng USD trên thị trường.

Nhìn lại quý I và quý II/2010, hiện tượng vay USD nhiều hơn mức bình thường xuất hiện là do chính sách hỗ trợ lãi suất kết thúc. Vì vậy, từ cuối quý II trở đi, cầu USD tăng đột biến do nhu cầu trả nợ vay.

Thế nên, giảm cho vay USD trong quý I năm nay là tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế, đảm bảo được cung - cầu USD trong những quý còn lại của năm. Giải pháp này nhằm tạo sự ổn định từ ngoại hối, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Áp trần lãi suất huy động 3% là nhằm mục đích giãn khoảng cách giữa lãi suất ngoại tệ và nội tệ. Trước đây, lãi suất huy động nội tệ là 14%, lãi suất huy động ngoại tệ khoảng 5 - 6% thì gửi ngoại tệ sẽ có lợi hơn, bởi sự kỳ vọng tăng giá ngoại tệ (hay mất giá nội tệ) ở mức cao (điển hình là vừa qua phá giá gần 9,3% trong năm 2011).

Việc kéo lãi suất huy động ngoại tệ xuống đã làm tăng khoảng cách giữa hai loại lãi suất lên 11%, mà VND trong năm nay khó có thể mất giá tới 11% nên gửi VND sẽ có lợi hơn so với gửi USD.

Phản ứng với chính sách trên, theo giả định duy lý, thì các cá nhân hay doanh nghiệp sẽ tự động đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm hoặc sử dụng, bởi VND đã có giá trị hơn. Tuy nhiên, đối với người nắm giữ ngoại tệ có nhu cầu sử dụng USD trong tương lai, vẫn chưa xác định được họ có hành động như thế hay không.

Hiện tại, phải rất khó khăn mới mua được USD, do đó, người dân sẽ có xu hướng tự phòng thủ: bán một phần và gửi tiết kiệm một phần. Nhìn chung, chính sách này đã có tác động rất tích cực, đã được nhiều chuyên gia nhắc đến ngay từ năm 2010, nhưng cho đến nay mới có quy định chính thức từ phía các cơ quan quản lý.

Ở thời điểm này, thị trường ngoại hối chứng kiến hiện tượng hiếm thấy: các NHTM đồng loạt niêm yết giá USD bán ra thấp hơn mức trần cho phép từ 10 - 15 đồng. Tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối đột ngột đảo chiều, lượng cung ngoại tệ tăng đột biến và giá USD bán ra của các NH liên tiếp giảm và thấp hơn so với mức trần là một chuyển động mới đáng chú ý. Bên cạnh đó, việc rút giá USD mua vào thấp hơn tới 40 - 50 VND so với giá bán ra cũng một phần phản ánh trạng thái ngoại tệ tốt của các NH.

Và nguồn USD đổ về NH có nhiều hay không còn tùy thuộc vào cách thức quản lý. Thời gian qua, việc áp trần lãi suất huy động nội tệ 14% là không khả thi, bởi các NH luôn tìm cách vượt rào.

Chính vì thế, NHNN chỉ còn cách kiểm soát thật chặt hoạt động của các NHTM để củng cố lại niềm tin của người dân.

Như vậy, sẽ diễn ra sự dịch chuyển nguồn vốn trên thị trường. Dòng USD đổ vào nhiều hơn sẽ giúp NH bù đắp chi phí vốn do quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với USD.

Dòng VND được đổi ra từ USD có thể sẽ lại chảy vào NH dưới dạng tiết kiệm hoặc đổ sang những lĩnh vực khác.

Trong thời điểm hiện tại, với thị trường vàng im ắng, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, có thể kỳ vọng một dòng nhỏ luồng vốn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán. Dòng VND đổ vào NH nhiều hơn có thể hỗ trợ tốt thanh khoản cho các NH trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, với các biện pháp kiểm soát lạm phát đồng bộ như hiện nay, tín hiệu tốt chỉ có thể bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối quý II trở đi, khi tình hình dần đi vào ổn định và nền kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng từ các chính sách. Dòng tiền hiện vẫn nằm trong NH hoặc đổ vào các lĩnh vực sản xuất, chứ chưa đi vào các lĩnh vực tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải nhiệt tận gốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO