Cơ hội bứt phá cho vay nông nghiệp

LÊ PHAN| 29/03/2017 03:36

Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao với gói cho vay dành cho ngành này lên đến 100 nghìn tỷ đồng, nhưng tính khả thi của gói tín dụng này đến đâu?

Cơ hội bứt phá cho vay nông nghiệp

Nông nghiệp trong những năm qua luôn là ngành được ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên dư nợ cho vay nông nghiệp tăng trưởng chưa được như mức kỳ vọng của các nhà điều hành. Gần đây, Chính phủ tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao với gói cho vay dành cho ngành này lên đến 100 nghìn tỷ đồng, nhưng tính khả thi của gói tín dụng này còn là dấu hỏi lớn? 

Đọc E-paper

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đến ngày 31/12/2016 là 558.834 tỷ đồng, tăng 20,06% so với năm 2015, mặc dù cao hơn mức tăng tổng dư nợ chung và ngành công nghiệp và xây dựng, tuy nhiên vẫn thấp hơn ngành thương mại và vận tải viễn thông.

Về cơ cấu, dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vào cuối năm 2016 là 10,2%, tăng so với tỷ lệ 9,85% trong năm 2014 và 10% trong năm 2015, tuy nhiên thấp hơn mức 10,53% trong năm 2013 và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 9,64% vào cuối năm 2012. Như vậy có thể thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng so với tổng dư nợ của năm 2016 đều thua năm 2013.

Vì sao tăng trưởng chậm, tỷ trọng thấp

Mặc dù rủi ro tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được đánh giá là thấp nhất, nhưng các ngân hàng trong những năm qua vẫn chưa mặn mà rót vốn vào lĩnh vực này. Với đặc thù là ngành được nhận cơ chế trần lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường, do đó biên lợi nhuận khi cho vay ngành này thấp hơn thay vì rót vốn vào những khu vực có biên lãi suất cao hơn như lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng mặc dù ngân hàng phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.

Ngân hàng khi cho vay thường căn cứ trên tài sản đảm bảo, tuy nhiên tài sản đảm bảo cho các sản phẩm vay nông nghiệp chủ yếu là đất nông nghiệp, giá trị định giá thấp và khó bán khi rủi ro xảy ra.

Trong khi đó việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai chậm cũng khiến người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng vì tài sản đảm bảo không đầy đủ về mặt pháp lý. Ngoài ra, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho khu vực nông thôn còn nghèo nàn, trong khi các rủi ro về hạn hán, mất mùa thường xảy ra thì các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Chính sách mở

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo "xanh và sạch" là định hướng ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới, mà gói tín dụng lên đến 100 nghìn tỷ đồng dành cho ngành này với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1,5% đã thể hiện rõ quyết tâm của nhà điều hành.

Nhận thấy cơ chế ưu đãi cũng như tiềm năng trong tương lai, hàng loạt các "ông lớn", tập đoàn đã nhảy vào ngành nông nghiệp công nghệ cao để đón đầu. Mặc dù các văn bản pháp lý để triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa hoàn thiện, nhưng theo thông tin gần đây cho thấy các ngân hàng đã đăng ký các gói cho vay nông nghiệp công nghệ cao lên tới 135 nghìn tỷ đồng.

>>4 lĩnh vực nông nghiệp sẽ hút mạnh vốn FDI

Một số ngân hàng sớm triển khai cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã dựa vào Điều 15 Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ban hành vào tháng 6/2015, theo đó các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 80% giá trị của dự án.

Những lo ngại về việc các hợp tác xã, hộ gia đình, trang trại và các cá nhân liệu có cơ hội để tiếp cận gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng đã được xóa bỏ. Các ngân hàng đã ban hành các gói tín dụng khá lớn dành cho lĩnh vực này trong thời gian qua, nhưng việc triển khai sắp tới như thế nào và hiệu quả đến đâu là việc cần xem xét.

Giữa tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN quy định các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Quyết định 738 giúp các doanh nghiệp xác định rõ phương án sản xuất kinh doanh của mình có đáp ứng tiêu chuẩn để có thể tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.

Đáng lưu ý là quyết định 738 xác định rõ đối tượng áp dụng là "tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch".

Như vậy, những lo ngại về việc các hợp tác xã, hộ gia đình, trang trại và các cá nhân liệu có cơ hội để tiếp cận gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng đã được xóa bỏ.

Tính khả thi?

Tuy nhiên, dù các ngân hàng đã ban hành các gói tín dụng khá lớn dành cho lĩnh vực này nhưng việc triển khai sắp tới như thế nào và hiệu quả đến đâu là cần phải xem xét.

Thực tế các ngân hàng chỉ ưa thích rót vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn do các đại gia thực hiện. Các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc các cá nhân có thể gặp khó khăn nhiều hơn khi tiếp cận nguồn vốn này. Mặc dù NHNN đã khuyến khích cho vay tín chấp nhưng ít ngân hàng nào muốn thực hiện, mà chủ yếu vẫn ưu tiên cho vay có tài sản đảm bảo trong khi theo quy định hiện nay thì tài sản trên đất không được chấp nhận là tài sản đảm bảo, do đó khiến người vay càng khó khăn hơn.

NHNN cũng đang xây dựng các cơ chế để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn, mà dự thảo giảm dự trữ bắt buộc có thể về mức thấp 0% đối với những ngân hàng đáp ứng tỷ trọng cho vay nông nghiệp trong tổng dư nợ là một trong những chính sách như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là NHNN phải có cơ chế giám sát và chế tài để đảm bảo nguồn vốn này từ các ngân hàng thương mại đến nơi thật sự cần và đúng quy định.

>>Tín dụng nông thôn: Phải có thiết chế phù hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội bứt phá cho vay nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO