Đẩy tín dụng vào thị trường nóng: Rủi ro tăng cao

SONG ANH thực hiện| 19/10/2017 08:03

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói, việc đưa 600.000 tỷ đồng vào lưu thông để đạt tăng trưởng tín dụng 21% sẽ dẫn đến hệ lụy cho nền kinh tế.

Đẩy tín dụng vào thị trường nóng: Rủi ro tăng cao

* Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy tín dụng đạt tăng trưởng 21%. Theo ông thì con số phần trăm ấy có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước có lẽ đã "chiều theo ý” của Chính phủ nên đề ra chỉ tiêu tăng tín dụng lên 21% để thúc đẩy tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Trong bối cảnh bội chi ngân sách tăng cao, hơn ai hết, Ngân hàng Nhà nước hiểu rất rõ những rủi ro khi tăng tín dụng lên mức 21%.

Trong nền kinh tế có hai loại doanh nghiệp: yếu và mạnh. Doanh nghiệp yếu cần vốn của ngân hàng, nhưng vòng quay vốn rất chậm do lợi nhuận thấp. Vì vậy, rủi ro cho doanh nghiệp yếu vay vốn lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp mạnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mạnh không cần vốn của ngân hàng, thậm chí ngân hàng còn phải vay lại các doanh nghiệp có lượng tiền gửi lớn. Thành ra, khi tăng chỉ tiêu lên 21%, ngân hàng có thể đẩy tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Như vậy, chỉ tiêu 21% có thể đạt được nhưng giá phải trả là nợ xấu phát sinh.

* Theo ông, nền kinh tế có khả năng hấp thụ lượng tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy không?

- Việc hấp thụ lượng tiền đó, với các ngân hàng không thành vấn đề, bởi vì nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng. Thế nhưng, đẩy nhanh tín dụng vào nền kinh tế, cụ thể là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán sẽ nhận được lượng tín dụng lớn nhưng nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng là cần thiết để phát triển kinh tế vì khi nguồn vốn đổ vào tín dụng, các thành phần kinh tế sử dụng vốn đó để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bất cứ khi nào tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn thì đều coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng.

Cơn địa chấn tài chính bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ từ tháng 7/2007 đã kéo nền kinh tế nước này và nhiều quốc gia trên thế giới vào khủng hoảng. Việt Nam cũng đã có bài học nhãn tiền từ vấn đề này, khi đẩy lượng lớn tín dụng vào bất động sản đã tạo ra bong bóng, gây nợ xấu từ năm 2008 đến 2014, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

* Ông có thể nói cụ thể?

- Ít nhất có ba tác động: lạm phát, đẩy lãi suất huy động lên cao hơn và thêm rủi ro tín dụng từ hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Đẩy tín dụng lên tới 21% trong bối cảnh 9 tháng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 11% có thể làm tăng lạm phát. Muốn đạt chỉ tiêu 21% phải tăng thêm 10% tổng dư nợ tín dụng, đồng nghĩa với việc ba tháng cuối năm phải đưa 200.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.

Để đạt được chỉ tiêu tín dụng, bất động sản, lĩnh vực kinh tế hấp thụ vốn rất lớn và nhanh, sẽ là "miếng mồi ngon" với ngân hàng, bởi không có tài sản bảo đảm nào tốt hơn, có tính thanh khoản lâu dài hơn bất động sản. Cho vay sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải có phương án giải ngân theo tiến độ, nên thời gian giải ngân phải cần tới một năm. Nhưng với cho vay bất động sản thì khác, một chung cư có thể ngay lập tức được giải ngân.

Tín dụng bất động sản sẽ vào thị trường sơ cấp và thứ cấp. Các ngân hàng có thể cấp tín dụng cho người mua bất động sản, kể cả các nhà kinh doanh bất động sản. Như vậy, mỗi ngân hàng có thể tạo nên vài chục, vài trăm tỷ đồng cho vay bất động sản trên thị trường thứ cấp. Với thị trường chứng khoán cũng tương tự như vậy.

Khi các ngân hàng đẩy nhanh tín dụng như thế thì họ phải huy động vốn. Trong 9 tháng của năm 2017, huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Như vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn để tài trợ cho tín dụng. Tăng lãi suất là rủi ro cho nền kinh tế, nợ xấu sẽ tăng. Tăng lãi suất thì doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt hại nhiều nhất.

Hết quý III, tăng trưởng GDP đã đạt 7,46%. Như vậy, mức tăng GDP 6,7% cho cả năm 2017 là khả thi, do đó không cần tăng chỉ tiêu tín dụng lên 21%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy tín dụng vào thị trường nóng: Rủi ro tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO