Đầu tư chứng khoán: Thận trọng không mua đuổi

LÂM ANH| 12/04/2016 03:13

Nhìn chung, do thị trường diễn biến quá nhanh và giữa các nhóm cổ phiếu sự phân hóa mạnh, tình trạng chung của nhiều nhà đầu tư là có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được.

Đầu tư chứng khoán: Thận trọng không mua đuổi

Các thông tin "nóng" về khả năng mở room sở hữu nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với Vinamilk, đã giúp cổ phiếu VNM giao dịch tích cực trong năm phiên liên tiếp. Tuy nhiên, yếu tố VNM không thể kéo thị trường thoát khỏi xu hướng giảm điểm, qua đó, giới chuyên môn khuyên NĐT vẫn phải thận trọng ở thời điểm này. 

Đọc E-paper

Thận trọng không mua đuổi cổ phiếu tăng

Việc chuyển giao quyền lực thành công cùng với những kỳ vọng mới từ bộ máy của Chính phủ có vẻ như đã tăng thêm sự hưng phấn cho thị trường chứng khoán (TTCK).

Diễn biến tích cực ở cổ phiếu VNM nhờ vậy đã có tác động lan tỏa đến diễn biến giá ở nhiều nhóm cổ phiếu còn lại. VN-Index đã liên tiếp gượng dậy thành công sau khi giảm xuống dưới mốc 560 điểm.

Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, tuần qua cũng là tuần giao dịch tích cực của NĐT nước ngoài khi mua ròng cả năm phiên. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 18 triệu cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 245 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn HSX.

Về phía giao dịch thỏa thuận, NĐT nước ngoài bán ròng gần 25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.317 tỷ đồng. SSI là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong khi VIC là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất.

Có thể nói, ở HSX và HNX, sự bùng nổ trở lại của nhóm cổ phiếu dầu khí, điện, nổi bật là GAS, PPC, NT2, BTP và VCB là tâm điểm chính của thị trường. Tuy nhiên, "gia vị lạ” của thị trường lúc này vẫn không đến từ sàn niêm yết chính thức mà từ những mã cổ phiếu Upcom như MSR, TOP, VGC, VEF...

Theo thống kê, từ giữa tháng 3 đến nay, nhóm cổ phiếu UpCom thu hút dòng tiền đầu cơ lớn và đồng loạt tăng giá mạnh mẽ. Dù vậy, với biên độ giao dịch lớn, khi áp lực chốt lời tăng lên cũng là lúc nhóm cổ phiếu này lao dốc.

Nhìn chung, do thị trường diễn biến quá nhanh và giữa các nhóm cổ phiếu sự phân hóa mạnh, tình trạng chung của nhiều nhà đầu tư là có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được.

Mặc dù giao dịch tích cực về mặt điểm số, thế nhưng ai cũng nhận ra rằng thanh khoản trong tuần qua có sự sụt giảm nhẹ so với tuần trước đó. Bình quân một phiên trong tuần gần nhất chỉ có hơn 149 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên cả hai sàn, tương ứng giá trị 2.112 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 9% so với mức bình quân của tuần trước.

Dấu trừ thanh khoản, độ rộng thị trường có chiều hướng thu hẹp dần cùng với trụ kéo VNM có dấu hiệu hơi đuối sức về cuối tuần đồng thời chưa có dòng dẫn dắt thay thế, qua đó, nhiều đánh giá cho rằng đà tăng vừa qua chỉ là những phản ứng tạm thời với thông tin từ VNM đơn lẻ.

Điều này cũng lý giải vì sao giới phân tích cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng, không mua đuổi tiếp tục được giữ nguyên.

Chờ đợi mua chọn lọc cổ phiếu giảm

Từ những diễn biến của TTCK hiện tại, có thể thấy nó đang phản ánh khá sát các góc cạnh của nền kinh tế những tháng đầu năm.

Trong khi vấn đề tỷ giá đã tạm lắng xuống thì biến động của giá dầu thế giới khiến cho thu ngân sách từ dầu thô thấp hơn đáng kể so với dự toán, đồng thời giá trị thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng bị ảnh hưởng bởi việc giảm thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Mặt khác, giá trị khai thác dầu thô giảm cộng với tác động của El Nino lên giá trị sản xuất nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến GDP quý I chỉ tăng 5,45%. Dù vậy, ở chiều hướng tích cực, ba khu vực là sản xuất điện, xây dựng và vật liệu xây dựng đều có ghi nhận mức tăng vượt bậc về giá trị sản xuất.

Nếu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hé lộ nhiều về xu hướng kết quả kinh doanh (KQKD) trong quý I thì các kế hoạch kinh doanh được đưa ra trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tới đây thể hiện phần nào sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh cả năm 2016.

Thống kê, doanh nghiệp trong các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghệ và dệt may có mức độ lạc quan cao về KQKD năm 2016. Ngược lại, doanh nghiệp ngành dầu khí, cao su tự nhiên và ô tô hầu hết đều đặt kế hoạch doanh thu lợi nhuận thấp hơn mức thực hiện 2015.

Đáng chú ý, trong khi giá cổ phiếu tăng mạnh, các doanh nghiệp ngành điện, cả nhiệt điện và thủy điện tỏ ra khá dè dặt về khả năng tăng trưởng KQKD 2016.

Bên cạnh hai yếu tố nói trên, như đã nói, những hé lộ về vấn đề "nới room" cũng là thông tin được chờ đợi nhiều trong mùa ĐHĐCĐ. Đến thời điểm này, không ít công ty vẫn chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ.

Theo dõi một số doanh nghiệp đã tổ chức họp ĐHĐCĐ như REE, FPT, PNJ và VSC, có thể nhận thấy những bước tiến trong thủ tục pháp lý để nới room đến nay là rất hạn chế và không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài.

Suy cho cùng, trong hai tuần đầu tháng 4, khi mà rủi ro điều chỉnh đang ở mức cao, theo đó, ngoại trừ việc không mua đuổi cổ phiếu tăng, giới phân tích cũng cho rằng việc giảm tỷ trọng cổ phiếu là sự "thích nghi" cần thiết.

Đồng thời, biến động phức tạp và sự hồi phục thiếu bền vững của giá dầu và giá nguyên liệu khiến cho việc tham gia vào nhóm cổ phiếu dầu khí, khoáng sản sẽ phù hợp hơn với NĐT có khả năng chịu đựng rủi ro cao.

Tương tự, việc theo đuổi các cổ phiếu nóng trên sàn Upcom với biên độ giao dịch lớn nhưng biến động mạnh và không ổn định về thanh khoản là khá rủi ro và do đó nên được hạn chế, ít nhất cho đến khi thị trường ổn định trở lại.

Lúc này, cơ hội mua mới sẽ mở ra cho những người đang nắm giữ tiền mặt và NĐT dài hạn trong khoảng giữa tháng 4 khi đợt điều chỉnh lớn đi vào giai đoạn cuối.

>Đầu tư chứng khoán: Cơ hội từ nhóm cổ phiếu bị định giá thấp

>Đầu tư chứng khoán: "Nước ròng" cuối năm của khối ngoại

> Đầu tư chứng khoán: Cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: Thận trọng không mua đuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO