Cổ phiếu bất động sản: Ngày trở lại

LAM ANH| 18/04/2015 06:07

Các chính sách hỗ trợ ngành và nới lỏng việc cho vay bất động sản (BĐS) sẽ có tác động tích cực đến khả năng kinh doanh cũng như tình hình tài chính của các doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Cổ phiếu bất động sản: Ngày trở lại

Các chính sách hỗ trợ ngành và nới lỏng việc cho vay bất động sản (BĐS) sẽ có tác động tích cực đến khả năng kinh doanh cũng như tình hình tài chính của các doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Đọc E-paper

Thoát khỏi áp lực tài chính

Áp lực tài chính đối với các DN BĐS được dự báo sẽ giảm đi đáng kể. Việc Thông tư 36 giảm tỷ lệ rủi ro cho vay BĐS từ 250% còn 150% được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông dòng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, giúp các DN trong ngành nối lại bán hàng và đầu tư các dự án.

Bên cạnh đó, lãi suất vay thấp hơn cũng sẽ giảm áp lực về chi phí lãi vay đối với những công ty đã vay nợ nhiều trong các năm trước. Cụ thể, mặt bằng lãi suất thấp có tác động tích cực đến lợi nhuận của các DN BĐS một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.

Một mặt, DN tiết giảm được chi phí lãi vay, mặt khác, với lãi suất thấp, những người có nhu cầu thực tự tin hơn để mua nhà hoặc bất động sản để kinh doanh. Trong đó, hưởng lợi một cách rõ ràng nhất là những công ty có các sản phẩm được định vị phù hợp với nhu cầu thị trường và sẵn sàng để kinh doanh.

Cuối cùng, sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán sẽ làm tăng khả năng thành công cho kế hoạch phát hành thêm của nhiều công ty BĐS niêm yết. Từ đó, các DN này sẽ có thêm nguồn tiền để trả bớt nợ vay và cải thiện tình hình tài chính.

>>Lãi suất cho vay bất động sản giảm nhanh

Từ những điểm tích cực trên, nhiều DN hướng tới cái nhìn dài hạn khi đầu tư vào mảng văn phòng và mặt bằng bán lẻ hơn là kỳ vọng sự khởi sắc trong vòng một năm tới. Kỳ vọng đã đưa giá cổ phiếu đi trước sự cải thiện về kết quả kinh doanh (KQKD). Tính chung cả năm 2014, chỉ số giá cổ phiếu ngành BĐS đã tăng khoảng 20%.

Dù tăng trưởng EPS bình quân của toàn ngành vào khoảng 57% (loại trừ VIC do công ty này có thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng một phần Vicom Center A trong năm 2013), EPS bình quân của các cổ phiếu BĐS chỉ vào khoảng 560 đồng và tỷ số P/E của nhóm cổ phiếu này cũng lên tới 44 lần (khoảng 29 lần nếu tính cả VIC).

Điều này cho thấy thị trường vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào sự đảo chiều về KQKD của các DN BĐS, tuy thực tế, sự cải thiện này vẫn chưa thực sự rõ nét.

Năm nay, có thể thấy KQKD của các công ty BĐS niêm yết nhìn chung sẽ chỉ ở mức khá về giá trị tuyệt đối do điểm rơi ghi nhận doanh thu của hầu hết dự án vừa được khởi công hoặc khởi động lại đều rơi vào giai đoạn 2016-2017. Tất nhiên, với KQKD khiêm tốn năm 2014, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của hầu hết DN có thể đạt mức cao.

Một vài DN, đặc biệt những DN vốn hóa vừa và nhỏ có quỹ đất nhưng đang gặp khó khăn về tài chính cũng có cơ hội ghi nhận lợi nhuận đột biến qua việc chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư vào các dự án. Như vậy, khả năng tăng giá trên diện rộng của nhóm cổ phiếu BĐS là không nhiều.

Thay vào đó, sự đột phá sẽ vẫn đến từ "chuyện riêng" của từng DN. Điểm sáng cố hữu của ngành này là một số DN vẫn có giá trị sổ sách/NAV cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, cổ phiếu BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn xét về số lượng mã cổ phiếu và quy mô vốn hóa trên thị trường.

Cùng với những chính sách hỗ trợ ngành BĐS mà Chính phủ vừa mới ban hành, năm 2015, ngành BĐS dự kiến vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư (NĐT).

Những cổ phiếu tiềm năng nhất

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu ưa thích của NĐT đang tập trung nhiều ở Tập đoàn Vingroup (VIC). So với một số mã cổ phiếu BĐS khác, VIC vẫn là DN BĐS hàng đầu Việt Nam với quy mô vốn, quy mô doanh thu tầm cỡ khu vực cũng như danh mục dự án và quỹ đất lớn hơn nhiều lần so với các DN cùng ngành.

>>Vingroup mua toàn bộ hệ thống Vinatexmart

VIC còn có thế mạnh cạnh tranh ở khả năng tích lũy quỹ đất ở những vị trí đắc địa, tốc độ triển khai dự án nhanh và năng lực huy động nguồn vốn trên thị trường quốc tế.

Chưa kể, VIC có hệ thống trung tâm thương mại TTTM và văn phòng cao cấp ở trung tâm các hầu hết thành phố lớn trên cả nước bao gồm Vincom Center Bà Triệu, Đồng Khởi, Long Biên, Vincom Mega Mall Times City, Royal City.

Các dự án này là nguồn thu lớn và ổn định cho VIC các năm qua. Năm 2015, doanh thu từ mảng cho thuê thương mại có sự đóng góp của 2 dự án mới với gần 70.000m2 diện tích sàn là Vincom Center Hạ Long (quý IV/2014) và Vincom Hải Phòng (quý I/2015).

Năm Bảy Bảy (NBB) cũng không kém hấp dẫn vì có lợi thế lớn trong phân khúc đất nền nhờ quỹ đất lớn với tỷ lệ đền bù khá cao ở khu vực miền Trung. Trong đó, dự án đất nền KDC Sơn Tịnh - Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ kinh doanh tốt hơn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi và cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong dự án.

Một điểm nhấn đáng quan trọng đối với DN này đó là NBB sẽ nhận thanh toán từ việc chuyển nhượng 80% dự án City Gate Towers cho Creed Group (Nhật Bản) trong năm 2015. Đồng thời, Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận lớn từ giá trị phần đất của dự án NBB Garden II và NBB Garden III trong quá trình tiếp tục hợp tác đầu tư với Creed Group.

Không thua kém ở phần quỹ đất, Công ty CP Nhà Khang Điền (KDH) cho thấy đang sở hữu quỹ đất sạch ở quận 2 và quận 9 TP.HCM, những khu vực thuận tiện về giao thông và có thanh khoản tốt.

Đặc biệt, dự án của KDH hầu hết đã hoàn thiện về pháp lý trước khi xây dựng.Điều này cho phép Công ty triển khai các dự án trong thời gian ngắn hoặc chuyển nhượng ngay khi cần thiết.

Sau Mega Residence, dự án Mega Ruby của KDH đang kinh doanh khá tốt với nhiều căn đã sẵn sàng bàn giao và ghi nhận doanh thu trong năm 2015. Nhờ vị trí đẹp và định vị tốt, dòng sản phẩm nhà liền kề thương hiệu Mega của KDH có thể thu hút những người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam.

Kế hoạch phát hành thêm 48,5 triệu cổ phiếu sẽ bổ sung nguồn vốn để KDH tiếp tục tích lũy quỹ đất sạch và đầu tư thêm cho 3 dự án mới: Trí Minh (5,7ha); Song Lập (14,5ha), Saphire (Mega Ruby giai đoạn 2). Có thể thấy, ban lãnh đạo của KDH khá nhạy bén trong việc phát triển quỹ đất sạch và nắm bắt nhu cầu thị trường.

Điểm nhấn của KDH là có sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài như SAM, Dragon Capital và VinaCapital trong cơ cấu cổ đông giúp nhà đầu tư an tâm về chất lượng quản trị DN.

Ngoài ra, những cổ phiếu như Công ty CP Nhà Thủ Đức (TDH), Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL)... đang thể hiện rất nhiều cơ hội để NĐT đầu tư. Bởi, doanh thu và lợi nhuận của các DN BĐS này các năm trở lại đây tăng trưởng trở lại, một phần đến từ các dự án mới, mặt khác giá BĐS đã tăng đối với những dự án giảm giá trước đó.

> NĐT Nhật Bản và chiến lược tránh tồn kho dự án BĐS 
>Tìm vốn cho những dự án BĐS dở dang
>Dự án BĐS: Nằm chờ hai kiểu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu bất động sản: Ngày trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO