Dịch vụ tài chính công: Phải số hóa dữ liệu và thanh toán không dùng tiền mặt

27/06/2009 07:34

Hơn 80% thông tin dữ liệu của Việt Nam hiện nay được xây dựng dưới dạng nội dung thông tin phi cấu trúc. Do vậy, muốn có được một cơ sở sữ liệu (CSDL) dùng chung thì việc số hóa các tài liệu này phải được thực hiện trước.

Dịch vụ tài chính công: Phải số hóa dữ liệu và thanh toán không dùng tiền mặt

Hơn 80% thông tin dữ liệu của Việt Nam hiện nay được xây dựng dưới dạng nội dung thông tin phi cấu trúc. Do vậy, muốn có được một cơ sở sữ liệu (CSDL) dùng chung thì việc số hóa các tài liệu này phải được thực hiện trước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp thanh toán, thu chi ngân sách không dùng tiền mặt cũng là đích hướng tới của dịch vụ tài chính công. TS Trần Minh, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số (VPMNDS) Việt Nam khẳng định như vậy tại hội thảo “Giải pháp số hóa thông tin và CSDL cho phát triển các dịch vụ tài chính công” vừa diễn ra sáng nay, 23/6/2009, tại Hà Nội.

Số hóa phải giữ được bảo mật và tính pháp lý

Theo ông Trần Minh, có 2 giải pháp để tạo lập các văn bản số hóa. Một là sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản (chủ yếu là Microsoft Office) để tạo lập và lưu trữ nội dung văn bản trong các tài liệu (đuôi text, excel, ppt, doc…). Hai là sử dụng bất cứ công cụ soạn thảo nào để tại lập văn bản, in ra giấy sau đó dùng máy quét để số hóa. Ngoài ra cũng có một số giải pháp trung gian khác như nhận dạng ảnh khuôn dạng văn bản, chuyển đổi văn bản…

Khuôn dạng văn bản thường ở dạng ảnh PDF hoặc TIFF. Để dễ dàng trao đổi các văn bản số hóa dạng ảnh được thuận tiện, cần phải tạo ra và gửi kèm các thông tin văn bản như tên văn bản, tác giả, ngày ban hành, số hiệu…Các thông tin này được gọi là siêu dữ liệu (metadata) về văn bản.

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính: "Số hóa văn bản là việc rất quan trọng khi xây dựng hệ thống CSDL quốc gia và CSDL ngành"

Ông Trần Minh cho biết, số hóa văn bản phải chú ý 5 vấn đề chính: Một là chi phí - chi phí không nằm ở phần mềm mà ở xử lý tài liệu, trích xuất thông tin…Hai là phải có đội ngũ chuyên gia giỏi bởi chính việc thiếu các chuyên gia giỏi hướng dẫn là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án CNTT thất bại (việc cài đặt phần cứng phần mềm chỉ là bước đầu của công việc chuyển giao công nghệ, công tác vận hành việc số hóa tài liệu sẽ mất rất nhiều thời gian, do vậy đội ngũ kỹ thuật phải được đào tạo bài bản là cần thiết).

Ba là tính bảo mật và pháp lý của tài liệu ảnh - văn bản số hóa phải đảm bảo được tính an toàn hệ thống, tính toàn vẹn thông tin và tính pháp lý của các văn bản được trích xuất, sử dụng. Bốn là số hóa văn bản không quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp công nghệ, giải pháp, cần đa dạng nhiều giải pháp số hóa trên các chuẩn mở. Năm là chi phí bản quyền sử dụng văn bản số hóa và những phí phát sinh trong sử dụng…

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thừa nhận: Số hóa văn bản là việc rất quan trọng khi xây dựng hệ thống CSDL quốc gia và CSDL ngành. Việc chuẩn hóa, bảo mật toàn vẹn dữ liệu và tính pháp lý của văn bản số hóa tiến tới sử dụng rộng rãi loại hình tài liệu thông tin này tại một quốc gia có thói quen dùng giấy tờ như Việt Nam là cả một quá trình. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu của thế giới, hơn nữa, chỉ khi xây dựng được hệ thống CSDL dùng chung đủ mạnh (mà nền tảng khởi đầu là việc số hóa dữ liệu) thì chúng ta mới có thể nói đến dịch vụ công, chính phủ điện tử như mong đợi…

Thiết bị điểm bán: Đẩy mạnh thanh toán và quản lý thuế

NetPOS là thiết bị phần cứng chuyên dụng phục vụ quản lý thông tin cho các điểm bán hàng, khu du lịch, nghỉ mát…Điểm khác biệt của NetPOS là khả năng hoạt động độc lập, thanh toán nhanh, có khả năng kết nối (online và offline) để thiết lập hệ thống dữ liệu, giao diện thân thiện và đặc biệt dữ liệu trích xuất và chứng từ thanh toán có thể được công nhận như một hóa bán hàng và có giá trị pháp lý trước cơ quan thuế.

Cũng tại hội thảo, Viện PMNDS cho ra mắt 3 thiết bị điểm bán hàng/dịch vụ (NetPOS); máy tính mạng văn phòng (Office NetPC) và máy tính mạng y tế (healthcare NetPC). Trong đó, thiết bị điểm bán đang được kỳ vọng sẽ là tiền đề để ngành thuế có thêm một kênh thông tin kiểm soát được giá trị trao đổi hàng hóa của địa phương, kênh thu thuế mới đối với khu vực kinh doanh bán lẻ.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM năm 2008, chỉ 5% số thu của thành phố được đóng góp bởi hệ thống bán lẻ, tuy nhiên, thị phần của khu vực này đang một tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, bên cạnh việc thu thuế của các DN lớn, Cục Thuế TP.HCM rất quan tâm đến khu vực kinh doanh dịch vụ khi mà tiền thuế thất thu từ khu vực này hàng năm không hề nhỏ. "Việc áp dụng hệ thống máy tính tiền tự động không chỉ giúp khách hàng có thêm một kênh thanh toán mà còn hỗ trợ ngành thuế có thêm một kênh quản lý, thêm nguồn thu ngân sách, và doanh nghiệp có điều kiện thúc đẩy kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hơn", ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện PMNDS Việt Nam nhấn mạnh. 

Ông Đặng Đức Mai cho biết thêm, hiện các DN đang sử dụng đồng thời 3 loại hóa đơn: hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử và hóa đơn in sẵn. Trong khi đó, theo quy định về thu chi ngân sách và thanh toán của các DN hiện nay thì các khoản có giá trị trên 200.000 đồng đều bắt buộc phải có hóa đơn; những giao dịch trên 20 triệu đồng nhất thiết không được dùng tiền mặt.

Nghị định mới về việc thu chi, thanh toán không dùng tiền mặt sắp được Chính phủ sắp ban hành cũng quy định cho phép DN tự in hóa đơn và hoàn thành chịu trách nhiệm việc in, phát hành, sử dụng cũng như các vấn đề pháp lý liên quan. Chính vì vậy, các DN càng cần nhanh chóng cân nhắc và sớm quyết định việc áp dụng hệ thống tính tiền thông minh NetPOS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dịch vụ tài chính công: Phải số hóa dữ liệu và thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO