Đồng nhân dân tệ đang bị thao túng?

LÊ PHAN| 05/07/2018 03:33

Đang có những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc cố tình làm yếu đồng tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu để phần nào hạn chế thiệt hại do xung đột thương mại Trung - Mỹ.

Đồng nhân dân tệ đang bị thao túng?

Ảnh: China Photos/Getty Images

Về cơ bản, đồng nhân dân tệ (CNY) yếu sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn trên thương trường quốc tế. Chính vì vậy, đang có những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc cố tình làm yếu đồng tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu để phần nào hạn chế thiệt hại do xung đột thương mại Trung - Mỹ.

Từ giữa tháng 6 đến nay, nhân dân tệ liên tiếp giảm giá trên thị trường quốc tế so với đô la Mỹ (USD). Cụ thể, tỷ giá USD/CNY đến ngày 29/6 là 6,635, tăng gần 4% so với ngày 14/6.

Theo đó, đồng nhân dân tệ so với đầu năm đã giảm giá gần 2,5% so với đô la Mỹ, sau giai đoạn tăng trưởng từ cuối năm 2017 cho đến tháng 5 năm nay. Cần lưu ý là chỉ riêng trong tuần trước, CNY đã giảm đến 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua so với đô la Mỹ.

BOX31-6985-1530597536.jpg

Bên nới lỏng, bên thắt chặt

Có nhiều nguyên nhân gây áp lực lên đồng nhân dân tệ trong giai đoạn gần đây. Đầu tiên là rủi ro thương chiến sau khi Mỹ quyết định áp hàng rào thuế quan lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố có thể áp thuế bổ sung lên đến 400 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nếu nước này vẫn còn tìm cách trả đũa Mỹ. Rõ ràng, với hàng rào thuế quan mới sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại nghiêm trọng.

Chứng khoán Trung Quốc đã liên tiếp giảm mạnh trong những ngày qua. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã rơi một mạch từ 3.080 ngày 12/6 xuống 2.876 điểm vào ngày 28/6, đánh dấu mức giảm mạnh hơn 6,6% chỉ trong vòng 3 tuần.

Link bài viết

Cần lưu ý là so với mức đỉnh cao 3.560 điểm đạt được vào cuối tháng 1, chỉ số này đã giảm gần 20% và theo nhiều nhà phân tích, đó là dấu hiệu cho thấy chứng khoán Trung Quốc đã chính thức rơi vào thị trường con gấu, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi đại lục và do đó càng gây áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn cũng giúp đồng USD tăng giá. Cuộc họp giữa tháng 6 vừa qua, FED đã tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ hai và cho biết sẽ có đến 4 lần tăng trong năm nay, thay vì 3 lần như kế hoạch ban đầu. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã có lúc vượt mốc 95 điểm và tăng gần 7% so với mức thấp vào giữa tháng 4 vừa qua.

Đối lập với chính sách của FED thì Ngân hàng nhân dân Trung Hoa (PBoC) lại nới lỏng tiền tệ. Hôm 24/6, PBoC thông báo sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản, tương đương 0,5% lượng tiền mặt được coi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của một số ngân hàng nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nhỏ.

Theo đó, việc cắt giảm RRR của các ngân hàng sẽ giải phóng được khoảng 500 tỷ nhân dân tệ, tương đương 77 tỷ USD tại 5 ngân hàng lớn của nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần quốc gia, đồng thời khoảng 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 30 tỷ USD của các ngân hàng vừa và nhỏ. Được biết đây là lần thứ ba PboC cắt giảm RRR trong năm nay.

Hệ quả

Về cơ bản, đồng nhân dân tệ yếu sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn trên thương trường thế giới. Chính vì vậy, đang có những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc cố tình làm yếu đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, phần nào hạn chế thiệt hại từ xung đột thương mại với Mỹ.

Đây không phải là luận điểm không có cơ sở, khi mà Trung Quốc từ trước đến nay luôn gắn liền với tai tiếng thao túng tiền tệ, cố tình định giá đồng nhân dân tệ yếu.  Đơn cử như hồi giữa tháng 8/2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và phá giá nhân dân tệ lên đến 4,8% chỉ trong vòng 3 ngày.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu để đồng nhân dân tệ giảm quá mạnh sẽ kích hoạt thêm dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế Trung Quốc - điều từng xảy ra trong năm 2016 và 2017.

Nếu để đồng nhân dân tệ giảm sâu sẽ khiến chính quyền Trump càng có thêm cơ sở cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và sẽ trừng phạt nước này không chỉ về thương mại. Chẳng những vậy, các khoản nợ nước ngoài tính theo USD của chính quyền và các công ty Trung Quốc cũng tăng mạnh khi nhân dân tệ bị mất giá mạnh.

Nếu như Trung Quốc cố tình phá giá đồng tệ như là một vũ khí trong thương chiến với Mỹ thì có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ khi mà các nước khác cũng có thể có chính sách tương tự.

Tiền đồng trong 6 tháng qua vẫn khá ổn định so với USD khi mất giá chưa đến 1% là điều tích cực, tuy nhiên cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ít nhiều giảm sức canh tranh, đặc biệt là khi so sánh với hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, rủi ro nhập siêu với Trung Quốc có thể trầm trọng thêm trong tình hình nhân dân tệ bị mất giá mạnh như thời gian qua. Điều này về lâu dài có thể buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá tương tự để tránh việc tiền đồng tăng giá quá mạnh so với nhân dân tệ.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực là nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm giá mạnh trong khi tiền đồng vẫn giữ được sự ổn định so với đô la Mỹ, thì dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng nhân dân tệ đang bị thao túng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO