Giai đoạn của đầu tư giá trị

QUỲNH VŨ| 20/04/2013 06:22

Kết quả kinh doanh (KQKD) quý I/2013 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đang dần được hé lộ, nhiều đánh giá đưa ra là dòng tiền khả năng sẽ có sự phân hóa, chọn lọc giữa các nhóm ngành.

Giai đoạn của đầu tư giá trị

Kết quả kinh doanh (KQKD) quý I/2013 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đang dần được hé lộ, nhiều đánh giá đưa ra là dòng tiền khả năng sẽ có sự phân hóa, chọn lọc giữa các nhóm ngành.

Đọc E-paper

Các NĐT có xu hướng chọn các cổ phiếu tăng trưởng ổn định trong ngành hàng thiết yếu

Dòng tiền bị phân hóa

Bắt đầu từ cuối tháng 4/2013, KQKD và những phân tích dự báo KQKD quý I/2013 của các DN niêm yết sẽ bắt đầu được thông báo. Với mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn của quý I/2013, rõ ràng chưa thể kỳ vọng vào một kết quả hoạt động tích cực.

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo mới nhất của HSBC về tình hình sản xuất được thể hiện qua chỉ số mua hàng (PMI) tháng 3 đã tăng lên 50,8 điểm, cho thấy điều kiện sản xuất, kinh doanh mở rộng và cũng là mức cao nhất trong gần 2 năm. Con số này đồng thời cũng mở ra kỳ vọng lạc quan hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong những tháng sắp tới.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, mặc dù sản xuất có cải thiện, song nhìn vào KQKD quý I của một số DN, đa phần đều có vẻ kém khả quan, ngoại trừ một số nhóm ngành có nền tảng cơ bản tốt và không chịu tác động lớn từ khó khăn chung của nền kinh tế, như nhóm hàng tiêu dùng, tiện ích công cộng...

Nếu quan sát thị trường thì rõ ràng những cổ phiếu trụ cột đã bắt đầu xuất hiện. Bất kể sự giằng co nhẹ của chỉ số thị trường và xu hướng giảm diễn ra ở hầu hết cổ phiếu, một số nhóm ngành vẫn đạt được mức tăng điểm tốt so với diễn biến chung của hai sàn, điển hình là nhóm dầu khí (+15%), y tế (+13%), hàng tiêu dùng (8,2%) và công nghiệp (+7,2%)...

Trong buổi giới thiệu "Hệ thống giao dịch nâng cấp của HNX và nhận diện cơ hội đầu tư 2013", ông Hoàng Hồ Phú, chuyên viên phân tích của Công ty VPBS, khẳng định, thực tế sự tăng điểm ở các nhóm ngành này đều có sự đóng góp từ những cổ phiếu đầu ngành như GAS, PVD, VNM, GMD, MSN, HPG...

Diễn biến giá ở các nhóm cổ phiếu này cho thấy trong bối cảnh thị trường chứa đựng rủi ro cao, sự quan tâm của dòng tiền đang có sự dịch chuyển, hướng từ nhóm có tính đầu cơ cao sang nhóm cổ phiếu giá trị.

Ngoài ra, một số cổ phiếu trong nhóm này được xem là trụ cột và có khả năng chi phối lớn đến chỉ số thị trường. Do vậy, nhiều dự báo đưa ra là diễn biến ở nhóm cổ phiếu này sẽ tích cực trong tháng 4 và là yếu tố giữ nhịp thị trường.

Xuất hiện cổ phiếu trụ cột

Theo dự báo PMI, ngành thực phẩm vẫn sẽ duy trì tăng trưởng tốt (sản lượng và giá sẽ tăng theo lạm phát) và dự kiến, các công ty ngành ngày vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao với biên lợi nhuận gộp trên 30%.

Cụ thể, có rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho biết, thời gian qua, thị trường khó khăn nhưng họ vẫn thu được lãi từ cổ phiếu VNM từ việc hưởng cổ tức và chênh lệch giá.

Nhiều người nói rằng, thời điểm này mà bỏ vài tỷ đồng vào cổ phiếu là "liều lĩnh", nhưng giá của VNM vẫn đang tăng theo sự phát triển của Công ty (ngành sữa dự đoán có thể tăng sản lượng 8% trong năm 2013).

Tương tự, nhiều NĐT lựa chọn nắm giữ MSN mặc dù cổ phiếu này có thanh khoản khá thấp. Một số phiên gần đây khối lượng khớp lệnh chỉ trên dưới 50.000 cổ phiếu và cũng không thường xuyên nổi sóng. Tuy nhiên, năm 2013, ngành bánh kẹo dự kiến tăng 3%; thực phẩm (mì gói) tăng 3-5%... là cơ sở tốt để NĐT yên tâm xuống tiền.

Đứng ở lĩnh vực khác nhưng là mặt hàng thiết yếu nên dường như GAS đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Lấy số liệu giao dịch ngày 4/4, GAS khớp hơn 1,3 triệu cổ phiếu. Trong phiên này, NĐT nước ngoài mua vào gần 105.000 cổ phiếu và bán ra 285.000 cổ phiếu, tổng lượng mua và bán xấp xỉ 400.000 cổ phiếu, chiếm khoảng 30% tổng giao dịch.

Còn trong phiên giao dịch ngày 12/4, KDC và GAS tiếp tục là hai cổ phiếu được khối ngọai mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 9 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng. Số liệu này cho thấy thanh khoản của GAS hiện đang đạt mức cao.

Có thể nói, không chỉ NĐT tổ chức mà cả NĐT cá nhân ngày càng tỉnh táo trong việc lựa chọn cổ phiếu. Họ không còn chạy theo giá cổ phiếu rẻ hoặc đánh theo nhóm mà có xu hướng lựa chọn những cổ phiếu có tăng trưởng ổn định và nằm trong nhóm ngành hàng thiết yếu.

Mọi lựa chọn đều tốt nhưng ở thời điểm này, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều lời khuyên về vấn đề này. Vì nếu thống kê chi tiết thì phần lớn các cổ phiếu trụ cột hiện nay đều thuộc nhóm cổ phiếu có vốn hóa thị trường cao. Dù thuộc nhóm ổn định nhưng dễ thấy các loại cổ phiếu này chỉ phù hợp với các NĐT tổ chức thay vì cá nhân.

Ví dụ, một NĐT cá nhân bỏ khoảng 6 tỷ đồng để mua 100.000 cổ phiếu GAS, thì chỉ cần 2 phiên "nằm sàn" (giảm 7% mỗi phiên) cũng "bay hơi" ngót nghét 1 tỷ đồng, trường hợp sử dụng margin thì còn nặng hơn. Liệu rằng các NĐT cá nhân có đủ bình tĩnh và tự tin đợi khi cổ phiếu giảm về đáy, gom hàng lại rồi đánh lên như các NĐT tổ chức để hạn chế rủi ro hay không là vấn đề đáng để quan tâm lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giai đoạn của đầu tư giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO