Chứng khoán: Rủi ro điều chỉnh đang lớn dần

Khánh Phương| 27/05/2020 01:21

Việc tăng tốc quá nhanh trong hai tuần qua trên thị trường chứng khoán cũng đồng nghĩa với rủi ro điều chỉnh giảm trong phần thời gian còn lại của tháng 5 ngày càng lớn dần, nhất là khi đà đi lên đang có dấu hiệu yếu dần sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay.

Sau giai đoạn nghỉ lễ, thị trường tiếp tục thể hiện đà phục hồi ấn tượng trong nửa đầu tháng 5 vừa qua, với chỉ số VN-Index leo dốc tăng thêm 8,5%, quay lại mốc 830 điểm của ngày 10/3/2020, ngay sau thời điểm phát hiện bệnh nhân số 17 mà sau đó đã thổi bay hàng nghìn tỷ vốn hóa thị trường.

Tuy nhiên, việc tăng tốc quá nhanh trong hai tuần qua cũng đồng nghĩa với rủi ro điều chỉnh giảm trong phần thời gian còn lại của tháng 5 ngày càng lớn dần, nhất là khi đà đi lên đang có dấu hiệu yếu dần sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay. Tính từ mức đáy thiết lập vào ngày 31/3/2020, VN-Index đã lấy lại được xấp xỉ 180 điểm, tương đương tăng gần 28%, tăng đáng kể so với các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.

chung-khoan-1354-7269-1590475114.jpg

Theo đó, đã có hàng trăm cổ phiếu phục hồi đến vài chục phần trăm là bình thường, thậm chí có những cổ phiếu vượt đỉnh cao nhất trong 52 tuần qua. Đáng lưu ý là những phiên cuối tuần giữa tháng 5 đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu điều chỉnh, trước áp lực chốt lời của những nhà đầu tư bắt đáy thành công trong đợt lao dốc trong tháng 3.

Áp lực điều chỉnh đến từ đâu?

Sau các thông tin kết quả kinh doanh quý I, chia cổ tức được công bố rộng rãi trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, thị trường sẽ bước vào giai đoạn hàng loạt doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông trong nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Tại đại hội cổ đông, những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận rõ hơn, cũng như là dịp để ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch năm nay, khi mà do dịch bệnh vừa qua dẫn đến nhiều doanh nghiệp cho đến lúc này vẫn chưa công bố kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020. Ảnh hưởng dịch bệnh sẽ khiến kế hoạch của hầu hết doanh nghiệp đi xuống là chắc chắn, theo đó ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư.

Tâm lý dè chừng cũng sẽ tăng khi các số liệu kinh tế vĩ mô bán niên được công bố vào cuối tháng 6, do đó lực mua sẽ không còn hào hứng như trước, thay vào đó nhiều nhà đầu tư sẽ chọn chiến cách rút sớm khỏi thị trường, nhất là khi đã "kiếm bở" trong đợt phục hồi mạnh vừa qua. Đáng lưu ý là bước sang đầu quý III hằng năm thường là giai đoạn chứng khoán ảm đạm, với tháng ngâu luôn ảnh hưởng lên tâm lý và quyết định của nhà đầu tư.

Nền kinh tế dù đã mở cửa trở lại, nhưng có thể sẽ không bằng lúc trước. Tâm lý lo ngại dịch Covid-19 có thể bùng phát lại, nên hành vi tăng cường tích lũy các tài sản an toàn vẫn sẽ phổ biến.

Về tình hình quốc tế, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn leo thang, thỏa thuận thương mại có nguy cơ đổ vỡ, khi Tổng thống Trump gần đây tuyên bố 100 thỏa thuận thương mại cũng không bù đắp được bệnh dịch từ Trung Quốc lan ra thế giới. Trung Quốc gần đây cũng đã thừa nhận hủy các mẫu virus, trong khi giới chuyên gia đề nghị cần có điều tra độc lập về nguồn gốc SARS-CoV-2.

Những áp lực lên thị trường cũng có thể đến từ việc một số quốc gia lại bùng phát đại dịch, như Trung Quốc, Hàn Quốc, hoặc giai đoạn lây lan mạnh như Nga và một số quốc gia Nam Mỹ. Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiếp tục bị đứt gãy. Đáng lưu ý là giới chức y tế gần đây cho rằng có lẽ thế giới sẽ phải chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2.

Một số điểm tích cực

Dù vậy, không loại trừ thị trường sẽ "cố rướn" thêm một thời gian ngắn nữa trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh thật sự, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm một loạt lãi suất. Lãi suất giảm luôn là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư hào hứng trước các thông tin nới lỏng chính sách như vậy.

Tâm lý dè chừng cũng sẽ ngày càng tăng khi các số liệu kinh tế vĩ mô bán niên sẽ được công bố vào cuối tháng 6, do đó lực mua sẽ không còn hào hứng như trước, thay vào đó nhiều nhà đầu tư sẽ chọn cách tạm rút sớm khỏi thị trường, nhất là khi đã "kiếm bở" trong đợt phục hồi mạnh vừa qua.

Việc Hiệp định Thương mại Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được thông qua cũng có thể là chất xúc tác cho một số ngành như dệt may, hải sản bứt phá, khi những nhóm này đã tăng doanh thu từ hai tuần đầu tháng 5.

Việc giá dầu phục hồi mạnh trong một tháng qua sau khi chìm sâu về mức âm cũng phản ánh những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu dầu khí lấy lại đà tăng trưởng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhờ vào những cam kết cắt giảm sản lượng gần đây của các nhà sản xuất dầu chủ chốt, nguồn cung sẽ thắt chặt vào cuối năm nay ngày càng rõ ràng, do đó giúp giá dầu tăng.

Một tín hiệu hỗ trợ tích cực khác đến từ việc mua ròng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi bán ròng liên tiếp trong bốn tháng đầu năm, khối ngoại đã quay lại mua ròng liên tiếp trong bốn phiên từ ngày 12-15/4/2020 trên sàn HoSE, với tổng giá trị lên đến hơn 2.700 tỷ đồng, riêng phiên ngày 14/5/2020 mua hơn 2.400 tỷ đồng.

* Tính đến 11h15 ngày 27/5/2020, Vn-Index tiếp tục đà tăng, neo ở mức 873.81 điểm, tăng điểm 4.79 (0,55% ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Rủi ro điều chỉnh đang lớn dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO