Con sóng lớn trên sàn UPCoM

THÀNH LONG| 07/12/2016 08:25

Thanh khoản của UPCoM tăng nhanh nhờ chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa và đấu giá với niêm yết và đăng ký giao dịch.

Con sóng lớn trên sàn UPCoM

Tính đến ngày 2/12, giá trị vốn hóa của sàn UPCoM đạt hơn 253.459 nghìn tỷ đồng, khối lượng giao dịch trên thị trường UPCoM (các công ty đại chúng chưa niêm yết) đạt 6,81 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 144,08 tỷ đồng/phiên.

Đọc E-paper

Giá trị vốn hóa của sàn UPCoM đã vượt xa sàn HNX (giá trị vốn hóa của sàn HNX đến ngày 2/12 ước tính đạt 147.246 nghìn tỷ đồng), giá trị vốn hóa tăng nhanh xuất phát từ lực cầu mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo nên con sóng mới trên sàn UPCoM.

Thanh khoản của UPCoM tăng nhanh nhờ chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, gắn cổ phần hóa và đấu giá với niêm yết và đăng ký giao dịch.

Trong đó có sự góp mặt của các "ông lớn" như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI), Công ty CP Tài nguyên Masan (MSR), Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF), Tổng công ty CP May Việt Tiến (VGG), Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Tổng công ty Viglacera (VGC), Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VSN), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC), Tổng công ty CP Đường sông Miền Nam (SWC)…

Gần đây là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Không những cổ phiếu này thu hút nhà đầu tư mà nó còn lan tỏa đến các cổ phiếu khác cùng ngành như ngành bia rượu, ngành hàng không làm tăng giá trị vốn hóa của sàn UPCoM.

Bên cạnh đó, trong tháng 11, trên sàn UPCoM có thêm 25 mã đăng ký giao dịch mới - con số kỷ lục kể từ đầu năm 2016 (gồm các mã cổ phiếu C21, RTS, CQT, LQN, XHC, BT1, RTB, SAC, TVU, DND, QBR, NTR, UCT, IFS, HPW, BSG, ACV, VCW, POS, SRT, NS2, HLR, LCW, CMF, HNT), nâng tổng số cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường này lên 385 mã cổ phiếu.

Đặc biệt, những mã cổ phiếu mới đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trước đó khi còn giao dịch ở trên sàn OTC. Đây đều là những cổ phiếu tốt, được săn đón và luôn trong tình trạng khan hàng. Đến thời điểm những mã cổ phiếu này lên sàn UPCoM thì thanh khoản luôn nhộn nhịp do mua bán thuận lợi hơn.

Thực tế cho thấy, những "ông lớn" trên sàn UPCoM luôn hấp dẫn bởi vì biên độ dao động của giá rộng, cơ hội kiếm lời khi cổ phiếu tăng giá cao hơn. Có những cổ phiếu tăng giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, như cổ phiếu của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) tăng từ mức giá 7.200 VND/CP lên 27.300 VND/CP trong vòng chưa đầy một tháng. Hay như trường hợp cổ phiếu Công ty CP Tài nguyên Masan (MSR) tăng từ mức giá 8.500 VND/CP lên 36.100 VND/CP trong vòng chưa đầy một tháng.

Tuy nhiên, giới đầu cơ lướt sóng ngắn hạn vẫn chưa mặn mà lắm với những cổ phiếu trên sàn UPCoM, bởi những mã cổ phiếu này vẫn chưa được các công ty chứng khoán cấp hạn mức giao dịch ký quỹ (margin).

Chỉ số UPCoM Index đã có một nhịp tăng ấn tượng từ đầu năm ở mốc 46,65 điểm (22/1), lên mức cao nhất ở mốc 64,77 điểm (30/3) và chốt phiên giao dịch ngày 2/12, chỉ số này tạm dừng ở mốc 57,84 (tăng 24% so với hồi đầu năm).

Thời gian tới, Thông tư 115/2016/TT-BTC được kích hoạt, tính minh bạch được cải thiện và các cổ phiếu trên sàn UPCoM được cấp margin thì sẽ có một con sóng mới lớn mạnh hơn mang tên UPCoM xuất hiện.

Đối với những nhà đầu tư mua gom cổ phiếu OTC đón sóng lên UPCoM, hẳn là trong thời gian qua đã có mức lợi nhuận đáng kể. Hơn 300 mã cổ phiếu trên sàn UPCoM hiện tại và còn liên tục tăng trong thời gian tới đều là những "mỏ vàng" đang chờ được khai phá.

Ngoài yếu tố kiên nhẫn và quản trị rủi ro tốt thì việc thu thập thông tin chi tiết, hiểu sâu về doanh nghiệp niêm yết là yếu tố quan trọng đối với những nhà đầu tư đã, đang và sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM.

>Ba sai lầm lớn nhất của doanh nghiệp niêm yết

>Lý do nhà đầu tư vẫn đổ xô mua vàng

>5 kênh đầu tư phổ biến nhất 2016: Hiệu quả đến đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con sóng lớn trên sàn UPCoM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO