Đầu tư chứng khoán: Vốn ngoại "đổi chiều"

LAM ANH| 16/10/2015 02:12

Theo giới phân tích, sự rút đi của dòng vốn ngoại có thể sẽ chưa dừng lại, ít nhất là đến tháng 12.

Đầu tư chứng khoán: Vốn ngoại

Theo giới phân tích, sự rút đi của dòng vốn ngoại có thể sẽ chưa dừng lại, ít nhất là đến tháng 12.  

Đọc E-paper

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng để lãi suất USD tham chiếu tăng trở lại trong năm 2015 rõ ràng có tác động tiêu cực đến sự tự tin của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc không có thông tư hướng dẫn về nới room cũng khiến nhiều NĐT thất vọng trong những phiên giao dịch gần đây.

Cụ thể, tính chung cả tháng 9, mức bán ròng của NĐT nước ngoài đạt tổng cộng 989 tỷ đồng, mức bán ròng cao nhất trong vòng một tháng tính từ đầu năm đến nay.

Theo suy đoán của giới phân tích, các chỉ số của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giao dịch của khối ngoại.

Với phát biểu của FED, khả năng lãi suất USD sẽ tăng trở lại cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 cũng tăng lên đáng kể.

Sự bi quan tiếp tục kéo dài mặc dù TPP đã được ký kết. Điều này cũng dễ hiểu bởi quá trình thông qua TPP tại cơ quan lập pháp sẽ tùy thuộc từng nước nhưng nhiều khả năng quá trình này sẽ mất 6 - 9 tháng. Trong trường hợp của Mỹ sẽ mất 90 ngày kể từ khi TPP được ký đến khi được trình Quốc hội.

Trong trường hợp của Việt Nam, thời gian còn dài hơn vì Quốc hội chỉ họp 2 lần một năm. Và lần họp tới nhiều khả năng diễn ra vào tháng 5/2016 (trên thực tế vẫn có khả năng TPP được trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới diễn ra vào tháng 10 nhưng điều này là không chắc chắn).

Như vậy, TPP sẽ chưa có hiệu lực ít nhất là trước 6 tháng cuối năm 2016 và có thể sẽ còn muộn hơn. Theo đó, tác động thực sự từ việc giảm thuế hoặc tăng hạn ngạch có lẽ sẽ phải đợi đến giờ này năm sau.

Sau đó mức độ tác động sẽ lớn dần lên. Trên thực tế trước khi một loại thuế được cắt giảm thì điều này có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Với tất cả diễn biến trên, giới phân tích nhận định sự rút đi của dòng vốn ngoại có thể sẽ chưa dừng lại, ít nhất là đến tháng 12.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều quan điểm bảo vệ sự lạc quan của thị trường và cho rằng trong đầu tư chứng khoán, dòng vốn nước ngoài chỉ là một trong số tác nhân ảnh hưởng đến diễn biến chung.

Theo đó, phần lớn khuyên NĐT không nên quá bi quan mà cần xem xét nhiều yếu tố bổ trợ đầu tư khác.

Chẳng hạn, con số công bố tốt hơn kỳ vọng về tăng trưởng GDP, tiêu dùng, đầu tư và thương mại trong chín tháng đầu năm đang đặt Việt Nam trong một bức tranh kinh tế sáng hơn so với các nước trong khu vực.

Cộng với mức định giá hiện ở mức thấp, đây là những yếu tố làm cho TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn khi xu hướng rút vốn của khối ngoại kết thúc.

Hay mới đây, hành động mua vào của khối ngoại khiến không ít NĐT phải suy nghĩ. Chẳng hạn, tính riêng cổ phiếu MBB trong ngày giao dịch 8/10, số cổ phiếu được chuyển nhượng thỏa thuận hơn 40,5 triệu đơn vị.

Đây là lượng cổ phiếu mà NĐT nước ngoài có thể mua thêm sau khi MBB phát hành hơn 405,8 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ trong tháng 9/2015. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục lấp đầy room với việc mua vào lượng cổ phiếu này với giá trị tương ứng khoảng 643,7 tỷ đồng.

Cũng nhờ giao dịch đột biến ở MBB, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại được thời điểm này tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Còn khi theo dõi giao dịch 2 quỹ ETFs FTSE Vietnam ETF và VNM ETF, CCQ của 2 quỹ này tiếp tục giao dịch ở trạng thái thặng dư (giá CCQ cao hơn NAV của CCQ) khá cao, tương ứng 2,8% và 3,36%.

Theo nhận định của các nhà phân tích, nếu trạng thái thặng dư được nới rộng và duy trì thì khả năng quỹ sẽ phát hành thêm CCQ. Và thực tế sau ngày 7/10, số lượng CCQ của VNM ETF cũng tăng thêm 50.000 CCQ từ 26,3 triệu CCQ lên 26,35 triệu CCQ.

Ngoài ra, chỉ số CDS 5 năm của Việt Nam cũng đã giảm khá mạnh, còn 269,5 điểm.

Rõ ràng, những động thái trên cho thấy NĐT nước ngoài đang tương đối lạc quan về thị trường Việt Nam và có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mua ròng mạnh hơn nữa ở những phiên sắp tới.

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những kỳ vọng của NĐT trong nước, bởi hiện nay, còn rất nhiều rào cản khiến khối NĐT ngoại dè dặt đầu tư.

>TTCK: Sau đàm phán TPP, NĐT lạc quan trong thận trọng

>TPP: Hoàn tất quá trình đàm phán

>Sau ký kết, TPP sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

>6 kiến thức cần biết về TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: Vốn ngoại "đổi chiều"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO