Đầu tư chứng khoán: Chờ đợi tín hiệu tích cực

LÂM ANH| 20/01/2016 02:24

Thị trường đã giảm điểm nhiều phiên liên tiếp và nhà đầu tư (NĐT) đang có xu hướng đứng ngoài để chờ đợi tín hiệu tích cực trở lại.

Đầu tư chứng khoán: Chờ đợi tín hiệu tích cực

Thị trường đã giảm điểm nhiều phiên liên tiếp và nhà đầu tư (NĐT) đang có xu hướng đứng ngoài để chờ đợi tín hiệu tích cực trở lại. 

Đọc E-paper

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục giảm điểm song hành cùng các thị trường châu Á khác. Trong tuần qua, VN-Index đã giảm mạnh, hơn 3%, phá vỡ mức hỗ trợ 555 điểm.

Điểm tích cực duy nhất là thanh khoản tuần qua tiếp tục duy trì sự cải thiện, với khớp lệnh giao dịch trên HSX trung bình đạt 113,2 triệu/phiên, cao hơn 3% so với trung bình tuần trước và 20% so với trung bình tháng 12/2015.

Theo một số chuyên viên phân tích, thị trường giảm điểm do có sự lo ngại từ diễn biến tiêu cực về kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường châu Á.

Một yếu tố góp phần quan trọng nữa là giá dầu tiếp tục duy trì tại vùng giá thấp. Ngoài những nguyên nhân nêu trên, giới phân tích cũng cho rằng, thị trường đã phải nhận quá nhiều cú sốc trước đó.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là tác nhân khá lớn tác động tới thị trường tài chính thế giới khi giảm tỷ giá tham chiếu về 6,5646 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011.

Với việc điều chỉnh này, Nhân dân tệ đã bị phá giá thêm 0,5%, mức biến động theo ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2015. Điều này dẫn đến phản ứng tiêu cực của các NĐT trên TTCK Trung Quốc, chỉ số CSI 300 giảm mạnh 7% và phải ngừng giao dịch chỉ sau khoảng 30 phút mở cửa.

Trước một số yếu tố rủi ro đang tồn tại, khối ngoại đã tạo ra áp lực khá lớn lên thị trường bán, lượng ròng mạnh hơn 374 tỷ trên HSX, tập trung tại các mã như VIC, MSN, CTD, PVD, HPG. Chi tiết hơn, từ ngày 11-15/1, bán ròng trên HOSE là 346 tỷ đồng và bán ròng trên HNX là 28 tỷ đồng.

Đà bán ròng của khối ngoại đã ảnh hưởng mạnh lên thị trường, đặc biệt là trong các phiên cuối tuần khi họ bán ròng nhiều cổ phiếu dẫn dắt.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là ở VIC với 201 tỷ đồng, tiếp theo là MSN với 70 tỷ đồng, HPG với 40 tỷ, CTD với 37 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu ở DBC với 41,2 tỷ đồng và PVS với 8,3 tỷ đồng...

Khác với khối ngoại, tính đến thời điểm này, khối nội vẫn tích cực mua vào trước lực bán dồn dập của khối ngoại. Cụ thể, khối nội đã tập trung mua vào tại các phiên giảm mạnh, với tỷ lệ tham gia tăng lên gần 90% giao dịch toàn thị trường.

Tính chung, thị trường đóng cửa nửa tháng 1 với mức giảm hơn 6,2%. Hầu hết các cổ phiếu đều tiến sát về vùng giá đáy của tháng 8 năm ngoái, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Riêng VN-Index, chỉ số này chỉ còn cách đáy của tháng 8/2014 khoảng 1-2 phiên giảm sâu.

Với diễn biến hiện tại, giới phân tích khuyên NĐT trong nước nên chủ động đứng ngoài thị trường để đánh giá tình hình. Tức là cần thời gian để thích nghi và nhìn nhận thực trạng của thị trường, hạn chế những rủi ro.

Thứ nhất, vùng điểm 555 - 560 hiện tại đang là đáy ngắn hạn khá vững từ ngày 8/12 đến nay. VN-Index đã có 4 lần chạm ngưỡng này, lực mua đều xuất hiện nâng đỡ chỉ số trở lại.

Thứ hai, phản ứng của NĐT trước sự kiện của TTCK Trung Quốc là vẫn còn quá bi quan, qua đó khẳng định các phiên tăng điểm chỉ là phiên phục hồi kỹ thuật bình thường, không mang tính đảo chiều.

Mặc dù tác động kép của tỷ giá và của "cơ chế tự ngắt" trên TTCK Trung Quốc, rõ ràng tới thời điểm này, tác động của tỷ giá không thực sự mạnh.

Thực tế cũng cho thấy đồng nhân dân tệ liên tục mất giá thời gian qua thì TTCK Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn ổn, cơ chế tự ngắt cũng cần thêm thời gian để NĐT bản xứ làm quen hay thậm chí để nhà quản lý có những điều chỉnh phù hợp.

TTCK Việt Nam có thể vẫn còn những sự biến động như vậy trong một khoảng thời gian đủ dài để NĐT có thể thích nghi như những gì họ đã thể hiện với sự kiện tỷ giá.

Thứ ba, dòng tiền lớn chưa thực sự tham gia. Lượng cổ phiếu "lỏng lẻo" còn khá nhiều trên thị trường hiện tại. Cần thêm vài lần "thử cung" để sàng lọc, giữ lại những cổ phiếu mạnh. Các cổ phiếu blue-chip vẫn tiếp tục được khuyến nghị ưu tiên.

Tóm lại, sức mạnh của thị trường sẽ thể hiện ở những phiên đỏ như vậy. Trong thời điểm hiện tại, những phiên tương tự sẽ là những phiên tương đối quan trọng để: (1) Kiểm định dòng tiền đang tham gia thị trường là dòng tiền thật hay dòng tiền margin, dòng tiền lớn có tham gia nhiều hay chưa; và (2) Kiểm tra khả năng chịu đựng của NĐT...

>Chứng khoán châu Á đi lên sau quyết định của FED

>Chứng khoán châu Á chao đảo vì Trung Quốc tăng lãi suất

> Đầu tư chứng khoán: Cần thời gian để thích nghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: Chờ đợi tín hiệu tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO