Doanh nghiệp niêm yết: Nặng vốn, nhẹ tăng trưởng

LÂM ANH| 09/03/2016 08:40

Quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã phục hồi, nhưng lãi suất vay dự báo tăng trở lại khiến không ít DN lo lắng.

Doanh nghiệp niêm yết: Nặng vốn, nhẹ tăng trưởng

Quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã phục hồi, nhưng lãi suất vay dự báo tăng trở lại khiến không ít DN lo lắng. 

Đọc E-paper

Tỷ lệ nợ/VCSH giảm

Sau khi giảm mạnh trong năm 2011 và 2012, quy mô tài sản hoạt động của các DNNY đã bắt đầu tăng tốc nhẹ từ năm 2013. Sang năm 2015, khó khăn từ bên ngoài khiến tăng trưởng doanh thu của DN giảm mạnh từ mức 15% năm 2014 xuống còn 6% trong năm 2015.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu (VCSH) tăng trưởng mạnh (2015: 25%) đã giúp tổng tài sản đạt mức tăng trưởng nhanh hơn (2015: 17%).

Tuy nhiên, do khó khăn kéo dài, thời gian qua các DNNY phải hạ tỷ lệ đòn bẩy nên hiệu quả sinh lời thấp. Cụ thể, việc thúc đẩy tăng trưởng quy mô tài sản thông qua tăng trưởng vốn chủ sở hữu khiến tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn) chưa thể lấy lại như cũ.

Làn sóng tăng vốn trong giai đoạn cuối năm 2014 - 2015 khiến ROE bình quân chỉ cải thiện nhẹ so với mức đáy năm 2013 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn trước đó.

Tỷ lệ ROA (lợi nhuận trên tài sản), ngược lại, vẫn duy trì xu hướng phục hồi nhẹ từ mức đáy năm 2013 (5,3%) lên mức 6,1%, cao hơn thành quả của năm 2012. Đồng thời, tỷ lệ biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay hầu như chỉ biến động nhẹ trong khoảng 11 - 12%.

Điều này cho thấy, áp lực tài chính đã giảm đáng kể so với năm 2012. Cụ thể, sau giai đoạn căng thẳng vì chi phí lãi vay 2011 - 2012, hầu hết DN đều đã giảm mạnh mức sử dụng đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ nợ/VCSH đã giảm mạnh, từ mức 1,43x (2011) xuống còn khoảng 1,1x (2015).

Đồng thời, xu hướng lãi suất cho vay giảm (nhờ thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện và các gói hỗ trợ lãi suất của nhà điều hành), chi phí lãi vay của DN giảm mạnh. Từ mức trung bình 8,5% trong năm 2011, chi phí lãi vay toàn ngành chỉ còn khoảng 5,5% trong năm 2015 và chiếm hơn 16% trong tổng chi phí (2011: 25,6%).

Nhờ sự cộng hưởng của các yếu tố trên, áp lực tài chính đã giảm đáng kể sau nhiều năm.

Chênh lệch giữa tỷ lệ EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay)/VCSH và ROE (với thuế suất thuế thu nhập đã giảm dần trong các năm qua, tỷ lệ này càng thấp cho thấy gánh nặng chi phí lãi vay càng được giảm nhẹ) tính đến nay đã giảm hơn ba điểm phần trăm từ mức đỉnh 7,4% vào năm 2013.

Khả năng chi trả lãi vay cũng cải thiện mạnh, từ mức 3,84x năm 2012 lên 6,14x trong năm 2015.

Qua khảo sát sơ bộ bên trên có thể thấy, tác động tổng hợp của việc giảm lãi suất và đòn bẩy đã phần nào giảm áp lực nợ vay cho các DN trong các năm vừa qua.

Trước áp lực này, DN đã chủ động tìm kiếm vốn tài trợ từ thị trường vốn nhiều hơn, giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cũng như sự phụ thuộc vào khối ngân hàng.

Trong điều kiện ngành ngân hàng đang trong giai đoạn ổn định hoạt động, nếu xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới sẽ giảm bớt áp lực về thanh khoản cho hệ thống đồng thời làm chậm lại xu hướng tăng lãi suất.

Áp lực về lãi suất chưa mất

Tuy nhiên, những điều trên mới chỉ là kỳ vọng, còn hiện tại, các chỉ tiêu sinh lời của các DNNY trên thực tế chưa có sự chuyển biến khả quan. Bên cạnh đó, tỷ lệ EBIT/Tổng nguồn vốn trong năm 2015 chỉ đạt khoảng 8,7%, giảm nhẹ so với năm 2014 và chỉ cao hơn chi phí lãi vay trung bình năm 2015 khoảng 3,2 điểm phần trăm).

Hàm ý rằng "sức khỏe" của DN dù đã phục hồi từ giai đoạn khó khăn 2011 - 2012 nhưng vẫn chưa ổn định. Do vậy, nếu lãi suất cho vay tiếp tục tăng, gánh nặng chi phí lãi có thể quay trở lại.

Và nỗi lo lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại đã đến rất gần, thậm chí dự đoán sẽ xảy ra ngay trong quý II/2016 khi lãi suất huy động đang tăng khá mạnh.

Đơn cử, làn sóng tăng lãi suất huy động đã lan rộng khi cuối tháng 2/2016 thị trường ghi nhận hầu hết các ngân hàng đã thay bảng niêm yết lãi suất mới, tăng 0,1 - 0,2%/năm tùy theo từng kỳ hạn.

Cuộc đua lãi suất lần này được khởi phát từ cuối năm 2015 khi một loạt các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất. Theo đó, Sacombank tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,2 - 0,3%/năm cho một số kỳ hạn ngắn...

Theo một số nhà phân tích, xu hướng nhu cầu vốn cuối năm của DN tăng cao để mua sắm nguyên liệu, trả lương, thưởng..., nên lãi suất tăng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, sau Tết, xu hướng lãi suất tăng vẫn tiếp tục. Ngay từ cuối tháng 2/2016, Eximbank đẩy lãi suất huy động lên cao ở các kỳ hạn; mức cao nhất là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,4%/năm so với trước đó.

Điều này chứng tỏ xu hướng tăng lãi suất cho vay đã quay trở lại, cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẳng định điều này sẽ không xảy ra.

Ví dụ, trong tháng 2/2016, NHNN đã có Chỉ thị số 01, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD.

Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của NHNN về thu phí cho vay của TCTD đối với khách hàng... Tuy nhiên, thời gian qua lãi suất huy động tăng cũng đồng nghĩa khó lòng giảm lãi suất cho vay.

Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực vận tải tâm sự, qua tìm hiểu từ một cán bộ tín dụng ngân hàng thì lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất huy động đầu vào cho khoản vay cộng với một mức khoảng 3 -4,5%/năm, tùy từng điều kiện vay cụ thể.

Nhìn chung, vốn được xem là những đại diện có chất lượng tốt nhất của nền kinh tế. Khi mà những đại diện có chất lượng tốt nhất vẫn chưa đủ sức chịu đựng lãi suất cao hơn, có thể thấy thực trạng của nhóm còn lại có thể còn khó khăn hơn nhiều.

Do vậy, việc cạnh tranh huy động bằng lãi suất, đồng thời tăng lãi suất cho vay cần được các ngân hàng cân nhắc thận trọng. Việc vội vã tăng lãi suất vượt khả năng chịu đựng của DN có thể khiến tình trạng nợ xấu vừa bớt xấu đã có thể xấu trở lại.

>Tín hiệu vui từ doanh nghiệp niêm yết

>4 tiêu chí đánh giá hiệu quả việc niêm yết

> Ngân hàng niêm yết vào năm 2015: Có đúng lộ trình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp niêm yết: Nặng vốn, nhẹ tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO