Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều?

Lương Minh| 16/10/2009 09:49

Việc giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không còn là "kim chỉ nam" cho NĐT trong nước. Tuy nhiên, người ta vẫn theo dõi giao dịch của khối này để bổ sung và củng cố các nhận định.

Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều?

Việc giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài hiện nay không còn là "kim chỉ nam" cho NĐT trong nước. Tuy nhiên, người ta vẫn theo dõi giao dịch của khối này để bổ sung và củng cố các nhận định. Bài viết này căn cứ vào số liệu thống kê của tuần trước.

Từ đầu tháng 10 trở về trước, NĐT nước ngoài thường có lượng cổ phiếu bán ra nhiều hơn lượng mua vào. Do đó, cổ phiếu được giao dịch nhiều cũng có thể là được mua ít nhưng bán nhiều, hoặc ngược lại.

Ảnh Quý Hòa

Cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ FPT không lọt vào hàng “top 5” giao dịch nhiều trên thị trường, nhưng lại đứng đầu trong nhóm được người nước ngoài giao dịch nhiều. FPT được khối này mua vào 1,7 triệu CP và bán ra 2,4 triệu CP. Thời điểm này, lượng giao dịch của FPT khá cao, phiên ít nhất cũng hơn 600.000CP và nhiều nhất hơn 900.000CP.

Tuy nhiên, thị giá trong tuần lại bị giảm 4.500đ/CP do lượng xả hàng của NĐT cá nhân nước ngoài tăng cao mà không công bố thông tin. Ngược lại, do cách tính khác nhau của NĐT nên lượng bán ra cũng có người đáp ứng. Những thông tin hỗ trợ FPT trong lúc này có tin Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) vừa trúng 4 gói thầu của dự án với Công ty Truyền hình số vệ tinh VN có tổng giá trị 960.000USD, gồm xây dựng và cài đặt cơ sở dữ liệu cho Data Center. Trước đó, Công ty FPT-IS cũng nhận được tin thắng thầu cung cấp trang thiết bị cho 17 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thuộc 17 tỉnh trong dự án “Phát triển giáo dục trung học phổ thông” với giá trị 722.209USD.

Cổ phiếu kế là DPM của Tổng công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí được NĐT nước ngoài mua vào 841 ngàn CP và bán ra hơn 1,4 triệu CP. Lượng giao dịch trên thị trường không nhiều bằng FPT, nhưng cũng thuộc hàng thanh khoản, bình quân mỗi phiên đạt 697.814CP.
Theo báo cáo, doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2009 của DPM đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tương đương 80% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 mà đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt.

Tổng công ty hiện đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để có thể tham gia quản lý và vận hành nhà máy đạm Cà Mau, tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu phân bón và đầu tư ra nước ngoài với mục tiêu trở thành DN hàng đầu trong ngành sản xuất và kinh doanh phân bón và hóa chất. Tuần qua, cổ phiếu DPM đã tăng nhẹ trong 4 phiên, lên 47.300đ/CP.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk có lượng mua và bán trong tuần của NĐT nước ngoài tương đương nhau, khoảng 1 triệu CP, tức mua bán mỗi phiên khoảng 200.000CP, trong khi lượng giao dịch bình quân đạt 744.238CP/phiên. Một tỷ lệ khá cao. Vừa qua, VNM đã điều chỉnh giá cổ phiếu từ 172.000đ/CP xuống còn 86.000đ/CP do có chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 1:1, và rồi đến nay vẫn trồi lên mức giá 89.000đ/CP. Lợi thế của Vinamilk là chiếm 75% thị trường cả nước, mạng lưới phân phối rất mạnh với 1.400 đại lý phủ đều khắp các tỉnh, thành. Ngoài ra, Vinamilk còn xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Đức, Canada, Trung Quốc... Đối với người nước ngoài thì DN đầu ngành được chọn ưu tiên, dù mức lãi so với vốn điều lệ không lớn.


Cổ phiếu ngân hàng vẫn được NĐT nước ngoài giao dịch nhiều. Đợt này, cổ phiếu VCB của Vietcombank được người nước ngoài bán ra 1,6 triệu CP, trong khi lượng mua vào chỉ có 276.890CP, do vậy mà giá đã mất đi 4.500đ/CP. Không có tin hỗ trợ cho cổ phiếu ngân hàng này, do vậy, giá VCB đã đứng hơn hai tháng nay, làm cho những NĐT "lướt sóng" không còn kiên nhẫn. Việc bán cổ phiếu VCB của NĐT nước ngoài chẳng qua cũng là để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Ngược lại với VCB, cổ phiếu STB của Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được NĐT mua vào hơn 1,3 triệu CP. Cổ phiếu STB đã được điều chỉnh hồi giữa tháng 9, từ 37.700đ/CP xuống còn 30.200đ/CP do trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu, tức có 20CP sẽ nhận được 3CP. Gần đây, để hỗ trợ cho giá cổ phiếu được phát triển, Sacombank đã kịp thời cung cấp thông tin cho NĐT. Kết quả là tháng 8/2009, Sacombank đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2009 đạt 1.177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong cơ cấu thu nhập lũy kế của Sacombank đến hết ngày 31/8/2009, nguồn thu từ lãi chiếm 64%, còn lại là thu từ dịch vụ và thu nhập khác.

Trong kết quả giao dịch hằng tuần, người ta thấy việc đầu tư của người nước ngoài thay đổi liên tục. Có tuần họ bán ra nhiều, có tuần mua vào nhiều và tuần qua họ đã bắt đầu thay đổi chiến thuật. Với NĐT chuyên nghiệp, họ đã theo dõi hằng ngày những giao dịch này để quyết định trong phiếu lệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO