Chuyển nợ thành cổ phần ngân hàng: Rủi ro được báo trước

LAM ANH| 01/01/2015 06:48

Chuyển nợ xấu thành cổ phần, nợ nần coi như đã xử lý xong chỉ sau một nghiệp vụ, bảng cân đối tài chính thay đổi và DN sẽ có đủ điều kiện vay vốn mới, dòng chảy tín dụng được khai thông.

Chuyển nợ thành cổ phần ngân hàng: Rủi ro được báo trước

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng ý chủ trương để Vietinbank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Vinalines bằng toàn bộ khoản cho vay 5.000 tỷ đồng. Nhiều người liên tưởng đến giải pháp này sẽ được nhân rộng trong năm 2015.

Đọc E-paper

Trên thực tế, đã có nhiều thương vụ chuyển nợ thành cổ phần được tiến hành thành công, như SHB sở hữu 50% vốn điều lệ của Bianfishco, VietABank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty CP Đất Xanh với 11% cổ phần, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) xử lý nợ xấu bằng biện pháp góp vốn cổ phần tại Sadico Cần Thơ, Công ty CP Mía đường Kon Tum giúp các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản khôi phục lại sản xuất kinh doanh...

Chưa biết rằng những phỏng đoán trên có căn cứ hay không, nhưng đã có nhiều thông tin cho rằng, trong thời gian tới, một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng sẽ chọn giải pháp này theo cách tự nguyện để chuyển hóa nợ xấu, làm sạch bảng cân đối tài chính.

Lý do, nếu chuyển nợ xấu thành cổ phần, nợ nần coi như đã xử lý xong chỉ sau một nghiệp vụ, bảng cân đối tài chính thay đổi và DN sẽ có đủ điều kiện vay vốn mới, dòng chảy tín dụng được khai thông.

Điểm đáng lưu ý nữa là khi giải quyết như vậy sẽ tạo ra tiền lệ là muốn cổ phần hóa DNNN thì phải làm sạch nợ xấu, nợ khó đòi của các DN này. Đổi nợ lấy cổ phần của Vietinbank cũng là một hình thức xóa nợ...

Trao đổi với phóng viên DNSG, một lãnh đạo NH đã từng áp dụng giải pháp này với một DN bất động sản chia sẻ, thực ra NH thực hiện giải pháp này là chẳng đặng đừng để giữ đồng vốn, còn thực sự giải pháp này đã mang lại không ít rủi ro cho NH, nhất là rủi ro về kỳ hạn.

Theo vị lãnh đạo này, nếu muốn an toàn, có thể để cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đứng ra đầu tư vào DN thay vì để các NH trực tiếp đầu tư. "Bởi đây là lĩnh vực chuyên môn của SCIC và việc đầu tư sẽ có hiệu quả hơn cũng như bớt rủi ro cho NH", vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Phạm Linh - Phó tổng giám đốc VietABank nói rằng, hoán đổi nợ thành cổ phần góp vốn là một trong 6 giải pháp thông thường mà các quốc gia trên thế giới sử dụng để xử lý nợ xấu. Thông thường các thương vụ này là các NHNN đầu tư chứ không phải NHTM.

Nhưng theo quy định ở Việt Nam, các NHTM hoàn toàn được phép đầu tư trong giới hạn 40% vốn điều lệ của mình. Về lý thuyết, đây là biện pháp tốt cho cả hai bên, đó là DN được vực dậy, NH cũng xử lý được nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế đối với NH, đây là một thương vụ đầu tư. Do đó, nếu NH không thể làm tốt trong vai trò đầu tư, có khi NH còn không đảm bảo được vốn của mình.

Chính vì vậy, hiện tại, các NHTM đều khẳng định họ sẽ không chọn giải pháp này trong việc xử lý nợ năm 2015 mà vẫn tiếp tục ưu tiên một số giải pháp thu hồi nợ hơn, trong đó việc cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN được coi trọng.

Đơn giản, trong bất cứ đầu tư nào đều có đi kèm rủi ro, nhưng ở đây rủi ro trong quá trình chuyển đổi nợ thành cổ phần góp vốn là rủi ro đã dự báo trước. Theo đó, để quản lý nợ xấu, tối đa hóa lợi nhuận, khi cho vay, các NH cũng yêu cầu DN phải tiến hành trích lập dự phòng, khi có những phát sinh khoản thu khó đòi.

Thêm vào đó, NH cũng có thể xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Việc bán nợ này cũng có thể coi là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.

Cũng đưa ra phương án giải quyết nợ xấu riêng, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB cho rằng, cách duy nhất NH có thể đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán là bán nợ cho VAMC và trích lập dự phòng để kéo giãn thời gian xử lý nợ. Đồng thời, NH cũng tập hợp các giải pháp như: kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những có dự án kinh doanh tốt, NH tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro...

Rõ ràng, mỗi NH đều có giải pháp riêng để xử lý nợ nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống 3% trước khi phải chọn đến phương án cuối cùng là chuyển nợ thành cổ phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển nợ thành cổ phần ngân hàng: Rủi ro được báo trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO