Dòng tiền ngập ngừng

HÀ LINH| 15/05/2013 08:34

Lãi suất giảm mạnh, khối lượng giao dịch tuần qua tăng rất cao khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) vội kỳ vọng vào sự bật dậy của thị trường chứng khoán.

Dòng tiền ngập ngừng

Lãi suất giảm mạnh, khối lượng giao dịch tuần qua tăng rất cao khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) vội kỳ vọng vào sự bật dậy của thị trường chứng khoán.

Đọc E-paper

Sự gia tăng của hàng loạt cổ phiếu chủ chốt lẫn cổ phiếu nhỏ đã giúp chỉ số VN-Index ngày 6/5 tăng một mạch gần hơn 13 điểm, bất chấp ba tuần giao dịch ảm đạm kể từ giữa tháng 4. Thanh khoản hai sàn vượt 1.300 tỷ đồng trong phiên hôm đó.

Tưởng như đà tăng sẽ được duy trì dễ dàng nhưng sự thận trọng của rất nhiều NĐT, bao gồm cả trong nước và ngoài nước, được cho là nguyên nhân khiến VN-Index cuối tuần quay đầu rơi trở lại mà gần như không có lý do. Không ít NĐT nhảy vào thị trường trong tuần trước và đầu tuần này nhiều người lo ngại có nguy cơ lỗ nặng.

Diễn biến giảm nhanh của chứng khoán cùng với điều chỉnh thanh khoản sẽ khiến nhiều NĐT sốc bởi nó hoàn toàn khác với nhận định của rất nhiều người về một đợt tăng giá "khó tránh khỏi" của thị trường trong bối cảnh các kênh đầu tư khác èo uột.

Thậm chí, nhiều chuyên gia, nhiều công ty chứng khoán cách đây vài tuần còn nhận định chứng khoán sẽ hưởng lợi từ các chính sách mới của Chính phủ như giảm lãi suất, thành lập công ty VAMC, kích cầu bất động sản, dự tính nới room...

Như vậy, diễn biến thị trường tuần qua là đầu cơ hay đầu tư không có ranh giới rõ ràng. Một số phiên giao dịch như phiên cuối tuần ngày 7 và 8/5, tưởng chừng lực bán ra có thể đẩy thị trường sụt giảm nhưng không lâu sau đó lại được mua vào, một số cổ phiếu từ nằm sàn chuyển sang tăng trần.

Thanh khoản HSX ngày 8/5 vọt lên 1.164 tỷ đồng với hơn 63,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhiều cổ phiếu sau thời gian dài "vật vờ" lại đột ngột tăng mạnh trở lại, không chỉ cổ phiếu lớn, nhiều cổ phiếu nhỏ cũng đã tăng trần bất ngờ như: SCL (trần 7 phiên), AME (trần 6 phiên), PNC (trần 6 phiên), PVR (trần 4 phiên), SAV (trần 4 phiên).

Thậm chí, đến sáng 8/5, những cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát trước đó như SCL, PNC, SAV vẫn tiếp tục tăng, gia nhập nhóm chỉ hơn 20 mã tăng trần trên cả hai sàn.

Thị trường đang có quá nhiều diễn biến khó lý giải. Nhiều khi đầu tư có thể chuyển thành đầu cơ nếu giá lên nhanh và NĐT muốn chốt lời sớm.

Nhìn vào khối lượng giao dịch trên thị trường hiện nay, dễ dàng nhận thấy NĐT nước ngoài và NĐT cá nhân đang tích cực tham gia thị trường. Giao dịch thỏa thuận ngày 8/5 là một minh chứng, chỉ tính riêng giao dịch thỏa thuận đạt gần 26 triệu đơn vị, giá trị 608 tỷ đồng.

Trong đó, EIB giao dịch thỏa thuận 18,7 triệu đơn vị ở mức giá trần 15.800 đồng/cổ phiếu. MSN cũng giao dịch thỏa thuận 1,67 triệu đơn vị, giá trị 180 tỷ đồng. STB cũng có lượng giao dịch khủng trong tuần vừa qua. Theo giới phân tích chứng khoán, có nhiều nguyên nhân để lý giải việc NĐT trở lại thị trường.

Thứ nhất, một bộ phận quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đang chịu áp lực phải thu hồi vốn, khối này trong ngắn hạn vẫn chú trọng cân bằng giữa mua và bán để thu về lợi nhuận.

Thứ hai, khi thị trường sôi động, NĐT cá nhân thường có thói quen, lướt sóng, thì việc sẵn sàng vay tiền để mua cổ phiếu sẽ xuất hiện. Chính sự phấn khích này giúp thị trường hình thành nên cục diện mới và các NĐT cũng thể hiện kỳ vọng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cho dù vẫn được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhất trong thời buổi hiện nay, nhưng chứng khoán vẫn đi xuống, đặc biệt thanh khoản có dấu hiệu tăng không lý do. Bởi vấn đề thanh khoản còn liên quan tới niềm tin.

Hơn nữa, để các thị trường hồi phục, điều quan trọng có lẽ nằm ở thanh khoản. Có thanh khoản thị trường sẽ ổn định và đi lên. Tuy nhiên, thanh khoản hiện nay đang rất tốt thì giá chứng khoán lại đi xuống. Việc quyết định đầu cơ giá rẻ trong bối cảnh nhiều người không quan tâm tới sản phẩm đó, ít người muốn bỏ tiền ra... có thể dẫn tới thua lỗ.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Mở TP.HCM, chia sẻ: "Hiện vẫn có một bộ phận không nhỏ các NĐT kiên nhẫn chờ đợi thị trường phục hồi, cùng một lượng tiền lớn đang chờ đợi kênh đầu tư sẵn sàng tiếp tục tham gia nếu nhìn ra cơ hội. Vì vậy trong ngắn hạn, việc dòng tiền trên thị trường tiếp tục tăng mạnh là có thể xảy ra. Nhưng vấn đề bền vững hay không cần phải xem xét kỹ lưỡng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng tiền ngập ngừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO